Trồng dâu: Có kén là có tiền

Thứ bảy, ngày 19/11/2011 08:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trồng dâu lấy lá để nuôi tằm là một nghề cổ truyền của chúng ta. Những vùng đất ven sông, ven biển, các vùng trung du, cao nguyên được bà con ta phát triển nghề trồng dâu.
Bình luận 0

Những nương dâu mượt xanh đó có nhiều trong thơ, ca, hò, vè ở khắp mọi miền. Tuy nhiên, nghề trồng dâu cũng đã qua nhiều thăng trầm, lúc lên, lúc xuống. Có nguyên nhân từ kỹ thuật, có nguyên nhân từ thị trường. Đã có lúc ở ta, nghề trồng dâu gần như phá sản. Có những khuyết điểm trong công tác quản lý dẫn tới việc sa sút nghề trồng dâu. Nhưng ở rất nhiều làng quê, bà con ta vẫn kiên trì với cây dâu, giữ vững nghề trồng dâu.

Cho tới hôm nay, khi những giống tằm đa hệ (có sức sống cao nhưng chất lượng tơ lại kém) được thay thế bởi giống tằm lưỡng hệ và giống tằm lai (giữa lưỡng hệ và đa hệ) thì chất lượng tơ được nâng cao. Cây dâu cũng được bổ sung bởi các giống tam bội cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn. Nghề trồng dâu lại vươn lên. Mặt khác, khó có nghề nào thu hút được nhiều lao động, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em tham gia vào hoạt động sản xuất như nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Người ta đã tính, một héc ta dâu trung bình cũng thu được 20 tấn lá, đủ để nuôi tằm và cho ra 1 tấn kén. Nếu chúng ta chọn giống tốt, chăm sóc đầy đủ thì 1 héc ta còn có thể thu được tới 30 – 40 tấn lá dâu, đủ để tạo ra 1,5 – 2 tấn kén. Ngoài ra, nó còn cho ta 10 – 15 tấn phân tằm; 700 – 1.000 kg nhộng làm thực phẩm và 10 -15 tấn thân cây dùng làm củi. Vì vậy, những vùng thích hợp không nên bỏ cây dâu.

Cây dâu là cây lâu năm. Ở vùng bãi, ta trồng một lần có thể thu lá suốt 10 năm mới phải thay cây mới. Thế còn ở vùng gò đồi, có khi 20 – 30 năm mới phải thay. Do đó, cố gắng tìm mua các giống dâu có chất lượng và năng suất cao để trồng. Dâu trồng ven sông còn góp phần chắn sóng, chống lở đất và bảo vệ đê điều. Thế còn khi nó được trồng trên đồi sẽ góp phần chống xói mòn cho đất.

Ta lưu ý, khi trồng dâu ở những vùng đất bị úng ngập hoặc trên những quả đồi có độ dốc quá 15o. Cũng không nên trồng chúng cạnh lò gạch, lò vôi hoặc các nhà máy thường xuyên thải ra khí độc nên cây sinh trưởng không tốt. Mặt khác, lá dâu sẽ bị nhiễm độc, dễ dàng làm cho con tằm bị ngộ độc.

Dâu có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt. Nếu trồng bằng hạt thì việc vận chuyển đỡ hơn nhiều. Hiện nay, có những giống dâu trồng từ hạt rất tốt, ta nên tiếp cận thông qua các đơn vị khuyến nông ở địa phương. Mùa trồng dâu nên vào tháng 11- 12 dương lịch, hoặc vào tháng 5, sau khi đốn dâu.

Dâu là cây lấy lá. Vì vậy, ta phải hết sức chú ý tới các yếu tố thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây. Yếu tố số 1 có lẽ là phân bón. Dâu cần nhiều phân, đặc biệt là phân hữu cơ. Mỗi héc ta phải bón từ 30 – 50 tấn phân chuồng và từ 1 – 3 tấn phân NPK. Ta bón thúc toàn bộ phân chuồng. Còn NPK, ta chia ra làm 6 – 8 đợt để bón cho cây. Hàng năm, sau khi đốn tỉa, ta lại tiếp tục bón phân để cây đâm chồi và cho các thế hệ lá mới.

Phải chú ý diệt sâu đất, rệp và các loại sâu ăn lá, sâu đục thân. Đề phòng bệnh gỉ sắt, bệnh bạc thau và bệnh xoăn lá.

Làm tốt các khâu này, chúng ta sẽ có một vườn dâu đẹp, tha hồ nuôi tằm để lấy kén. Có kén là có tiền.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem