Giáp ranh Kon Tum-Quảng Nam có một ngọn núi nổi tiếng trồng thứ cây đắng gắt, là "thuốc dấu" bí truyền

Thứ năm, ngày 25/07/2024 05:35 AM (GMT+7)
Núi Ngọc Linh nổi tiếng với huyền thoại về cây “thuốc giấu”, một loài thuốc quý bí truyền của đồng bào Xê Đăng nhiều đời nay mà sau này được định danh là sâm Ngọc Linh. Núi thiêng Ngọc Linh cũng là ngọn núi nằm giữa ranh giới hai huyện Đắk Glei của tỉnh Kon Tum và huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0

Cung đường từ Đắk Tô qua Ngọc Hồi, Đắk Glei, Tu Ma Rông của vùng đất địa đầu Tây Nguyên đã đưa chúng tôi chạm vào vùng đất huyền bí của sâm Ngọc Linh trong ký ức người dân nơi đây và cả những câu chuyện về việc bảo tồn loài dược liệu quý này hôm nay.

 Ký ức về loài cây “thuốc giấu”

Núi Ngọc Linh nổi tiếng với huyền thoại về cây “thuốc giấu”, một loài thuốc quý bí truyền của đồng bào Xê Đăng nhiều đời nay mà sau này được định danh là sâm Ngọc Linh. Núi thiêng Ngọc Linh cũng là ngọn núi nằm giữa ranh giới hai huyện Đắk Glei của Kon Tum và Trà My của Quảng Nam.

Bên phía Trà My có 6 xã được quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh, bên phía Đắk Glei có 7 xã được trao sứ mệnh duy trì nguồn gen quý, trong đó mạn Đắk Glei mưa nhiều, độ ẩm cao hợp với sinh trưởng của cây sâm.

Ông Nguyễn Trọng Tâm, một thầy giáo nghỉ hưu ở thôn 7, xã Kon Đào, huyện Đắk Tô vẫn còn nhớ những ngày đầu đặt chân tới đây gần 50 năm trước. Đó là năm 1977, khi đất nước mới giải phóng, chàng trai quê Can Lộc, Hà Tĩnh sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế được phân công lên Kon Tum dạy học.

Cả cuộc đời sư phạm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, thầy giáo Tâm làm giáo viên 4 năm thì được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, và làm cho tới lúc nghỉ hưu. Ăn ở cùng đồng bào, đem cái chữ đến cho đồng bào bằng cả tấm lòng, ông yêu quý họ và họ cũng dành cho ông những tình cảm đặc biệt biểu hiện mộc mạc, không diễn tả bằng những lời hoa mỹ.

Ở Kon Tum có một ngọn núi nổi tiếng trồng thứ cây đắng gắt là thuốc dấu bí truyền của người Xê Đăng- Ảnh 1.

Vườn sâm Ngọc Linh trên độ cao 1.650m trên núi Ngọc Linh của Nguyễn Đức Quốc Huy.

Những ngày nạn fulro còn hoành hành, nhiều cán bộ và người dân bị chúng tấn công dã man thì fulro vẫn chừa thầy giáo ra, bởi “thầy dạy con mình mà”. Ông bảo, đồng bào Xê Đăng khi đã hiểu, đã yêu quý thì họ có thể hy sinh vì mình.

Gần 50 năm gắn bó với mảnh đất này, ông Tâm hiểu đất, hiểu người nơi đây. Bởi thế mà ký ức của ông về cây sâm là cả một câu chuyện dài. Ông bảo sâm ngày ấy cũng chỉ đắt hơn khoai lang một tí, bà con lên núi kiếm được vẫn để trên hai tay đưa biếu thầy giáo.

Bản thân ông Tâm cũng đã nhiều lần leo lên núi Ngọc Linh từ xã Đắk Sao của huyện Tu Mơ Rông bây giờ chứ không phải từ xã Ngọc Linh, cả ngày đường mới tới. Những chuyến đi của ông khi thì khai quật kim loại quý từ máy bay Pháp bị rơi trên đỉnh Ngọc Linh, khi thì kiểm sản vật rừng, có những củ sâm ông kiếm được nặng tới 2 lạng. Bà con đi rừng lấy được sâm cũng vẫn mang về bán.

Ai sống quanh khu vực núi Ngọc Linh cũng có những ký ức về sâm. Câu chuyện về những người buôn bán sâm rừng mà trở nên giàu có, rồi câu chuyện sâm ngủ sâm thức, sâm cho ai thấy mới thấy. Có những củ sâm ngủ yên nhiều năm khi bị đất đá vùi sâu, đến một ngày mưa gió lên gần mặt đất mới lại nảy mầm sinh trưởng tiếp. Bởi vậy, với sâm trồng có thể tính tuổi bằng các mắt nhưng với sâm rừng tính bằng mắt lại không chuẩn.

Sâm rừng có giá trị cao hơn cũng là như vậy. Cây sâm chỉ bừng dậy vào mùa mưa, khi bật lá đâm chồi, đây là mùa không dễ để lên núi, nhưng lại là mùa săn sâm của những thợ rừng.

Sâm rừng hiện nay dù không nhiều như những năm tháng trước nhưng người dân vẫn tìm được. Tuy hiếm nhưng bù lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Một 1kg sâm rừng loại 1 gồm 5 củ có giá lên đến gần 300 triệu đồng. Củ nhỏ hơn, tuổi nhỏ hơn thì giá giảm dần.

Tuy vậy, không phải ai cũng có duyên với loài cây nhiều bí ẩn này. Anh A Đom, ở thôn Đắk Xi Na, xã Xốp, huyện Đắk Glei được coi là người có nhiều sâm rừng nhất xã, cái này là cái duyên cái lộc của mỗi người, không phải cứ cố mà được. Sự giàu có ở đây được đo đếm bằng sâm kèm theo cả niềm khâm phục.

Vườn sâm trên độ cao 1.650m

Đến Kon Tum, tôi được giới thiệu một người đang nỗ lực gây dựng vườn sâm theo phương pháp bán tự nhiên. Vậy là tôi quyết tâm ngược núi lên mục sở thị vườn sâm của Nguyễn Đức Quốc Huy, sinh năm 1984, hiện sinh sống tại Tân Cảnh, Đắk Tô.

Sự nghiệp trồng sâm của Huy đã bắt đầu từ trước đó, khi anh có một người bạn làm trong công ty lâm nghiệp, có hoạt động trồng và thu hoạch sâm, người bạn này đã khuyên Huy nên đầu tư vào loài cây quý này.

Khi đó Huy còn đang là một kỹ sư cầu đường làm việc tại Đồng Nai. Anh có đầu tư một ít sâm trên núi, thuộc thôn Đắk Xi Na. Sự kiện đánh dấu mốc để Huy tập trung vào sâm chính là đại dịch Covid-19. Nằm ở Đồng Nai cách ly, xa vườn sâm không cách gì về được, đến khi có lệnh nới giãn cách là anh về Kon Tum, phi lên núi ngay.

Đó cũng là thời điểm anh quyết định toàn tâm toàn ý với cây sâm. Huy xin nghỉ việc hẳn về làm sâm, đầu tư tiền, gọi thêm vốn từ một số người bạn thân quen mua cây giống phát triển vườn.

Ở Kon Tum có một ngọn núi nổi tiếng trồng thứ cây đắng gắt là thuốc dấu bí truyền của người Xê Đăng- Ảnh 2.

Một cây sâm Ngọc Linh 5 tuổi đang trồng trên núi Ngọc Linh thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.

Theo phương pháp bán tự nhiên, tôn trọng sinh trưởng và môi trường sống của cây sâm trên núi Ngọc Linh nên khu vườn Huy xin phép trồng sâm nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, ở độ cao 1.650 m, thuộc xã Xốp, huyện Đắk Glei.

Bởi thế, việc vận chuyển nông cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc trồng sâm vô cùng khó khăn. Dốc dựng đứng, leo chân còn khó, anh phải thuê những thanh niên Xê Đăng thồ xe máy cuốn xích vào bánh ngược núi chở từng cuộn dây thép B40 để quây làm hàng rào, vừa để giữ an ninh vừa chống chuột vào phá sâm.

Một người bạn bị thuyết phục bởi ý tưởng đẹp và một tương lai tốt sau này đã về làm cùng anh, nhưng chỉ sau một tuần “trải nghiệm” đã bỏ cuộc. Còn một mình, Huy vẫn đi tiếp. Theo cách của thầy Tâm, anh từng bước tiếp cận, làm cho đồng bào Xê Đăng dưới chân núi hiểu và ủng hộ mình thực hiện dự án, một mặt anh xin phép địa phương và làm các thủ tục hành chính cần thiết.

Khi Huy bắt đầu thì cây sâm Ngọc Linh đã là một thương phẩm nổi tiếng, có giá trị, tuy vậy cũng có nhiều sự trà trộn nguồn gen, giống và cách nuôi trồng khác nhau, ảnh hưởng đến thị trường cũng như sự xác tín về chất lượng. Huy đã chọn đi theo con đường bền vững. Khi đó ở xã Măng Ri, huyện Tu Ma Rông việc trồng sâm đã được những cán bộ và bà con Xê Đăng phát triển thành công.

Học tập mô hình này, anh đã xây dựng mô hình vườn sâm theo hướng gắn với cộng đồng, kêu gọi người dân địa phương cùng vào cuộc nuôi trồng kiên trì chờ đến ngày thu hoạch. Một cây sâm từ lúc trồng đến lúc thu hoạch rất dài, sau 7 năm mới đủ hàm lượng vi chất cần thiết để xuất ra thị trường.

Để rút ngắn thời gian, thay vì ươm từ hạt, Huy đã bỏ tiền mua cây về trồng, tuy tốn kém nhưng sẽ nhanh hơn. Số cây này tuy chưa được thu hoạch củ nhưng có thể thu hạt để bán hạt giống đem lại một nguồn thu nhỏ cho việc duy trì hoạt động vườn sâm. 

Trong khu vực 30 ha là những luống sâm của Nguyễn Đức Quốc Huy luống 3 tuổi, luống 5 tuổi, bên cạnh những cây sâm rừng được anh mua về tiếp tục gửi vào rừng để kéo dài thời gian sinh trưởng.

Nối dài sinh trưởng giống sâm quý

Chúng tôi đã gặp những chiếc xe bán tải của người dân chạy trên đường ở Tu Mơ Rông, một số hộ dân người Xê Đăng ở đây tham gia mô hình trồng sâm đã trở nên giàu có. Xã Măng Ri của Tu Mơ Rông được coi là thủ phủ sâm Ngọc Linh hiện nay với sự tiên phong trong việc trồng sâm và cả sâm dây bán ra thị trường.

Dự án Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng đã được triển khai từ năm 2005, do Ban quản lý 5 triệu ha rừng - Công ty Đầu tư phát triển nông lâm công nghiệp và dịch vụ huyện Đắk Tô làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei với mục tiêu là bảo tồn sâm Ngọc Linh. 

Bên cạnh đó, các mô hình như của Nguyễn Đức Quốc Huy cũng góp phần xã hội hóa việc bảo vệ nguồn gen quý này.

Ở Kon Tum có một ngọn núi nổi tiếng trồng thứ cây đắng gắt là thuốc dấu bí truyền của người Xê Đăng- Ảnh 3.

Củ sâm 25 tuổi.

Những luống trồng sâm ẩn dưới tán rừng già, trong điều kiện tự nhiên đang là một hướng đi đúng đắn trong việc bảo tồn và phát triển sâm rừng. Anh A Điêu từng có thời gian làm Phó Chủ tịch xã Xốp nay đã đầu quân cho Huy để hàng ngày coi sóc vườn sâm.

Những thanh niên Xê Đăng trẻ ở Đắk Xi Na cũng đã quen với việc có một trang trại sâm, nơi họ có thể đến làm việc và có quyền lợi sau thời gian cống hiến. 

Câu chuyện về sâm Ngọc Linh đang được những người trẻ viết tiếp. Bố của Nguyễn Đức Quốc Huy vốn là người Quảng Ngãi lên Kon Tum làm cán bộ kế toán trong đơn vị lâm nghiệp, mẹ của anh từ miền quê Hà Tĩnh cũng lên Kon Tum làm giáo viên như thầy Tâm.

Lứa học trò của thầy Tâm năm xưa trong đó có người con cả Nguyễn Trọng Nam của thầy đang là những người chủ của Kon Tum hôm nay. 

Người thì tham gia phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, đưa sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến thị trường cả nước như Nguyễn Thị Thanh Thúy, người thì theo hướng phát triển dược liệu như Cù Thị Hồng Nhung, chủ thương hiệu dược liệu An Thành; người thì quay về dành tâm huyết cho sâm như Nguyễn Đức Quốc Huy…

Họ đang là những người viết tiếp huyền thoại sâm Ngọc Linh.

Bảo An (Báo Đại đoàn kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem