Giữa lúc hoang mang đó, nhiều điểm sáng ấm lòng xuất hiện. Đó là sự quên mình của nhiều Trái tim Danko xông pha tuyến đầu chống dịch vì cộng đồng. Đó là các Mạnh Thường Quân đem gạo, mỳ và hàng hoá thiết yếu giúp đồng bào nghèo, những người dễ tổn thương nhất khi đại dịch quét qua. Thế rồi trên báo chí, mạng xã hội xuất hiện lời “tố” những người “có vẻ khá giả”, đi xe SH đắt đỏ, đeo đủ thứ vòng nhẫn màu vàng óng đi nhận đồ “phát chẩn”.
Những lời dễ nhất để tung ra lúc này, đó là “tham lam”, “ích kỉ”, “nhẫn tâm” và còn nhiều lời nặng nề hơn nữa. Song, nghĩ cho cùng, càng đáng trách thì cũng lại càng đáng thương.
Những tấm biển “Nếu bạn đã ổn xin nhường cho người khác” treo sờ sờ ra đấy, nhưng vì sao có hiện tượng người có vẻ “đã ổn” vẫn cố tình vào để lấy đồ cứu tế của những người nghèo khó? Đơn giản là họ luôn nghĩ họ chưa ổn. Bởi biết thế nào là ổn, nếu như tham vọng của ai đó không bao giờ dừng lại! Các cụ dạy “tri túc tâm thường lạc” – “biết đủ là vui”. Nhưng, như ông rao bán kẹo kéo hồi ấu thơ của chúng tôi thường hát: “Ăn một lại muốn ăn hai/ ăn ba ăn bốn lại đòi ăn năm”...
Không thể nào nguỵ biện nổi cho những người không nhường cơm xẻ áo cho đồng bào khốn khó, giữa lúc gian nan còn đoạt lấy cái phần đầy tình nghĩa mà người nhân ái đem phát chẩn cho kẻ cùng đường. Dĩ nhiên rồi.
Song biết đâu người đi nhận đồ cứu tế kia họ khó thật thì sao? Mất việc, đóng cửa hàng, không kiếm ra tiền, có người nhà bệnh nặng triền miên… Mùa khó khăn nên chẳng ai đổi cái xe, cái nhẫn không ăn được lấy cái ăn được. Họ “chưng diện” như một thói quen khi trong túi chả có xu nào mua gạo phục vụ cuộc gào réo của cái dạ dày? Hay là họ để dành cái xe, cái nhẫn cho bước đường cùng. Thêm nữa, biết đâu, xe là xe đi mượn, vòng vèo là đồ mỹ kí? Nếu như vậy họ có là người nghèo?
Hành vi của con người bị chi phối bởi lòng nhân ái, sự tự trọng, cái liêm sỉ; bởi đạo đức và văn hoá tự thân của họ. Sau nữa mới đến luật pháp hay các quy tắc định chế áp đặt từ bên ngoài vào. Kể cả cơ quan chức năng theo chân cái xe SH kia về nhà, thấy người kia ở nhà to to, cầm iphone xịn xịn rồi bỏ gạo vào thùng, thì cũng rất khó để “chế tài” việc này. Bởi, nếu là quy chế hộ nghèo và cận nghèo thì còn đo từng cái tivi cũ, từng nếp nhà tranh ềm ệp trong xóm vắng, chứ “vạch lỗi” “đã ổn” đừng cướp cơm chim của người khốn khó thì hơi… khó đấy.
Nếu đặt câu hỏi lại: Nếu tạm ổn rồi, liệu họ có trà trộn hay “nhập vai” đi xin đồ cứu trợ ở vỉa hè để rồi xã hội phải thảng thốt kêu gọi “lòng tự trọng” không? Vậy là, khi họ đã chấp nhận sấp mặt như thế thì họ cũng đáng được “thương xót” đấy chứ. Khi ai đó tham, thiếu hiểu biết hoặc thiếu tự trọng đến mức đóng giả ăn mày, diễn trò tàn tật để bê bết đi ăn xin ở vỉa hè, thì họ còn đáng thương hơn cả người xin của bố thí thật sự.
Trong lúc có người đi xe SH đến lấy quà, thì cũng có người phụ nữ mua giấy cũ vừa nhận quà, vừa nhất quyết mua lại vỏ hộp cũ chứ không xin miễn phí, để nhóm tình nguyện có thêm một khoản mua thực phẩm tặng người nghèo. Ảnh: Thanh Xuân.
Giá mà ai cũng có một niềm tin thánh thiện vào đấng tối cao. Rằng các vị đó ở khắp mọi nơi, nhân nào quả nấy, kiếp này làm thì sớm muộn cũng phải gánh. Chứ đừng có cái tư duy tiêu dùng sống kiểu cá lớn nuốt cá bé, kiểu khôn vặt “tôi biết, anh biết và chúng ta đừng nói với ai là xong”. Mà cần hiểu, tôi biết, anh biết, trời biết, đất biết, quỷ thần hai vai biết tuốt. Lưới trời thì lồng lộng. Lương tâm có răng và nó biết cắn rứt. Nếu thế thì sẽ không chỉ là việc lấy túi đồ cứu trợ, mà bất kỳ việc gì xấu người ta cũng phải chùn tay.
Những hiện tượng “giả vờ nghèo” lấy đồ cứu trợ, cái đau hơn không chỉ là việc làm thất thoát gạo đáng lẽ là của của người nghèo. Mà nó còn làm rầu lòng các Mạnh Thường Quân, làm rã rục cái ý định mở lòng nhân ái của không ít người sắp làm Mạnh Thường Quân khác. Song, một vị cao tăng viết sách, rằng: Nếu bạn vì tiếc số tiền đã cho một người ăn mày đóng giả nào đó, mà bạn không đi “phát chẩn” nữa, thì bạn lại là người đáng trách mất rồi. Hãy mở lòng và tha thứ. Nếu hạnh phúc là sự cho đi, là lan toả, truyền cảm hứng cho người khác về một lẽ sống nhân ái, thì xin cứ tiếp tục công việc khả kính của mình. Rất tuyệt vời là không ai vì một vài hiện tượng đơn lẻ mà nản chí, mà quy kết.
Vừa rồi, đi làm một phóng sự dài về người vô gia cư ở TP HCM, chúng tôi nghe một số nhà từ thiện thở than về những kẻ “vô gia cư giả cầy”. Cứ tối đến họ ra cây cầu “điểm hẹn làm từ thiện” rồi nhận bánh mỳ, xôi, quần áo, tiền của các nhà hảo tâm. Chẳng làm thế nào được. Bởi còn rất nhiều người khó thật sự khác cần giúp đỡ.
Nếu lòng nhân ái là một cơ thể sống, thì nó cũng có cái dạ dày. Tức là nó cần “tiêu thụ” nhiều xúc cảm ái ố như trên, để rồi tĩnh tâm hướng tới một cái gì đăm đắm bao dung hơn nữa.
Ngẫm lại, nếu họ đúng là đang khó, mà chúng ta lên án họ chỉ vì bề ngoài, thì chúng ta sai rồi. Còn nếu họ “giả vờ khó”, thì cũng chỉ bức xúc một lúc rồi bỏ qua đi và nghĩ cách sửa chữa.
Nếu có một cung cách làm từ thiện bài bản, thì các kẽ hở kiểu trên kia sẽ hẹp lại. “Vàng thau” bớt lẫn lộn hơn nhiều. Hoặc nếu báo chí, mạng xã hội phát huy vai trò giám sát cho một xã hội nhân ái thêm nữa, chứ không phải vùi dập người ta xuống bùn đen, thì cũng chẳng ai cả gan trưng cái “diện mạo” khá giả đi lấy đồ cứu tế cho cả xã hội lên án nữa. Giống như các bảo mẫu không tử tế, các góc phố nhiều trò cẩu thả, ta lắp thêm các camera vào. Lương tâm không đủ sáng để soi, thì hãy để mắt thần công nghệ nó làm. Nhắc nhau thẳng thắn, cư xử với nhau nhân ái hơn, cuộc sống cũng thêm phần dễ thở.
Lúc khủng hoảng thế này, đừng riết róng, đừng gây thêm chia rẽ xã hội nữa. Bởi chúng ta vẫn có rất nhiều việc phải làm để chiến đấu với con virus.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.