Tròn một thế kỷ Bác Hồ đến thành phố Boston, Mỹ

Nguyễn Tấn Tuấn Thứ năm, ngày 19/05/2022 07:40 AM (GMT+7)
Bác Hồ đã từng sống ở Boston, một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ. Tại đây, Bác đã đọc và nghiền ngẫm Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Có thể coi đó là một sự kiện rất quan trọng bởi vì bản tuyên ngôn này đã gây cảm hứng cho người thanh niên Việt Nam trên hành trình đi tìm đường cứu nước.
Bình luận 0

Bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Hoa Kỳ. Trong đó, khách sạn Omni Parker House là nơi lưu giữ hình ảnh chân thực và sống động về quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt nơi đây hơn 100 năm về trước.

Tròn 1 thế kỷ Bác Hồ đến thành phố Boston, Mỹ  - Ảnh 1.

Khách sạn Omni Parker House ngày nay. Ảnh: Internet

Đã tròn một thế kỷ Bác đến Hoa Kỳ

Theo tài liệu, năm 1912 Bác Hồ từng đến Hoa Kỳ với mục đích tìm hiểu thêm về một đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Bác ngưỡng mộ các vị tổng thống đầu tiên của Mỹ vì họ đã dũng cảm đấu tranh cho sự công bằng, dân chủ và độc lập dân tộc...

Bác Hồ sống và làm việc tại Hoa Kỳ từ năm 1912 đến 1913. Trong thời gian này Bác đã 3 lần tiếp xúc và nói chuyện trực tiếp với nhà văn Mỹ Anne Louis Strong. Những câu chuyện thường xoay quanh chủ đề liên quan đến vấn đề giải phóng dân tộc khỏi nô lệ áp bức. Bác nói với nhà văn Mỹ rằng : "Nhân dân Việt Nam ... lúc này thường tự hỏi: Ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này chỉ là Nhật, người khác chỉ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi".

Tại New York , Bác vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa nghiên cứu lịch sử - xã hội của nước Mỹ. Một thời gian sau, Bác đến thành phố Boston , vùng hải cảng thuộc bang Massachuseffs. Đây là chiếc nôi của nền văn hóa Mỹ, nơi nổ ra cuộc kháng chiến đầu tiên của nhân dân Mỹ chống ách đô hộ thực dân Anh, giành lại độc lập cho nước nhà. Cũng tại nơi khởi đầu cuộc chiến tranh vệ quốc ở thành phố Boston, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đọc và nghiền ngẫm Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Có thể coi đó là một sự kiện rất quan trọng bởi vì bản tuyên ngôn này đã gây cảm hứng cho người thanh niên Việt Nam trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ thời ấy, Bác thích nhất câu: "Thượng đế sinh ra con người, ai cũng có quyền tự do bình đẳng...".

Trong chuyến đi của lãnh tụ Hồ Chí Minh sang Mỹ, Người đã không ngừng học hỏi và tiếp thu những giá trị về tư tưởng văn hóa, nền văn minh của dân tộc này với hy vọng sẽ mang những tinh hoa ấy về cho đồng bào mình. Trong giai đoạn đổi mới và cải cách bộ máy hành chính - nhà nước ở Việt Nam , hiện nay tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta vẫn là xây dựng một nền pháp quyền XHCN, mọi người dân Việt Nam đều sống và làm việc theo pháp luật.

Tư tưởng pháp quyền của lãnh tụ Hồ Chí Minh được thể hiện khá rõ nét trong bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) vào năm 1946. Từ bản hiến pháp này, Hồ Chủ tịch đã thể hiện bản chất của nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều lý thú nhất chính là ở chỗ người thanh niên ái quốc Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu một cách sáng tạo tư tưởng nhà nước pháp quyền từ tổng thống Abraham Lincoln - vị tổng thống có uy tín bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ từ những năm 1861. Thời kỳ này, ông Lincoln là người đã phát động cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Vị tổng thống này đã từng tuyên bố : "Chế độ dân chủ là chính quyền của dân, do dân và vì dân".

Có thể thấy rằng, Bác Hồ sang Mỹ là một sự xuất dương có chọn lọc. Người đã ngưỡng mộ tên tuổi của G. Washington; Th. Jeffeson; Abraham Lincoln ... những nhân vật đại diện cho sự công bằng, dân chủ và bình đẳng của người lao động. Nước Mỹ là quốc gia đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó Người sang vương quốc Anh, rồi đến Pháp và Nga. Người đã bôn ba khắp thế giới, đi nhiều và quan sát cũng nhiều. Có lẽ đó chính là điều kiện để vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam hoàn thiện kiến thức và nhân cách của mình từ tinh hoa của nhân loại.

Tròn 1 thế kỷ Bác Hồ đến thành phố Boston, Mỹ  - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính viết cảm tưởng sau khi thăm khách sạn Omni Parker House - nơi Bác Hồ từng làm việc từ năm 1911 - 1913. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bác Hồ và nước Mỹ

Vào năm 1919, tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đến Paris - thủ đô của nước Pháp để dự hội nghị Versailles (Vec-xai) với chương trình 14 điểm. Ông này đã tuyên bố một nguyên tắc thiêng liêng là mọi dân tộc phải có quyền tự quyết. Bác Hồ thời đó cũng đã kịp thời gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm, rất khiêm tốn và đúng mực. Bác chưa đòi quyền tự trị cho nước mình, mà chỉ đòi những quyền tự do tối thiểu cho dân tộc Việt Nam đang nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đoàn chính phủ Mỹ nhận được bức thư nói trên của Bác Hồ, hứa sẽ trình lên tổng thống Woodrow Wilson, nhưng cuối cùng họ đã nuốt lời.

Năm 1942 từ căn cứ Việt Bắc, Hồ Chủ tịch lại lên đường sang Trung Quốc để nhờ sự hỗ trợ bên ngoài cho lực lượng cách mạng còn non trẻ Việt Nam . Thông qua Tưởng Giới Thạch, Bác muốn tranh thủ sự giúp đỡ của người Mỹ nhưng cuối cùng cũng không thành. Tuy mối quan hệ giữa Mỹ và cách mạng Việt Nam lúc này không được tốt, thế nhưng Bác Hồ vẫn sẵn sàng giúp đỡ người Mỹ, cung cấp cho quân đội đồng minh những tin tức tình báo quan trọng về phát xít Nhật ở bắc Đông Dương.

Người không đòi hỏi phía Mỹ giúp đỡ gì về vật chất mà cần sự ủng hộ và công nhận vai trò của tổ chức yêu nước cách mạng Việt Nam. Trong suốt chặng đường tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đạt được quan hệ chính thức với Mỹ. Bác đành tìm cách mở ra hướng "ngoại giao nhân dân". Đáng chú ý là việc giúp đỡ cho tướng Gallagher - người đứng đầu phái bộ quân sự Mỹ tại Hà Nội để lập ra "Hội hữu nghị Mỹ - Việt" vào đầu năm 1946. Cũng trong năm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các nhân vật quan trọng của chính phủ Mỹ như : George - Bí thư Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Paris , hoặc trưởng ban Đông Nam Á Bộ Ngoại giao Mỹ Low Moffat tại thủ đô Hà Nội.

Trong bản báo cáo của một nhà ngoại giao Mỹ vào năm 1946 gửi cho tổng thống Hoa Kỳ có đoạn: "Hồ Chí Minh là một người cộng sản, nhưng trước hết ông là nhà yêu nước nhiệt thành, muốn xây dựng một nhà nước Việt Nam có tính dân tộc cao". Vào năm 1949, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Đông Dương nhận xét rằng: Hồ Chí Minh muốn tranh thủ thái độ của người Mỹ để tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Ông cho rằng Mỹ nên có một giải pháp ủng hộ chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, nhiều nhân vật quan trọng của chính phủ Mỹ thời ấy đã đồng tình với quan điểm của vị tổng lãnh sự này. Một số người Mỹ trước đây có dịp gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh đều có nhận xét khá trung thực về Bác.

Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, D.C, chiều 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc tại khách sạn Omni Parker House, thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts.

Bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Hoa Kỳ. Trong đó, khách sạn Omni Parker House là nơi lưu giữ hình ảnh chân thực và sống động về quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt nơi đây hơn 100 năm về trước.

Thông tin giới thiệu của khách sạn và tập sách giới thiệu về khách sạn Omni Parker House được đặt trong khung kính treo cẩn thận trên dọc tường hành lang tầng hầm. Tư liệu cũ với nhiều hình ảnh, bài viết về cuộc sống sinh hoạt của người dân Boston trong giai đoạn trước có ghi cụ thể: "Hồ Chí Minh từng giữ vị trí phụ trách lò bánh (pastry chef) của Parker từ năm 1911-1913. Chiếc bàn nơi ông ấy đã làm việc, hiện vẫn còn trong lò bánh này....".

Trong lưu bút tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất xúc động khi đến thăm khách sạn Omni Parker House và nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã từng làm việc; trân trọng cảm ơn sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của ban lãnh đạo, đội ngũ nhân viên khách sạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong rằng khách sạn Omni Parker House tiếp tục là điểm dừng chân có ý nghĩa cho những người Việt Nam và bạn bè quốc tế quan tâm tìm hiểu về chặng đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những đóng góp của Người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ và kết nối tư tưởng độc lập, tự do, vì sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân hai nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem