Ca cao là cây ưa bóng mát, lá của nó vuông và to bản. Nó không chịu được ánh nắng trực tiếp nên ta phải trồng dưới tán cây khác (như dưới tán dừa, tán cây điều, tán các vườn chuối...).
Người ta trồng ca cao để lấy hạt với năng suất hạt có thể đạt từ 1-3 tấn/ha. Trong hạt ca cao có tới 50-55% chất béo mà người ta gọi là bơ. Bơ ca cao là loại chất béo rất đặc biệt. Nó rắn lại ở 20oC và chảy ra ở nhiệt độ 37oC. Không có loại chất béo nào có được đặc tính như vậy. Do đó, ca cao rất cần để sản xuất sôcôla và mỹ phẩm.
Hiện nay, các nước sản xuất nhiều ca cao là Bờ Biển Ngà, Ghana, Indonessia, Nigeria và Brazil. Nước ta đang đẩy mạnh trồng ca cao và chắc chắn sẽ có vị trí xứng đáng trong những năm tới.
Ca cao đưa vào trồng ở Việt Nam chủ yếu là 2 giống Forastero và Trinitario, hoặc các cây lai giữa hai giống trên. Nó là cây thụ phấn chéo nên bà con phải hết sức thận trọng khi mua giống. Không mua hạt thương phẩm về gieo mà phải dùng hạt lai hoặc dùng cây ghép (việc này phải trao đổi cụ thể với cán bộ nông nghiệp ở địa phương).
Ca cao không kén đất nhưng nếu là đất bazan thì chúng mọc tốt hơn. Ở Việt Nam, chỉ nên trồng ca cao từ Quảng Nam trở vào, lưu ý phải có cây che bóng thì ca cao mới sống được. Nơi nào không có cây che bóng cho ca cao đều thất bại. Ta nên kết hợp các cây đa tác dụng làm cây che bóng. Hiện nay, nên bổ xung cây bơ làm cây che bóng cho ca cao vì tán loại cây này rộng và dày.
Nhu cầu nước của cây ca cao không nhiều như cà phê nhưng nếu được tưới nó vẫn cho năng suất cao hơn.
Phải đảm bảo đủ phân thì ca cao mới cho quả nhiều. Mỗi ha phải bón 3.5-5 tấn phân chuồng. Ngoài ra, mỗi hốc cần bón thêm 300-400g opatit.
Nếu trồng thuần ca cao, có thể trồng 1.100 cây/ha. Nếu trồng xen, nên tính toán cho hợp lý và mật độ chỉ nên từ 600-1.000 cây/ha, ta nên trồng ca cao vào mùa mưa.
Đối với ca cao, sâu hại tương đối nhiều, chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ cánh cứng, mối và chuột. Ngoài ra, nó còn bị bệnh thối quả do nấm gây ra.
Khi quả ca cao chuyển sang màu vàng hoặc màu đỏ cau là lúc cho thu hoạch. Mỗi tuần thu 2 lần. Bà con nên để quả tại vườn sau đó đập vỡ quả và thu lấy hạt. Phần vỏ quả có thể làm thức ăn cho gia súc hoặc vùi làm phân bón. Hạt thu về phải được ủ và lên men công phu. Đây là một quy trình nghiêm ngặt, tuy không khó nhưng phải thực hiện đúng từng khâu.
Chúng tôi đã có cuốn “Nghề trồng cây ca cao” do GS Nguyễn Văn Uyển viết trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” (ở phía Nam xin tới hiệu sách 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. HCM để mua). Sách đã hướng dẫn đầy đủ mọi công đoạn từ tạo giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Ai đọc là tự làm được ngay.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.