Trồng cây gừng núi, cây sả Java, cây màng tang đem nấu tinh dầu bán đắt tiền, nông dân Lào Cai khá lên

Binh Minh Thứ ba, ngày 24/05/2022 13:03 PM (GMT+7)
Với điểm sáng là mô hình trồng sả Java, gừng núi, màng tang... để nấu tinh dầu của Hợp tác xã Mường Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai), nhiều hộ gia đình nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

"Thủ lĩnh" nông dân người Giáy giúp bà con thoát nghèo

Trong những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở xã Mường Vi đã góp phần nâng cao đời sống của hội viên, nông dân, nhiều hộ vươn lên khá, giàu qua việc xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Trong đó, điểm sáng là mô hình trồng sả Java, gừng núi, màng tang... để nấu tinh dầu của Hợp tác xã Mường Kim. Và người khởi nguồn cho mô hình này là chàng trai người dân tộc Giáy Vàng Văn Sưởng.

Lào Cai: Chiết xuất sả java, gừng, màng tang...thành tinh dầu, một nông dân ở Bát Xát thu 500 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Hiện nay, HTX Mường Kim đã liên kết với bà con trồng nguyên liệu ở các khu vực lân cận, như diện tích trồng cây gừng gió khoảng 40 ha phân bố ở các xã Quang Kim, Mường Vi, Pa Cheo, Dền Thàng, Y Tý. Ảnh: Hội ND huyện Bát Xát

Hành trình đến với mô hình trồng cây dược liệu để chiết xuất thành tinh dầu của anh Sưởng bắt đầu từ năm 2010, khi dự án “Nâng cao năng lực tự chủ về sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số” với việc “Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền”.

 Khi đó gia đình anh được chọn làm thí điểm và nhận được sự giúp đỡ của cán bộ dự án giúp triển khai vườn thuốc Nam và chọn cây gừng tía để thử nghiệm chiết xuất tinh dầu.

Ban đầu, anh Sưởng chiết xuất tinh dầu ở quy mô hộ gia đình với nồi đun bằng củi 50 cân/mẻ. Anh nói “không còn nhớ được bao nhiêu mẻ tinh dầu thất bại”. 

Càng thất bại, quyết tâm lại càng cao, với việc đầu tư xây dựng được một giàn nấu cao và nồi chưng cất tinh dầu đốt bằng điện 3 pha, công suất 3 tạ/mẻ. Các quy trình sản xuất đều được khép kín, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lào Cai: Chiết xuất sả java, gừng, màng tang...thành tinh dầu, một nông dân ở Bát Xát thu 500 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Người dân xã Mường Vi và một số xã khác của huyện Bát Xát (Lào Cai) trồng cả rừng gừng núi cây cao quá đầu người, củ rất to, bán cho Hợp tác xã Mường Kim. Ảnh: Tuấn Ngọc

Anh Sưởng cho biết, để mở rộng vùng nguyên liệu, năm 2016 anh đã thành lập HTX để liên kết với nông dân. "Cây gừng gió là nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu gừng. HTX Mường Kim đang liên kết với nhiều hộ dân để trồng gừng trên quy mô lớn. 

HTX sẽ cung ứng giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc và ký cam kết thu mua sản phẩm cho người dân với giá từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg", anh Sưởng chia sẻ.

Theo anh Sưởng, tinh dầu gừng gió là một trong hàng chục loại tinh dầu đang được sản xuất tại HTX Mường Kim. Một lọ nhỏ 50 ml được HTX bán lẻ với giá 50.000 đồng, nếu nhập số lượng lớn sẽ được chiết khấu theo tỷ lệ phần trăm. 

Cách làm này của HTX Mường Kim nhằm hướng đến mục tiêu người sử dụng luôn mua được sản phẩm với giá ổn định ở mọi thời điểm và có thể dễ dàng phát triển sản phẩm đến tất cả các địa phương trong cả nước.

Lào Cai: Chiết xuất sả java, gừng, màng tang...thành tinh dầu, một nông dân ở Bát Xát thu 500 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Anh Vàng Văn Sưởng, Giám đốc HTX Mường Kim (phải) giới thiệu sản phẩm tinh dầu sả Java. Ảnh: HTX Mường Kim

Xây dựng thương hiệu, cấp "sao" OCOP cho sản phẩm

Cùng với sản phẩm tinh dầu gừng gió, hiện HTX Mường Kim đang chưng cất nhiều sản phẩm tinh dầu khác như tinh dầu màng tang, chùa dù, sả Java, bưởi, ngùng lải...

Để nâng cao hiệu quả chưng cất tinh dầu, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị nồi đun bằng điện, các loại máy băm, thái nhỏ, lò sấy nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. 

Dược liệu sau khi thu hoạch được chế biến hoàn chỉnh thành sản phẩm ngay tại xưởng. Các quy trình sản xuất đều được khép kín, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh và chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, HTX Mường Kim đang sản xuất hai dòng sản phẩm là sản phẩm khô và sản phẩm tinh dầu nguyên chất. Để chủ động được vùng nguyên liệu, HTX đã liên kết với bà con trồng nguyên liệu ở các khu vực lân cận, như diện tích trồng cây gừng gió khoảng 40 ha phân bố ở các xã Quang Kim, Mường Vi, Pa Cheo, Dền Thàng, Y Tý.

Lào Cai: Chiết xuất sả java, gừng, màng tang...thành tinh dầu, một nông dân ở Bát Xát thu 500 triệu đồng/năm - Ảnh 4.

Sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX Mường Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: HTX Mường Kim

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bát Xát Nguyễn Thị Thanh Hải đánh giá, mô hình trồng cây dược liệu kết hợp sản xuất tinh dầu của HTX Mường Kim tạo công ăn việc làm cho 20 đến 30 lao động thời vụ và khoảng 6 lao động có việc làm thường xuyên đã giúp bà con trong xã có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu, tìm tòi để phát triển kinh tế trên quê hương của mình, chàng trai Vàng Văn Sưởng đã đạt được những thành tựu nhất định, mang lại thu nhập được từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. 

Để ghi nhận thành tích này, năm 2018, anh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng Bằng khen tôn vinh những tấm gương trong phong trào khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số phía Bắc.

"Mong muốn lớn nhất của HTX Mường Kim là quảng bá được thương hiệu và đem sản phẩm tinh dầu dược liệu tới tay người tiêu dùng trên khắp cả nước cũng như một số nước lân cận. Các thành viên HTX chủ yếu là người dân tộc thiểu số cho nên còn hạn chế về kiến thức, trình độ và năng lực, vì vậy, để nhiều người biết đến sản phẩm tinh dầu dược liệu, HTX rất cần sự hỗ trợ của cơ quan, đơn vị truyền thông để quảng bá sản phẩm", anh Sưởng chia sẻ.

Anh Sưởng cho biết, hiện nay, HTX đang tiến tới xây dựng thương hiệu, tham gia chấm điểm để được cấp sao OCOP các cấp cho sản phẩm tinh dầu gừng gió và một số sản phẩm tinh dầu thảo dược thiên nhiên khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem