Rắn hổ mây khổng lồ, to như khúc gỗ di chuyển trong một khu rừng nổi tiếng ở Cà Mau
Kể chuyện rắn hổ mây khổng lồ, to như khúc gỗ trong một khu rừng nổi tiếng ở Cà Mau
Thứ hai, ngày 20/11/2023 14:13 PM (GMT+7)
Trong lần đi câu cá ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ, ông Lê Thanh Bình, cán bộ VNPT Cà Mau thấy khúc gỗ to chắn ngang con lộ (đường) nhựa. Ông trả số xe, tăng ga định vượt qua chướng ngại vật, nhưng ai ngờ “khúc gỗ” lại di chuyển…
Chuyện xảy ra vào ngày cuối tuần, không lâu sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng đến giờ vẫn khiến ông Bình tò mò bởi loài rắn khổng lồ lần đầu ông được nhìn thấy.
Ly kỳ chuyện rắn hổ mây khổng lồ
Sáng hôm ấy, ông Bình cùng ba người bạn thân dong xe gắn máy vào khu vực Chốt 23-100 trong Vườn Quốc gia để câu cá. Đến khu vực quen thuộc có nhiều cá, nhóm tách riêng ra để quăng câu.
Tầm hơn 10 giờ, điểm câu của ông Bình có chim bay dáo dác. Nghi có chuyện chẳng lành, ông quay xe trở lại điểm hẹn với nhóm bạn câu thì bất ngờ thấy “khúc cây” to đùng nằm vắt ngang con lộ.
Thuật lại với chúng tôi, ông Bình cho biết lúc trước cũng vô ngang con lộ ấy nhưng không có khúc cây nào hết, giờ tự dưng lại có.
Nó to gần gấp đôi cây chuối, màu hơi mốc. Ông chạy xe từ từ đến gần, trả số định vượt qua luôn nhưng ai ngờ nó di chuyển, tầm ba phút sau thì khúc cây to chỉ còn chắn nửa phần con lộ. Ông hoảng sợ quay đầu xe bỏ chạy thục mạng.
Sau khi thoát khỏi chướng ngại vật biết đi ấy, ông Bình tức tốc điện thoại cho đồng đội để cảnh báo. Nhóm của ông về nhà an toàn, nhưng vài tháng sau không dám bén mảng vào khu vực trên câu cá nữa.
Nhớ lại và kết hợp với những chuyện mà ông từng nghe nhóm thợ rừng kể thì nhiều khả năng đó là rắn hổ mây huyền thoại của xứ sở U Minh Hạ.
Khu vực khu rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.
Tầm hơn 10 giờ, điểm câu của ông Bình có chim bay dáo dác. Nghi có chuyện chẳng lành, ông quay xe trở lại điểm hẹn với nhóm bạn câu thì bất ngờ thấy “khúc cây” to đùng nằm vắt ngang con lộ. Nó to gần gấp đôi cây chuối, màu hơi mốc.
Ông chạy xe từ từ đến gần, trả số định vượt qua luôn nhưng ai ngờ nó di chuyển, tầm ba phút sau thì khúc cây to chỉ còn chắn nửa phần con lộ. Ông hoảng sợ quay đầu xe bỏ chạy thục mạng.
Hành trình tìm về đại ngàn rừng già U Minh Hạ lần này, nhiều cán bộ ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ xác nhận, chuyện ông Bình thấy khúc cây to di chuyển có báo lại với cán bộ quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, đó không phải là chuyện hy hữu. Mùa khô đầu năm 2014, anh Ngô Văn Kháng, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng U Minh Hạ chạy xe về trụ sở với gương mặt tái mét.
Anh kể với anh Nguyễn Tấn Truyền, hiện là Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Vườn Quốc gia) và anh em cùng đơn vị rằng vừa gặp con rắn hổ mây khổng lồ to như cây cột đèn.
Cả nhóm tức tốc chạy xe máy theo anh Kháng vào đúng địa điểm thấy rắn hổ mây, nằm sâu trong khu vực rừng tràm được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, nhưng rắn đã đi mất.
Dấu tích còn lại là vết bò của một cái thân to lớn. Cỏ sậy bị gãy và dạt ra hai bên còn rất mới.
“Khi ấy tầm 12 giờ trưa, tôi và anh em đang đi tuần tra bằng xe máy thì bất ngờ thấy chướng ngại vật nằm ngang con lộ. Nó cách tôi chừng 10m, di chuyển chậm, màu mốc, to như cây cột đèn. Lúc đó, tôi điếng cả người, bóp thắng xe khựng lại mà tim đập thình thịch, mồ hôi đầm đìa”, anh Kháng kể lại.
Gần chục năm sau khi tận mắt chứng kiến rắn khổng lồ, nhưng đến giờ anh vẫn còn cảm thấy rợn sống lưng bởi khoảng cách khá gần, và con vật anh thấy to như trong phim nói về mãng xà ở miệt rừng Amazon.
Anh nói: “Tôi không phóng đại lên đâu, nhưng con lộ 10m ngang, nó bò cái đầu qua lộ khá lâu mà khúc đuôi vẫn còn bên này lộ. Chỉ riêng khớp đuôi nó thôi cũng to bằng ống chân tôi rồi”.
Với mô tả của anh Kháng, con rắn mà anh từng thấy có chiều dài không dưới 12m, nặng có thể cả trăm ki-lô-gam. Tuy nhiên có người thắc mắc thời điểm đó có điện thoại thông minh (smartphone), sao không lấy ra ghi lại hình ảnh…?
Lý giải việc này, anh Kháng nói thiệt rằng, có mang theo hai cái điện thoại cảm ứng nhưng lúc đó anh như bị ai điểm huyệt, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh, cố giữ sao cho thân mình không nhúc nhích để rắn không phát hiện.
Trước anh Kháng, nhiều cán bộ ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ tận mắt thấy rắn khổng lồ trong quá trình thực thi công vụ.
Đưa chúng tôi đến khu vực cây Gừa cổ thụ, cành lá sum suê nằm cách khu hành chính của Vườn Quốc gia tầm 4 km, anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của vườn cho biết, ngang cây Gừa cao to ấy, khi xưa là chốt Chòi Khỉ bởi có nhiều khỉ trú ngụ.
Mùa khô năm 2001-2002, anh Tuấn và ba đồng nghiệp được phân công đóng chốt “canh lửa” giữa ruột rừng U Minh Hạ, ngang cây Gừa to lớn. Bám địa bàn gần hai tháng mùa khô thì nhóm của anh Tuấn phát hiện sự việc lạ lùng: Đêm ấy, mọi người chuẩn bị ngủ thì nghe phía bên kia bờ kênh có tiếng thú rừng kêu la inh ỏi.
Tuấn kêu đồng nghiệp Võ Văn Tẽn ra rọi đèn pin xem thử. Vài phút sau, cán bộ này trở vào, đôi môi run cầm cập, thỏ thẻ: “Con gì kỳ lắm anh Tuấn ơi, hai con mắt đỏ au, to cỡ ngón chân cái, cách nhau khoảng một gang tay. Nó đang ngậm trong miệng con chồn hương”.
Cả nhóm nhanh chóng đóng kín cửa, tự an ủi nhau, co cụm lại để cố vào giấc ngủ cho thiệt lẹ nhưng chẳng tài nào ngủ được…
Nỗ lực săn tìm “Thần rừng”
Chuyện tưởng chừng có vậy nhưng khoảng 20 ngày sau, Tẽn đang câu cá lóc ngay phía sau của chốt thì bất ngờ nghe tiếng ào ào của lau sậy ngã đổ như dông, bão sắp tới…
Rọi đèn pin về hướng âm thanh kỳ lạ, Tẽn thấy cái đầu và phần cổ của một con rắn khổng lồ đang bò rất lẹ, như đang đuổi theo con mồi.
“Cậu Tẽn chạy vô, miệng lặp bặp với tôi và anh em trong chốt “nó tới nữa rồi anh ơi, là con rắn, to dữ lắm, cỡ cây cột nhà chứ không ít”.
Cả nhóm liều mình tháo chạy trong đêm rồi thuật lại chuyện với anh Mười Thế - lúc ấy là Hạt trưởng Kiểm lâm rừng đặc dụng Vồ Dơi (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau), ngỏ ý xin dời chốt để bảo đảm an toàn, nhưng lãnh đạo lúc đó nói tụi tôi bịa chuyện” - anh Tuấn vừa nói, vừa chỉ về cây Gừa cổ thụ.
Theo lời anh, khoảng nửa tháng sau khi kể chuyện thấy rắn với lãnh đạo, chú Chín Của (Nguyễn Quang Của, khi ấy là Chi cục trưởng Kiểm lâm Cà Mau), cùng kiểm lâm viên Đỗ Thanh Hóa chạy xe máy vô tuần tra các chốt canh lửa mùa khô.
Đến đoạn gần giữa ruột rừng đặc dụng Vồ Dơi, thì chú Chín bất ngờ quát như tát vào mặt: “Thằng nào chơi kỳ vậy ta, kéo cây chắn giữa đường?”.
Sau khi nhìn kỹ lại, chú Chín la lớn: “Nó có vảy nhẵn bóng, đang trườn ngang lộ kìa. Rắn, rắn… rồi Hóa ơi”. Ngay tức khắc, anh Hóa thắng gấp, quay đầu xe bỏ chạy không dám quay mặt lại luôn.
Anh Tuấn cười lớn khi thuật lại chuyện xưa: “Lần đó thấy rắn thật sự, chứ nếu là cái cây ngã ngang đường thì tụi tôi bị rầy te tua vì lười biếng dọn chướng ngại vật”.
Sau lần chứng kiến “khúc cây to” nhúc nhích ngang con lộ, lãnh đạo kiểm lâm Cà Mau thời ấy không còn nói nhóm giữ rừng của anh Tuấn bịa chuyện.
Dẫu vậy, lãnh đạo cũng khuyên lực lượng canh lửa chốt Chòi Khỉ cố gắng bám địa bàn đến hết mùa khô vì nhiệm vụ chung; lưu ý anh em gia cố thêm lưới B40 quanh chốt nhằm tăng cường độ an toàn, và không quên nhắc nhở luôn thủ dao, mác sát ngay đầu giường trong lúc ngủ.
Sau những mùa chống cháy khắc nghiệt trong quá khứ, lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng Vồ Dơi, nay là Vườn Quốc gia U Minh Hạ không còn tận mắt thấy rắn khổng lồ nữa.
Dẫu vậy, xâu chuỗi lại các sự kiện từ trước đến nay, bản thân anh Nguyễn Tấn Truyền có niềm tin rất lớn là có “thần rừng” (cách anh gọi rắn hổ mây khổng lồ) ở đại ngàn U Minh Hạ.
Nhiều khả năng có một cặp chứ không phải một con, bởi loài này thường sống theo cặp và thực tế đã có người bắt được con của “thần rừng”. Hơn nữa, thú rừng đại ngàn U Minh Hạ đang phục hồi rất nhanh, đủ thức ăn cho “thần rừng”, kỹ sư Truyền phỏng đoán.
Năm 2009, kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền về công tác tại vườn, là cán bộ Phòng Kỹ thuật, chuyên về mảng nghiên cứu đa dạng sinh học.
Gần 10 năm nay, dù không được phân công nhưng anh tự “giao” cho mình thêm một nhiệm vụ mới, đó là sưu tầm, săn lùng tư liệu, hình ảnh về rắn hổ mây khổng lồ.
Quá trình ấy, anh đã đến tận nơi và nghe được rất nhiều chuyện kể về loài rắn khổng lồ nằm sâu trong ruột rừng tràm. Không cần lật sổ ghi chép, anh Truyền kể vanh vách hàng loạt nhân vật từng chứng kiến hoặc lần vào tận hang ổ của loài mãng xà vẫn còn là huyền thoại này, như các chú: Hai Tây (Nguyễn Văn Đã), Hai Sanh, Ba Hoàng, Mười Nhớt, Tư Nhớt, Ba Vinh, Mười Ngọc…
“Các nhân vật này phần nhiều giỏi võ, là thầy bắt rắn và chữa rắn cắn hoặc là thợ rừng lão luyện, gắn bó gần cả đời ở miệt rừng U Minh Hạ. Các chú có cả kho chuyện về rắn khổng lồ ở xứ sở U Minh nhưng chỉ tiếc là tuổi đã quá cao, có người đã không còn trên cõi đời này”, anh Truyền chia sẻ.
Khôi hài nhất trong ghi chép của anh là trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng. Hai vợ chồng ở vùng đệm rừng U Minh Hạ vào rừng đốn sậy về làm hàng rào. Đang làm thì bỗng dưng bà vợ thấy cái đuôi rắn to đùng, nhảy vào ôm rồi hô to: “Giúp em chồng ơi, con trăn bự quá”.
Nghe vợ kêu, ông Hoàng chạy bọc đầu để chặn đường hòng túm cổ con trăn. Nhưng gần tới nơi mới thấy đó là con rắn hổ mây đang ngóc đầu qua khỏi đọt sậy. Cả hai hốt hoảng bỏ chạy thục mạng.
Đáng tiếc là dù bỏ công kiếm tìm, nay anh Truyền vẫn chưa có cơ duyên gặp được “thần rừng”.
Anh nói: “Tôi có bốn cái camera hồng ngoại, ghi hình trắng đen rõ cả ban đêm, thêm hai cái máy ảnh xịn, mỗi phát bấm ra gần chục tấm ảnh.
Nếu may mắn, thể nào tôi và cộng sự cũng sẽ có được ảnh hoặc những clip của “thần rừng” để chứng minh với thế giới, chuyện về rắn khổng lồ ở U Minh Hạ là có thật chứ không phải chỉ là chuyện kể”.
Rắn hổ mây là tên gọi địa phương, thực chất là rắn hổ mang chúa. Loài này rất to, có ghi chép trên sách, vở và sinh sống phổ biến ở miệt rừng U Minh Hạ.
Đây có thể coi là “lãnh địa” của chúng. Nhiều năm trước, cư dân miệt rừng U Minh từng bắt được rắn hổ mây gần chục kg, còn những con rắn to, nặng gần cả trăm kg thì thợ rừng, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng từng nhiều lần thấy, nhưng họ không dám lại gần vì quá nguy hiểm.
Vì vậy gần đây, bên Vườn Quốc gia mới lắp đặt các thiết bị chuyên dụng trong rừng, mong ghi lại được hình ảnh thực tế về rắn hổ mây săn mồi để có đủ cơ sở chứng minh về loài rắn khổng lồ này.
Tiến sĩ QUÁCH VĂN ẤN- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau
Vui lòng nhập nội dung bình luận.