Tượng Phật nằm kỷ lục
Nói đến các tượng Phật khổng lồ ở miền Tây đầu tiên phải kể đến tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn tại chùa Vàm Ray (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Ngôi chùa này nằm giữa chốn đồng quê với nhiều cây xanh rợp bóng mát.
Các công trình kiến trúc trong chùa từ chánh điện, cổng đến hàng rào, tường… đều được sơn màu vàng nên nhìn từ bên ngoài chùa như một cung điện. Các công trình xây dựng trong chùa với nhiều hoa văn, họa tiết được chạm trổ và điêu khắc tỉ mỉ.
Tượng Phật nằm ở chùa Vàm Ray thuộc xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Hiện nay, chùa Vàm Ray là một tổng thể các công trình kiến trúc ấn tượng, trong đó pho tượng Phật nhập niết bàn (Phật nằm) là công trình ấn tượng nhất đối với khách thập phương. Tượng Phật này đối diện với cổng chùa dài 54m, nằm sau những hàng cây cao trong khuôn viên. Toàn bộ bức tượng Phật được sơn màu vàng. Bên dưới, bệ đỡ là ngôi nhà cao 2 tầng dùng để cho các chư tăng sinh hoạt và phật tử gần xa về lưu trú.
Tượng Phật Tổ A Di đà ở ngôi chùa kỷ lục
Tọa lạc trên cù lao Giêng giữa sông Tiền mênh mông, chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) từ lâu là một công trình tôn giáo nổi tiếng khắp miền Tây. Chùa Phước Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc phật giáo có giá trị nghệ thuật cao.
Tượng Phật Tổ A Di Đà ở chùa Phước Thành thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đặc biệt vào năm 2012, chùa khởi công xây dựng tượng Phật tổ A Di Đà cao 39m cùng 48 vị Bồ tát Thánh chúng mỗi tượng cao 5m bằng bê tông cốt thép. Công trình hoàn thành năm 2016 mang kiến trúc văn hóa cổ, truyền thống đặc thù của Phật giáo. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo kết hợp với việc công trình Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng được xác lập Kỷ lục Việt Nam, ngôi chùa càng thu hút sự chú ý của du khách thập phương.
Tượng Phật Quan âm lớn nhất miền Tây
Cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 7km, chùa Hưng Thiện (tọa lạc tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cũng gây ấn tượng với du khách gần xa bởi có pho tượng Phật Quan âm lớn nhất miền Tây. Đây là một ngôi chùa nằm ở vùng nông thôn sâu, bao quanh là đồng ruộng và con rạch nhỏ chảy qua trước mặt.
Tuy là ngôi chùa được xây dựng và hoàn thành gần đây nhưng lại rất “hút” khách thập phương đến tham quan, lễ Phật bởi tượng Phật Quan âm cao đến 43m (trong đó toàn thân tượng tượng Phật Quan âm cao 33m bệ cao khoảng 10m).
Tượng Phật Quan Âm ở chùa Hưng Thiện thuộc xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Pho tượng có màu chủ đạo là trắng, được trang trí thêm các nét màu vàng ở viền áo, có tòa sen với những cánh sen lớn màu hồng nhạt. Bức tượng có hình dáng Phật Bà một tay cầm lọ nước thần, một tay niệm kinh. Ngoài ra, để lên tới chân đài sen khách sẽ phải bước qua 52 bậc thang. Tượng được xây dựng trong vòng 6 năm, chi phí do phật tử gần xa đóng góp. Có thể nói đây là một bức tượng Phật Bà được chạm trỗ công phu, đẹp mắt. Từ khi hoàn thành đến nay, tượng Phật Bà “khổng lồ” này đã thu hút rất đông người dân địa phương và du khách phương xa đến chiêm ngưỡng.
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh Thiên Cấm Sơn
Trong các công trình tượng Phật tại miền Tây hiện nay có lẽ ấn tượng nhất chính là tượng Phật Di lặc tại chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) - nơi cao 710m so với mặt nước biển. Tượng Phật uy nghiêm giữa chốn sơn lâm hùng vĩ này đã được công nhận tượng Phật Di lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á.
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Theo đó, tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu là 33,6m, diện tích bệ tượng 27m x 27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Nếu đứng ở vị trí nào trên núi Cấm du khách cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu. Trước đây, tượng Phật Di Lặc là 1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được trung tâm sách kỷ lục công bố trong Đại lễ Phật đản năm 2008. Vào năm 2006, công trình nghệ thuật đồ sộ này cũng được xác lập kỷ lục là tượng Phật ngồi lớn nhất Việt Nam.
Bình Nguyên (Báo Cần Thơ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.