Trồng dược liệu, chưa tròn 1 năm đã có ngay 200 triệu đồng/ha

Vinh Duy Thứ ba, ngày 06/06/2017 15:30 PM (GMT+7)
Việc chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp, cây dược liệu là hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đang được bà con nông dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tích cực hưởng ứng, với triển vọng thu nhập khá.
Bình luận 0

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hảo ở đội 18, xã Noong Luống, một trong những hộ lần đầu trồng cây dược liệu tâm sự: “Gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây quen trồng lúa, màu từ bao năm, song khi lúa, màu được mùa lại mất giá nên cuộc sống khá vất vả. Vừa qua, được Công ty CP Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà vận động trồng cây dược liệu, gia đình tôi đã hào hứng tham gia với diện tích 400m2”.

img

Chị Nguyễn Thị Hảo, người dân đội 18, xã Noong Luống, huyện Điện Biên chăm sóc vườn dược liệu của gia đình. Ảnh: Vinh Duy

Theo đó, năm đầu tiên trồng dược liệu nông dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc; được bao tiêu đầu ra. Nếu không may mất mùa, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chi phí sản xuất. Chị Hảo cho biết: “Nếu thuận lợi, năm sau tôi sẽ trồng dược liệu trên toàn bộ 2.000m2 đất. Từ khi trồng đến nay đã hơn 4 tháng, qua đánh giá của công ty, hiện cây sinh trưởng phát triển tốt, đang có củ và dự kiến tháng 10.2017 sẽ cho thu hoạch”.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng đang chăm sóc vườn cây đương quy và bạch chỉ của gia đình. Chị Nguyệt cho biết: Việc trồng và chăm cây dược liệu cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu làm đất, gieo hạt đến làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh… Trong đó, quan trọng nhất là khâu làm đất, đánh luống gieo hạt, đất phải đủ dinh dưỡng, được phủ nilon để giữ ẩm và ngăn cỏ dại.

Ông Nguyễn Văn Khải - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà đánh giá: “Tỉnh Điện Biên rất có tiềm năng trồng và phát triển cây dược liệu, trong khi đó trồng cây dược liệu quý cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Bình quân, 1ha với thời gian chăm sóc từ 9 - 10 tháng, trừ chi phí, cây đương quy có thể cho thu nhập từ 100 - 220 triệu đồng; bạch chỉ từ 90 - 200 triệu đồng. Cũng với thời gian ấy, nếu trồng 2 vụ lúa trừ chi phí thu lãi chỉ khoảng 40 - 52 triệu đồng, mà rất vất vả”.

Ông Lò Văn Pọm - Chủ tịch UBND xã Noong Luống, cho biết: Hiện toàn xã có 11 hộ ở đội 18 trồng được hơn 2ha cây dược liệu, chủ yếu là cây đương quy và bạch chỉ.

Đây là diện tích thuộc dự án “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc đương quy và bạch chỉ tại tỉnh Điện Biên”, do Công ty CP Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà làm chủ nhiệm. Dự án trồng thí điểm vào năm 2016 và hiện đang nhân rộng trong dân. Theo đó, công ty đang hỗ trợ phân bón, giống cho người dân và cam kết thu mua sản phẩm với giá cố định là 17.000 đồng/kg đương quy, 8.000 đồng/kg bạch chỉ.

Ông Nguyễn Văn Khải cũng nhấn mạnh: “Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng diện tích và ký cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chúng tôi sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, không để người dân phải chịu cảnh bị ép giá như trồng các loại cây khác. Cụ thể, công ty sẽ ký hợp đồng, cam kết mua đúng giá và hỗ trợ về kỹ thuật để người dân có thể làm giàu trên diện tích đất hiện có”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem