Trồng cam Canh trên cao nguyên bán Tết, nông dân thu bộn tiền

Hà Hoàng Thứ tư, ngày 16/01/2019 15:15 PM (GMT+7)
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 ngày càng tới gần, các sản phẩm hoa quả được người dân vùng cao tấp nập chuẩn bị hàng cung ứng ra thị trường kiếm lời. Ông Đặng Danh Sơn tiểu khu 12, xã Tân Lập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng 1.500 gốc cam Canh bán Tết, mỗi vụ ông thu lãi gần 400 triệu đồng.
Bình luận 0

Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) được mệnh danh là vùng đất có khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ. Tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên đó, nhiều năm trở lại đây bà con sinh sống tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi như cam Canh, cam Vinh, bưởi trên đất dốc. Ông Đặng Danh Sơn là hộ nông dân tiên phong trong trồng cây cam Canh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

img

Từ khi chuyển sang trồng cam Canh, cuộc sống của gia đình ông Sơn đã có của ăn của để.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Sơn cho biết: Trước đây, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào trồng ngô và 3.000 gốc mận hậu nhưng không được dư giả nhiều. Năm 2013 tôi phá đi trồng cam Canh, cây giống tôi mua ở Đại học nông nghiệp 1 nên chất lượng luôn được đảm bảo. Khi mới bắt tay vào trồng cam, tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, sau đó tôi đến các nhà vườn ngoài thị trấn Mộc Châu học hỏi kỹ thuật và cách chăm sóc. Khoảng 1 thời gian ngắn, tôi nắm vững được quy trình chăm sóc rồi áp dụng vào vườn cam, vì thế mà vườn cam của gia đình tôi phát triển tươi tốt và cho quả trĩu cành.

img

Ông Sơn kiểm tra cam Canh để chuẩn bị cắt bán cho các thương lái đến mua tại vườn.

Để tiện lợi cho việc tưới tiêu nước đầy đủ cho vườn cam, ông Sơn đã bỏ thêm vốn liếng tích cóp từ nhiều năm trồng mận hậu đào giếng, mua máy bơm tưới cho vườn cam Canh.

Theo kinh nghiệm của ông Sơn, cam Canh là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất khoa học. Trước khi trồng phải đo đạc hàng cách hàng 4m, đào hố rộng 40cm, sâu 30cm, nếu trồng sâu quá cây sẽ bị thối rễ, rồi bón thúc phân chuồng, phân hữu cơ. Trong đó khâu quan trọng nhất để cây ra hoa, đậu quả nhiều thì nhà vườn phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết. Trước khi chuẩn bị trời rét đậm cần xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam, quét vôi lên thân cây để chống rêu mốc tăng tuổi thọ cho cây, đảm bảo được các yếu tố trên cam sẽ sai quả hơn và chín vào dịp giáp Tết.

img

Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn cam của gia đình ông Sơn luôn cho trái đầy cành.

“Hàng năm vào dịp giáp Tết âm lịch, nhiều gia đình và thương lái ở nhiều nơi như Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Nam đến tận vườn tôi thu mua. Vì thế mà sản phẩm của gia đình tôi không lo bị ế, lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng.

Từ lúc tôi chuyển sang trồng cam Canh, thu nhập của gia đình tôi cao lên rất nhiều so với trồng ngô, trồng mận như trước đây, đời sống đã dư giả và khấm khá hơn. Hiện, 1kg cam Canh tôi bán tại vườn với giá 27.000 đồng/kg, một năm sau khi trừ mọi chi phí chăm sóc, tôi lãi khoảng 400 triệu đồng”- ông Đặng Danh Sơn khẳng định.

img

 1kg cam Canh được ông Sơn bán tại vườn với giá 27.000 đồng, không phải lo tìm đầu ra cho cam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem