Nuôi con dông trên đồi cát nắng chang chang, nông dân Ninh Thuận có thu nhập "khỏe re"
Nuôi “tiểu khủng long” trên đồi cát nắng chang chang, nông dân Ninh Thuận có thu nhập "khỏe re"
Đức Cường
Thứ bảy, ngày 01/04/2023 05:30 AM (GMT+7)
Con dông là đặc sản ở miền nắng gió, thịt dông nướng thơm lừng khiến ai đến Ninh Thuận cũng phải tìm ăn một lần cho biết. Nhiều nông dân Ninh Thuận đã đầu tư mô hình nuôi dông, tạo thu nhập tốt...
Nhiều người gọi dông là "tiểu khủng long" bởi nó có nhiều màu sắc, lúc nào cũng ngẩng cao đầu và sống ở vùng cát trắng…
Thu nhập khủng từ nuôi dông
Nhờ đầu ra ổn định ở mức 600.000-700.000 đồng/kg, đặc sản dông thịt ở Ninh Thuận đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Một ngày cuối tháng 3, PV Dân Việt có dịp đến vùng đồi cát trắng thuộc thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Nơi đây được xem là "công viên tiểu khủng long" nuôi dông cát lớn nhất ở tỉnh Ninh Thuận.
Đang tất bật chăm sóc bầy dông thương phẩm ở chuồng nuôi trên 2.000 con, ông Trịnh Lân, người có thâm niên gần 15 năm kinh nghiệm nuôi dông ở thôn Hòa Thủy cho biết, nhờ con dông mà kinh tế gia đình ông ngày càng khá lên.
Theo ông Lân, những năm 2000 trở về trước, gia đình ông chỉ biết làm ruộng, trồng cỏ, nuôi cừu nên khi tế gia đình bấp bênh. Đến năm 2010, ông tình cờ biết được mô hình nuôi dông qua sách báo và những người nuôi khác nên ông bắt đầu tập tành làm theo.
"Bước đầu tôi chủ yếu mua dông từ người dân đánh bắt ngoài tự nhiên để thả nuôi. Sau gần một năm, tôi bắt đầu xuất bán với giá lúc đó từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Nhận thấy giá trị con dông cao hơn hẳn các loại vật nuôi khác nên tôi bắt đầu cho dông mái sinh sản, nhân giống và nuôi nhiều hơn…", ông Trịnh Lân cho hay.
Ông Lân cho biết, dông là loại vật dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư thấp. Mỗi chuồng nuôi dông chỉ đầu tư khoảng 10 – 15 triệu đồng nhưng có thể sử dụng nuôi dông trong nhiều năm sau đó.
"Vật liệu làm "nhà" cho dông rất đơn giản, chủ yếu là gạch táp lô xây cao chừng 80cm, phía trên rào lưới lên 1,2 mét là có thể thả dông vào nuôi. Quan trọng nhất là phần móng phải đào sâu 50-60cm để tránh việc dông đào hang ra ngoài…", ông Lân chia sẻ.
Hiện nay, gia đình ông Lân đã có 8 chuồng nuôi dông với số lượng lên đến 20.000 con. Trung bình mỗi tháng gia đình ông xuất bán 12 – 15 kg dông thịt, với giá từ 600.000 – 700.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi tháng thu về từ 8-12 triệu đồng.
"Mỗi lúc cần bán tôi chỉ điện thoại thì thương lái sẽ tìm đến tận nơi để mua dông. Nhu cầu thị trường dông thịt rất cao nên người nuôi cũng đỡ lo phần đầu ra như những mặt hàng nông sản khác…", ông Lân cho hay.
Cận cảnh mô hình nuôi dông trên cát ở Ninh thuận. (T/h: Đức Cường)
Nhiều người dân ở Ninh Thuận cho biết, do yếu tố địa hình và khí hậu phù hợp nên chất lượng dông thịt ở Ninh Thuận luôn được thực khách đánh giá cao hơn các tỉnh bạn. Hiện thị trường chủ yếu là các tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh phía nam như: TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ…
Ngoài ra, dông thịt ở Ninh Thuận được nuôi trong môi trường bán tự nhiên với thức ăn chủ yếu là cỏ xanh, rau và các phế phẩm nông nghiệp nên chất lượng thịt rất thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bắt dông đẻ trứng nở ra con dông giống
Cũng theo ông Trịnh Lân, trước đây các hộ nuôi chủ yếu mua lại dông con từ người dân bắt được ngoài tự nhiên nên nguồn dông giống không ổn định.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây người nuôi dông ở thôn Hòa Thủy đã nuôi thành công dông sinh sản để phục vụ nhu cầu con giống cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
"Đặc tính sinh sản của dông là chỉ đẻ trứng trên cát có độ kết dính thấp nên rất phù hợp với địa hình ở địa phương. Mỗi năm, dông cái chỉ sinh sản một lần từ 4 - 8 trứng. Sau khoảng 30-40 ngày, trứng sẽ nở thành dông con. Giá dông con giống dao động từ 700.000 – 800.000 đồng/kg nên nuôi thịt hay làm giống đều có lợi…", ông Lân thông tin.
Nhờ chủ động được nguồn con giống mà hiện nay số hộ nuôi dông trên địa bàn xã Phước Hải (huyện Ninh Phước) ngày một tăng. Hiện toàn xã có trên 100 hộ nuôi với tổng diện tích khoảng 15ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 8-10 tấn dông thịt.
Cũng theo ông Lân, để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích nhiều hộ dân đã tận dụng chuồng dông để thực hiện "mô hình" nuôi dông kết hợp thỏ rừng.
Thỏ rừng và dông được thả chung trong một khu vực nuôi nên đỡ tốn chi phí đầu tư chuồng trại, đỡ công chăm sóc. Giá bán thỏ rừng cũng tương đương thịt dông, dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân nên mô hình này hiện nay rất được nhiều nông dân thực hiện…
Nuôi dông thoát nghèo
Ông Huỳnh Thanh Huy Thái - Phó chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết, nhờ hiệu quả kinh tế mang lại từ con dông mà nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2022 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 227 hộ, chiếm tỷ lệ 6,27%.
"Để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi dông trên cát, xã đã lên kế hoạch thành lập hợp tác xã (bước đầu đã có 48 hộ tham gia). Qua đó, sẽ có đầu mối liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dông thịt và thỏ rừng. Việc này góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương…", ông Thái thông tin.
Những món ngon từ thịt dông
Dông là loài bò sát sống ở những đụn cát nắng nóng, có hình dáng mảnh mai nhưng rất nhanh nhẹn. Dông mái ít màu nhưng dông đực có nhiều màu sắc sặc sỡ như các loại kỳ nhông, kỳ đà. Thịt dông trắng như thịt gà, ngọt, thơm, xương rất mềm, gần như là sụn.
Dông sau khi làm sạch da ngoài (da đất), rồi ướp với muối ớt, sa tế khoảng 15 phút rồi đem nướng trên bếp than hồng đến khi thịt săn lại, hơi ngả màu vàng, tỏa hương thơm nức mũi khiến người nhìn khó cưỡng…
Dông nướng ăn với lá húng quế, xoài sống chua chua bằm và có thể ăn với bánh tráng nướng
Nhưng ngon nhất là dông làm gỏi. Ở Ninh Thuận có một loại lá, người dân địa phương gọi là lá xào dông. Lá này nhìn giống lá chùm ruột non, sống trên vách đá vùng khô hạn, mùi thơm thoảng vị chua chua, chát chát… Lá này làm gỏi dông thì ăn ngon hết thuốc!
Cách làm gỏi: Dông để nguyên xương, trụng nước sôi sơ qua, sau đó bầm nhỏ. Thêm tí ớt tỏi cay cay rồi cho vào chảo xào cho thịt dông chín. Sau đó trộn với lá xào dông xắt nhỏ(nếu không có thì trộn với cóc hoặc xoài bằm chỉ) ít rau thơm, đậu phộng rang giòn, nước mắm pha. Gỏi dông ăn kèm với bánh tráng nướng (loại bánh tráng dày, nhiều mè) vàng rụm, xúc gỏi dông ăn mãi không chán.
Ngoài ra, thịt dông bằm nhuyễn rồi giã cùng nhiều loại gia vị như: ớt, hành, tiêu, tỏi, mỡ heo, dầu ăn để làm chả dông. Sau đó, người ta còn trộn thêm một ít nấm mèo và bách thảo đã cắt nhỏ, dùng bánh tráng mỏng cuốn hỗn hợp này thành nhiều cuốn bằng ngón tay rồi bỏ vào chảo dầu chiên giòn. Chả dông dùng làm mồi nhậu ngon, ăn với cơm nóng cũng rất hấp dẫn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.