“Nợ nước non” – tiểu thuyết đặc biệt về thời niên thiếu của Bác Hồ

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 16/05/2022 15:39 PM (GMT+7)
"Nợ nước non" là tiểu thuyết thứ nhất nằm trong bộ sử thi nghệ thuật 3 tập mang tên "Nước non vạn dặm" của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, hướng tới kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình luận 0

Sáng nay (16/5) tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo ra mắt cuốn tiểu thuyết "Nợ nước non" của nhà văn, nhà biên kịch, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ nhất nằm trong bộ sử thi nghệ thuật 3 tập mang tên "Nước non vạn dặm" hướng tới kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiểu thuyết này cũng được nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ chuyển thể thành kịch bản sân khấu và NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng thành vở diễn "Nợ nước non". Vở diễn là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật Cải lương, Ví Giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, Bài chòi và dân ca Nam Bộ.

“Nợ nước non” – tiểu thuyết đặc biệt về thời niên thiếu của Bác Hồ  - Ảnh 1.

Tiểu thuyết "Nợ nước non" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ do NXB Văn học kết hợp với Liên Việt Công ty CP Văn hóa & Truyền thông Liên Việt xuất bản, phát hành. Ảnh: HTL.

Tiểu thuyết "Nợ nước non" dày 220 trang, gồm 4 chương: Làng Chùa; Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy; Trở lại kinh thành; Cho chuyến đi xa. Toàn bộ nội dung của hai tác phẩm này không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử - xã hội mà đi sâu vào luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911.

Trong tiểu thuyết, cùng với tuyến nhân vật chính, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ còn đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật như: bà ngoại, người thân trong gia đình, Út Huệ, Phúc, Út Tâm… chí sỹ Phan Bội Châu, họa sĩ – thầy giáo Lê Văn Miến…

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tâm sự, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết và kịch bản sân khấu "Nợ nước non", ông gặp rất nhiều thách thức. Trước hết, đó là từ xưa đến nay đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ và những tác phẩm đó đã nằm lòng trong ký ức của nhiều thế hệ. Vì vậy, phải viết như thế nào để tác phẩm có sự mới mẻ nhưng vẫn đủ sức để lay động trái tim người đọc.

Ngoài ra, trong tiểu thuyết viết về thời niên thiếu của Bác Hồ, phải làm sao làm rõ được vai trò của quê ngoại đối với sự hình thành nhân cách của cậu bé Nguyễn Tất Thành. Bởi trước đó, Bác Hồ được sinh ra và sống cùng cha mẹ ở làng Trù (Hoàng Trù) quê ngoại. Chỉ đến khi cha của Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng thì mới về làng Sen (Kim Liên) quê nội vinh quy báo tổ.

“Nợ nước non” – tiểu thuyết đặc biệt về thời niên thiếu của Bác Hồ  - Ảnh 2.

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại họp báo. Ảnh: HTL.

"Nợ nước non" là tình yêu của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ hướng về Bác Hồ kính yêu

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng lý giải rằng: "Cái tên "Nợ nước non" xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan – mẹ của Bác Hồ thường hát ru để dạy các con: "Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền". Ngày xưa các cụ chỉ mong con cái mình "đói sạch, rách thơm" và coi chuyện công danh là "nợ nước non" mà ai cũng phải "đền". Trong tiểu thuyết và vở diễn này, tôi dành nhiều trang viết về ông bà ngoại của Bác Hồ - những người đã có công rất lớn trong dưỡng nuôi và chăm lo cho gia đình Bác. Người Nghệ có câu "cháu nội tội ngoại" thì áp vào trường hợp của gia đình Bác Hồ là rất chuẩn".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, viết tiểu thuyết về nhân vật lịch sử, một con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh quả là một thách thức lớn. Ngay chính tình yêu lớn của người Việt Nam nói chung và của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nói riêng dành cho vĩ nhân Hồ Chí Minh là thách thức khó khăn nhất. 

Bởi người viết sẽ mang cảm giác sợ hãi khi chạm vào sự thiêng liêng ấy. Bởi bạn đọc sẽ "soi xét" nhân vật dựa trên rất nhiều cứ liệu, nhiều lý do và nhiều thái độ. Và bởi đây là tiểu thuyết và nhà văn phải sáng tạo ra một đời sống chi tiết của nhân vật mà hầu như chúng ta không có đủ tư liệu cần thiết để tựa vào. Nhưng khi đọc xong tập "Nợ nước non", ông đã trút được nỗi sợ hãi đó.

“Nợ nước non” – tiểu thuyết đặc biệt về thời niên thiếu của Bác Hồ  - Ảnh 3.

Bìa sách "Nợ nước non" lấy hình ảnh làng Trù quê ngoại của Bác Hồ. Ảnh: HTL.

"Nợ nước non" là sự nghiên cứu một cách vô cùng kỹ lưỡng về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên. Đó là việc chọn cách viết phù hợp nhất cho thể loại tiểu thuyết về nhân vật lịch sử. Đó là cách nhìn độc lập nhưng biện chứng về tất cả những gì liên quan đến một nhân vật lịch sử. 

Và điều đặc biệt nhất, nền tảng quan trọng nhất để nhà văn Nguyễn Thể Kỷ dựng nên con người Hồ Chí Minh chính là tình yêu đặc biệt và thiêng liêng của ông dành cho Người. Với tình yêu như thế, ông tự tin sáng tạo những chi tiết trong đời sống, những lời nói, những suy nghĩ, những hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé Cung cho đến khi thành người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà ông không hề sợ "phạm lỗi", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

"Đọc hết "Nợ nước non", không riêng tôi có cái cảm giác được "sống thêm một đời sống khác" do tác phẩm đem lại. Đó chính là khí vị và dư vị của tiểu thuyết vẫn thường được coi là "một câu chuyện bịa y như thật". Trong trường hợp này, theo tôi, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã viết tiểu thuyết theo hướng "một câu chuyện thật y như bịa". Đây chính là bút pháp mới của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nếu so sánh với tiểu thuyết "Hừng Đông" (2020) viết về đồng chí Phan Đăng Lưu...

"Nợ nước non" được nhà văn viết bằng một bút pháp hiện thực - tâm lý - trữ tình hòa quyện. Bám sát sự thật lịch sử đã đành, nhưng tác giả không dìm người đọc vào sự kiện có thể như thác lũ khi viết về một nhân vật lịch sử, thời kỳ lịch sử đáng nhớ.

Tác giả đã vận dụng một lối văn "duy tình" khiến câu chuyện được kể thấm đẫm nghĩa cử... Vận dụng lối viết từ cái nhìn bên trong nội tâm con người nên tiểu thuyết "Nợ nước non" của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, theo tôi, sẽ để lại được ấn tượng rõ nét và sâu đậm về nhân vật Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba. Đó là một con đường của văn chương/chữ nghĩa để tiếp cận, khắc họa một hành trình nghệ thuật theo dấu anh hùng", nhà văn Bùi Việt Thắng nhìn nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem