Trồng giống chuối gì mà một ông nông dân tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng thành triệu phú?

Thứ ba, ngày 09/02/2021 13:07 PM (GMT+7)
Từng thất bại với nhiều loại cây trồng khác nhau, nhưng cuối cùng anh Phạm Văn Đông, thôn Sơn Đồng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tìm được hướng phát triển kinh tế hiệu quả trên đồng đất của gia đình, đó là trồng chuối tiêu hồng.
Bình luận 0

Nhờ mô hình trồng chuối tiêu hồng này, gia đình anh Phạm Văn Đông, thôn Sơn Đồng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trồng giống chuối gì mà một ông nông dân tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng thành triệu phú? - Ảnh 1.

Mô hình trồng chuối tiêu hồng của gia đình anh Phạm Văn Đông, thôn Sơn Đồng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm.

Chúng tôi đến thăm vườn chuối tiêu hồng của anh Đông đúng thời điểm anh đang cắt chuối để bán cho thương lái. 

Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường, chuối tiêu tuy cho quả không đẹp nhưng giá bán lại khá cao, bán cho thương lái tại vườn dao động từ 110 - 120.000 đồng/buồng, cao hơn từ 20.00 - 30.000 đồng/buồng so với cùng thời điểm năm 2020.

Anh Đông cho biết: Trước đây, gia đình có khoảng 3 sào ruộng chỉ chuyên trồng lúa, trồng ngô nên hiệu quả kinh tế không cao. 

Sau đó, anh cũng chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác nhưng vẫn không khả quan. Đến khi thấy một số hộ dân trong thôn trồng chuối tiêu hồng cho thu nhập khá cao, không tốn nhiều công chăm sóc, anh quyết định trồng thử.

Ban đầu vì chưa có kinh nghiệm trồng chuối tiêu, anh Đông chỉ trồng khoảng 200 gốc chuối tiêu hồng trên diện tích 3 sào ruộng của gia đình. 

Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm từ các hộ dân đi trước trong thôn và tham khảo kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng, chăm sóc qua sách, báo, tivi, vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh sinh trưởng tốt, cho quả to, đẹp, màu sắc bắt mắt nên bán được giá khá cao.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chuối tiêu hồng mang lại, năm 2014, cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình, anh Đông vay mượn thêm anh em, bạn bè hàng chục triệu đồng để mở rộng diện tích trồng chuối lên gần 13.000 m2.

Đồng thời,  anh ứng dụng các tiến bộ KHKT trong trồng và chăm sóc chuối tiêu giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Cuối năm 2016, anh Đông đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động trên toàn bộ diện tích trồng chuối tiêu hồng.

Với số lượng khoảng 2.000 gốc chuối tiêu hồng, trung bình mỗi năm, vườn chuối của gia đình anh Đông cho thu hoạch hơn 50 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối tiêu hồng, anh Đông cho biết: Chuối tiêu hồng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, muốn cây chuối tiêu hồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả to, đẹp, màu sắc bắt mắt cần chọn mầm giống chất lượng, sạch bệnh.

Trong quá trình chăm sóc, chú ý cung cấp đủ độ ẩm và bón phân đúng thời điểm cây cây chuối tiêu hồng cần. Việc chọn hướng ra buồng cho cây chuối và cắm cọc chống đỡ là cực kỳ quan trọng. Vì chuối là loại cây rễ chùm, ăn nông trong khi buồng lại khá nặng, dao động từ 25 - 30 kg/buồng nên rất dễ đổ khi gặp gió lớn.

Đặc biệt, để chuối tiêu hồng kịp ra quả vào các dịp lễ, Tết, bán chuối tiêu làm mâm ngũ quả có giá cao, bà con cần phải trồng chuối đúng khung thời vụ. Thông thường, thời gian xuống giống vụ chuối mới là vào khoảng tháng 2 âm lịch.

Nói về dự định sắp tới, anh anh Phạm Văn Đông, thôn Sơn Đồng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng và áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; liên kết với các hộ trong Hội trồng chuối tiêu hồng mà anh đang tham gia để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...



Thanh Huyền (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem