Trong điệu vũ của tham nhũng

Hà Quang Minh Chủ nhật, ngày 06/11/2016 06:15 AM (GMT+7)
Những đám cháy lớn và liên tiếp ở Hà Nội gần đây (cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông ngày 1.11, cháy nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu đêm 4.11) quả thật đau lòng, và gợi nhắc chúng ta rằng an toàn cháy nổ và công tác phòng chống cháy nổ luôn là vấn đề nhức nhối, chúng ta chưa thể có nổi một giải pháp triệt để.
Bình luận 0

img

Vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông

Nhưng không chỉ chuyện cháy. Nhắc đến hai chữ “phòng chống”, chúng ta mới sự nhận ra rằng trong xã hội hôm nay có bao nhiêu thứ mà ta cần phải “phòng chống” song vẫn vô phương tiếp cận để tìm ra đáp án khoa học nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt, một trong những thứ mà chúng ta muốn phòng chống nhất, bởi nó còn nguy hiểm hơn hỏa hoạn rất nhiều, chính là tham nhũng, lại vẫn nhởn nhơ tồn tại đến mức độ một ĐBQH (ông Lưu Bình Nhưỡng) còn phải phát biểu rằng “Tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”.

Nói vậy, phải chăng ông ĐBQH kia muốn hàm ý rằng lưỡi gươm pháp luật chẳng qua chỉ "làm vì", nên tham  nhũng mới hồn nhiên nhảy múa như thế? Hay ông muốn gửi đến một thông điệp khác rằng pháp luật cũng phải bó tay trước sự tinh vi, lộng hành của vấn nạn này?

Trong một bài phỏng vấn gần đây nhất, Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằng, “các vụ việc tham nhũng ở cấp tỉnh, Trung ương không phát hiện được nhiều vì người dân khó giám sát”. Thú thực, đọc đến đó, chắc không ít người thấy nản. Tại sao vấn đề chống tham nhũng, một vấn đề mang tính chất quan trọng cấp quốc gia, liên quan đến an nguy của bao nhiêu con người, lại giao phó vào bàn tay giám sát của nhân dân mà không phải của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ đã được hoạch định rõ ràng?

Đúng là chúng ta đang hướng tới việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng đó là hướng tới sự minh bạch chứ không phải hướng tới việc giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo lại những hành vi tham nhũng cho nhân dân, những người lẽ ra phải được hưởng một “dịch vụ công” trong sáng, minh bạch và liêm chính.

Nói đến tham nhũng, tất nhiên chúng ta thường nghĩ ngay đến những cán bộ có chức, có quyền, tức là có một vị thế để “tham” và để “nhũng nhiễu”. Nhưng suy cho cùng, tham nhũng không chỉ nằm đơn giản trong bộ máy quyền lực nhà nước mà nó tung hoành ở rất nhiều nơi khác nữa.

Tuần trước, trong một chia sẻ với tôi, chủ tịch một tập đoàn tư nhân lớn, đã tồn tại được khoảng hơn 15 năm nay khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi nói rằng “Nói thật với chú,  chị đưa  người tin cậy của chị vào bộ máy, nhưng ở tất cả những công ty con của chị, người tin cậy đều dội ra hết. Đám điều hành dưới ấy chúng nó “corruption” (tham nhũng) hết cả. Nên chúng nó rất sợ người của chị bước vào và biết chúng nó đang làm gì".

Tôi cảm thấy kinh ngạc thực sự trước những gì nữ doanh nhân đó chia sẻ với mình bởi lẽ tôi chưa bao giờ hình dung ra chuyện tham nhũng có thể tồn tại ở những doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài. Tôi vẫn nghĩ sự minh bạch ở đó tồn tại chắc chắn hơn và quyền lợi, trách nhiệm ở đó cũng rõ ràng hơn. Nhưng khi mang thắc mắc ấy tâm sự với một người điều hành một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tôi nhận được đáp án tương tự, ở một định dạng khác, “có cơ hội “corrupt” là họ sẵn sàng làm ngay em ạ”.

Như vậy, tham nhũng không chỉ là vấn đề của những người có chức có quyền trong bộ máy nhà nước đơn thuần, do khả năng lợi dụng vị thế để sách nhiễu nữa, mà nó tồn tại cả ở những người nằm ngoài bộ máy ấy, miễn là họ có cơ hội để vụ lợi một cách bẩn thỉu.

Tôi rút ra được một kết luận rằng, tham nhũng không đến từ một bức bách nào về vấn đề thu nhập cả, như nhiều người vẫn biện hộ ma mãnh rằng “lương thấp quá đâm ra đổ đốn” mà nó đến từ bản thân con người đã đánh mất đi sự công chính trong họ mà thôi.

Chìm trong vụ cháy karaoke là câu chuyện người tài xế xe tải khóc ròng ở Quy Nhơn khi chiếc xe tải của anh bốc cháy và người xung quanh lao vào hôi của, hôi hàng hoá trên xe. Trước đây, khi có vụ hôi bia ở Bình Dương, bao nhiêu người cùng ném đá cho rằng “ở địa phương mình làm gì có chuyện đó”. Bây giờ thì rõ cả, con người đánh mất sự công chính tồn tại ở khắp nơi, bất kể địa phương nào, bất kể ở cấp độ học vấn nào.

Như vậy, suy cho cùng, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng cũng chỉ là cái việc của chiếc xe chữa cháy lao tới dập đám cháy. Nó có thể hoàn thành nhiệm vụ ở nơi này, nhưng nó vẫn phải luôn ý thức rằng chắc chắn sẽ có một đám cháy khác bùng lên ở nơi khác.

Cái chúng ta cần là phòng ngừa tham nhũng, chứ không chỉ là chống tham nhũng. Và để phòng ngừa nó, một bộ máy hoàn thiện chỉ là điều kiện sơ khởi ban đầu, điều kiện lớn nhất, cấp bách nhất chính là xây dựng lại con người, tái tạo lại những thế hệ lớn lên với sự công chính và niềm tin tuyệt đối vào sự công chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem