Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 03/03/2024 05:53 AM (GMT+7)
Nhờ được định hướng, Phạm Thị Giang- Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang, xã Phúc Tân, (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định nghỉ việc công nhân về sản xuất chè, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, làm ra sản phẩm hồng trà thơm ngon, có nhiều công dụng đặc biệt.
Bình luận 0

HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang, (xã Phúc Tân, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập tháng 12/2023 với 7 thành viên tham gia. Clip: Hà Thanh

Chuyển hướng làm chè mở ra cơ hội mới

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Phúc Tân, ra "đời" sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa khi học hết lớp 9 Giang đã nghỉ học và đi làm. 

Trong quá trình đó, cô có cơ hội gặp nhiều người có tài và tâm huyết với nghề làm chè đã giúp cô gái trẻ mở ra cơ hội mới để đi sâu vào lĩnh vực sản xuất, chế biến chè như hiện nay.

"Trước năm 2014, tôi vẫn đi làm công nhân, sau đó khi  tham gia câu lạc khởi nghiệp nông nghiệp Miền Bắc tôi có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với những người tài giỏi, tâm huyết. Tôi còn nhớ như in câu nói của một vị giáo sư lúc đó rằng: "Sản phẩm của quê hương con rất tốt, sao con không phát triển sản phẩm của quê hương mình và lấy đó làm thế mạnh cho con". 

Chính vì câu nói đó mà năm 2016 tôi đã quyết định quay trở về làm chè, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình", Phạm Thị Giang - Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang (xã Phúc Tân, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nói về cơ duyên đến với nghề làm chè như hiện nay.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 1.

Phạm Thị Giang, Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang, xã Phúc Tân, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bắt tay vào làm chè từ năm 2016. Ảnh: Hà Thanh

Bộc bạch thêm, nữ Giám đốc sinh năm 1994 cho biết: Bước đầu, khi bắt tay vào làm chè cô đã cất công học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để nâng cao tay nghề, trau dồi kiến thức và áp dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm chè chất lượng nhất..., vì nghĩ rằng từ khi còn bé dù đã được cùng ông bà, bố mẹ đi hái chè và chế biến chè nhưng tay nghề chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều. 

Trồng chè hữu cơ, sản xuất hồng trà đặc biệt

Đến năm 2017, cô gái trẻ chính thức tập trung vào việc trồng chè để chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến. 

Năm 2018, thông qua câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp Miền Bắc, cô đã được kết nối với Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và dần chuyển đổi cách thức trồng chè của bà con trong vùng theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người sử dụng.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 2.

Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang Phạm Thị Giang đã giúp bà con trong vùng chuyển đổi cách thức trồng chè theo hướng hữu cơ để an toàn cho người sản xuất và người sử dụng. Ảnh: Hà Thanh

Do trước đó đã từng có kinh nghiệm về làm rau mầm, nên học được cách thức ủ phân hữu cơ để áp dụng vào việc trồng chè, Giang chia sẻ: "Việc sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp tái tạo lại những vùng đất đã bị nhiễm hoá học trước đó, dần dần cải thiện lại môi trường sạch cho người nông dân. Đồng thời, với việc bón phân hữu cơ sẽ giúp chất lượng của trà được nâng lên, trà khi uống có vị ngọt đậm hậu và sâu".

Qua một thời gian đi vào sản xuất, được sự tư vấn của Hội Nông dân xã, tháng 12/2023 Phạm Thị Giang đã quyết định thành lập HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang tại xóm 5, xã Phúc Tân, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với 7 thành viên tham gia.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 3.

Vùng nguyên liệu của HTX có quy mô 5ha, trong đó có 1ha được sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hà Thanh

Hiện tổng diện tích chè của HTX đang có 5ha, trong đó có 1ha đang được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Mới đây, HTX đã ký kết hợp tác với Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để phát triển 10ha chè hữu cơ tại xã Phúc Tân.

Để tạo sức cạnh tranh trên thị trường với các đơn vị sản xuất chè đã có thương hiệu lâu năm, HTX xác định mục tiêu bên cạnh sản xuất các sản phẩm chè truyền thống thì HTX sẽ tạo sự khác biệt bằng việc cho ra đời các dòng sản phẩm mới như hồng trà. Đây là dòng sản phẩm phù hợp với phụ nữ và những người lớn tuổi, những đối tượng thích uống những dòng trà dịu nhẹ.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 4.

Để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang Phạm Thị Giang, (xã Phúc Tân, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã chuyên tâm vào sản xuất dòng sản phẩm hồng trà. Ảnh: Hà Thanh

Sản phẩm này rất tốt cho hệ tiêu hoá, giúp giảm cân, tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường và mỡ máu cao… Hơn nữa, còn giúp cho người già dễ ngủ, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Cơ duyên đưa nữ Giám đốc trẻ tuổi đến với sản xuất dòng sản phẩm hồng trà này là qua một lần giao lưu sản phẩm với một đơn vị sản xuất hồng trà Shan tuyết ở Hà Giang, có cơ hội được thưởng thức vị trà này và nhận thấy có hương vị đặc biệt ấn tượng. 

Đồng thời, công ty cũ nơi làm việc có một lãnh đạo là người Trung Quốc đã từng tặng cô 1 gói hồng trà nhỏ để uống thử. Đó chính là lý do khiến cô quyết tâm làm ra sản phẩm hồng trà như hiện nay.

"Để làm ra được sản phẩm hồng trà đạt chất lượng thì quan trọng nhất vẫn là việc lựa chọn giống chè và tập trung vào quá trình chăm sóc chè theo hướng hữu cơ. 

Giống chè được chị Giang lựa chọn là chè trung du và chè lai xanh F1 vì đây là những giống chè sẽ giữ được vị nguyên chất của trà khi chế biến ra thành phẩm. 

Đối với dòng chè lai F1 phù hợp với khí hậu và chất đất của vùng Tân Cương, Phúc Tân, có vị ngọt đậm hậu và hương cốm nên có thể làm hài lòng tất cả các khách hàng dù là khó tính nhất", Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang Phạm Thị Giang chia sẻ.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 5.

Những búp chè để sản xuất hồng trà phải đủ 42 ngày tuổi trở lên mới tiến hành thu hái. Ảnh: Hà Thanh

Bước đầu, khi đến với sản phẩm này Giang cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận khách hàng, vì đây là dòng sản phẩm mới, chưa thông dụng trên thị trường.

Hơn nữa, để làm ra được sản phẩm hồng trà này, cô cũng đã trải qua nhiều lần thất bại. Bởi vậy, khi chế biến thành công, cô đã mang trà đi mời thử hai đơn vị doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu hồng trà thì đều nhận được sự hài lòng ưng ý của hai đơn vị này.

Nâng tầm thương hiệu chè, tạo việc làm cho nhiều bà con

Tới đây sẽ có đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX, do đó Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang mong muốn sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn xã để nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm này, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ đang đi làm công ty có thu nhập ổn định từ chính công việc làm chè tại địa phương.

Lý do nữ Giám đốc HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang lựa chọn sản xuất chủ đạo dòng trà này bởi để làm ra loại trà này dù công đoạn diệt men kéo dài từ 25 – 30 giờ đồng hồ nhưng việc sản xuất lại không vất vả vì không phải sao suốt. 

Đối với dòng hồng trà, trong quá trình sao mặc dù thời gian lâu hơn trà xanh thông thường nhưng lại không đòi hỏi sao kiệt mà chỉ sao đến khi chè đạt độ khô khoảng 97%, đảm bảo khi sao xong chè vẫn có hàm lượng để lên men.

Đặc biệt, đối với dòng trà này, không cần hái chè non mà chè để già vẫn có thể thu hái được. Tuy nhiên, thời gian thu hái chè để sản xuất hồng trà sẽ kéo dài hơn (trên 42 ngày) chứ không phải 32 – 35 ngày như các loại chè xanh truyền thống. 

Chính vì thế, hàm lượng chất dinh dưỡng sẽ hội tụ nhiều hơn trong các búp chè, bởi vậy trà này khi uống sẽ đậm vị hơn và có thể pha tới 11 lần nước.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 6.

Hồng trà khi pha nước có màu hồng nhạt, uống có vị thơm và ngọt hậu đậm. Ảnh: Hà Thanh

Điều quan trọng nhất trong quá trình diệt men đó là hồng trà sẽ lên hương trong vòng 3 tháng đầu, hương trà phụ thuộc vào việc điều chỉnh nhiệt độ trong quá trình diệt men. Sau 3 tháng sản xuất nếu để càng lâu thì độ diệt men và hương chè càng thơm, uống càng ngon, vị càng đậm.

Hiện nay, đối với sản phẩm hồng trà, HTX đang có 3 loại đó là hồng trà hương mật, hồng trà hương cốm, hương hoa hồng và hồng trà hương táo. Trong đó các sản phẩm lần lượt được HTX bán với giá 500.000đ/kg, 800.000đ/kg và 1,2 triệu đồng/kg.

Hiện thị trường tiếp cận đối với sản phẩm hồng trà của HTX chủ yếu trong TP.Hồ Chí Minh. Do là sản phẩm mới nên HTX vẫn chưa sản xuất với sản lượng lớn, mà đang trong quá trình hoàn thiện dần về mẫu mã, bao bì sản phẩm, cộng với việc tìm kiếm thêm đối tượng khách hàng phù hợp.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 7.

Vì mới đi vào hoạt động, nên các sản phẩm của HTX đang trong giai đoạn hoàn thiện về mẫu mã, bao bì sản phẩm. Ảnh: Hà Thanh

Dự định trong năm 2024, HTX sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho 3 sản phẩm đó là hồng trà, trà tôm nõn và trà đinh hữu cơ. Vì là đơn vị mới thành lập, do đó, HTX rất mong muốn sẽ được các cấp, ngành hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư để HTX có thể duy trì sản xuất và phát triển ngày càng tốt hơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trồng chè tạo ra loại trà màu sắc bắt mắt, bà Giám đốc ở Thái Nguyên kế nghiệp thành công- Ảnh 8.

Ngoài sản xuất hồng trà, HTX còn sản xuất các dòng trà cao cấp như trà tôm nõn, trà đinh, một trong những sản phẩm được HTX dự kiến đăng ký OCOP trong năm 2024. Ảnh: Hà Thanh

Ông Trần Văn Duy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Tân cho biết, Phúc Tân là một xã miền núi với nghề sản xuất chè đã có từ rất lâu. Vừa rồi, được các ban ngành địa phương tạo điều kiện, hộ gia đình chị Giang đã thành lập HTX Sản xuất chè chế biến hữu cơ Trà Giang.

Trước khi HTX Trà Giang được thành lập, địa phương cũng chưa có đơn vị nào bao tiêu sản phẩm chè cho bà con trong vùng. Sau khi HTX đi vào hoạt động đã liên kết với bà con để tiêu thụ sản phẩm chè tại địa phương. 

Đây là hướng đi phù hợp giúp tạo thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương. Trong quá trình hoạt động, HTX đang đi sâu vào sản xuất sản phầm hồng trà và tiến tới đăng ký sản phẩm OCOP. Đây cũng là mong muốn của chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem