Trước 1995, gia đình ông Ngô Văn Trương luôn túng trước thiếu sau vì đất ruộng ít, nhà lại đông miệng ăn. "Năm 1995, chính quyền địa phương khuyến khích người dân lên đập Đồng Nghệ để trồng cây gây rừng. Song chẳng ai hưởng ứng vì khu vực đó bom mìn còn nhiều lắm. “Tôi thấy nếu cứ bám cây lúa thì đói dài, phải liều để tìm hướng làm ăn khấm khá, nên quyết định nhận 20ha rồi khai hoang, đốt rẫy, cày đất để trồng bạc hà" - ông Trương kể.
|
Ông Trương giữa rừng keo lá tràm sắp được thu hoạch. |
Thế nhưng, trong khi ông đã bỏ rất nhiều công sức, vốn liếng ra trồng rừng thì năm lần bảy lượt, cánh rừng trồng hàng chục ha liên tục bị thiêu rụi do người rà sắt rà trúng mìn gây cháy nổ. Nhưng ông không nản. Sau mỗi lần rừng bị cháy, ông lại cặm cụi trồng lại. Ông dốc hết vốn liếng trong nhà, rồi đi vay mượn người quen... để đầu tư cho rừng.
Bám trụ với cây bạc hà mãi mà chẳng thấy có tiền, phần vì rừng cháy, phần vì ?bị bão tàn phá, năm 2000, khi gia cảnh đã gần cùng kiệt, ông quyết định chuyển sang trồng keo lá tràm. “Lúc đó tôi nghĩ mình mà thất bại nữa chắc gia đình phải bỏ xứ mà đi trốn chứ không sống nổi với nợ nần” - ông Trương nhớ lại. Do kiệt nguồn vốn nên ông chỉ trồng được 12ha. Sau 5 năm chờ đợi, đợt thu hoạch đầu tiên đã mang về cho ông kết quả hơn cả mong đợi: Mỗi ha tràm bán được 70 triệu đồng. Cầm hơn 800 triệu đồng, ông lâng lâng như trên mây, nợ nần trả hết, bao lo âu cũng tan biến và quan trọng là ông có thêm động lực để gắn bó với rừng.
Năm 2006, ông Trương tổ chức trồng hết cây keo lá tràm trên cả 20ha. Đến năm 2012 này, ước tính 20ha rừng sẽ mang về cho ông ít nhất 1,5 tỷ đồng. Nhờ rừng, ?gia đình ông đã thoát khỏi đói nghèo và trở nên khá giả.
Sau đợt thu hoạch đầu tiên thắng lợi, ông Trương đã vận động bà con theo mình lên Đồng Nghề khai hoang trồng keo lá tràm. Giờ đây khu vực này không chỉ có rừng của ông Trương nữa mà đã lên đến vài trăm ha của nhiều hộ. Và cuộc sống của họ cũng khấm khá hơn nhờ cây keo lá tràm.
Thanh Ba - Quốc Thuận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.