Trồng lúa trên đất bom đạn Quảng Trị, nông dân không xịt thuốc, mang vào Sài Gòn bán không kịp

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 16/12/2021 11:40 AM (GMT+7)
Với tiêu chí "4 không", bà Phạm Thị Diễm Lệ đã xây dựng được vùng trồng rộng 35ha chuyên canh tác lúa hữu cơ trên vùng đất bom đạn Quảng Trị. Gạo đang được tiêu thụ tốt tại TP.HCM, nhiều thời điểm "cháy hàng".
Bình luận 0

Sản phẩm gạo hữu cơ của bà Phạm Thị Diễm Lệ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic), thu hút nhiều người quan tâm tại "Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm" đang diễn ra tại Showroom Hàng xuất khẩu TP.HCM trên đường Nguyễn Huệ (quận 1).

Toàn bộ gạo hữu cơ này được trồng tại tỉnh Quảng Trị, có chứng nhận organic (chứng nhận hữu cơ) hẳn hoi. Bà Lệ cho hay, bắt đầu canh tác và sản xuất gạo hữu cơ được 5 năm nay và tín hiệu của thị trường rất tốt, nhất là tại các thành phố lớn trong cả nước.

"TP.HCM là thị trường lớn nhất của chúng tôi, sau đó là đến Hà Nội. Có thời điểm mới mang sản phẩm vào TP.HCM bán đã cháy hàng. Chúng tôi đứt hàng khoảng vài tháng. Mới đây, trước khi TP.HCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt, mọi người săn lùng gạo hữu cơ của chúng tôi nên cũng xảy ra đứt hàng cục bộ", bà Lệ nói.

Trồng lúa trên đất bom đạn Quảng Trị, nông dân không xịt thuốc, mang vào Sài Gòn bán không kịp - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Diễm Lệ - người gắn với dự án trồng lúa hữu cơ trên đất Quảng Trị từ năm 2017. Ảnh: Hồng Phúc.

Trồng lúa hữu cơ trên đất bom đạn

Chia sẻ với Dân Việt, bà Lệ cho biết ai làm nông nghiệp hữu cơ đều rõ vất vả thế nào. Làm nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung, đặc biệt tại tỉnh Quảng Trị - nơi gắn liền với bom đạn của một thời kỳ đỏ lửa chiến tranh, lại càng khó hơn.

"Làm nông nghiệp hữu cơ ở miền Trung khó vô cùng. Thứ nhất, vì khí hậu khắc nghiệt. Thứ hai, khi chúng tôi về làm dự án gạo hữu cơ thì nông dân chưa biết hữu cơ là gì, thuyết phục người dân tham gia vào dự án sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, thời kỳ đầu rất khó khăn", bà Lệ nói.

Bỏ thời gian khoảng hơn 1 tháng để tiếp xúc từng nông dân một tham gia vào dự án, với các chính sách tặng giống, tặng phân bón, bao tiêu năng suất 5 tấn/ha nhưng vẫn không hề dễ đối với bà Lệ và QTOrganic.

Nguyên nhân vì công ty bắt buộc phải nông dân phải canh tác với tiêu chí "4 không": không phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc kích thích, không dùng chất bảo quản.

"Chúng tôi hay nói vui là tặng 'bảo hiểm' năng suất cho nông dân luôn, tức chỉ cần không được xịt thuốc là được cam kết năng suất 5 tấn/ha, bao tiêu đầu ra, cam kết mua hết với giá cao hơn thị trường 20% nhưng nông dân vẫn không mấy tin tưởng", bà Lệ nói.

Trồng lúa trên đất bom đạn Quảng Trị, nông dân không xịt thuốc, mang vào Sài Gòn bán không kịp - Ảnh 3.

Lúa hữu cơ của QTOrganic được trồng tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Đến khi có sự khuyến khích và vận động của ngành nông nghiệp địa phương, cam kết với người dân về các điều mà doanh nghiệp đã hứa, nông dân mới tin tưởng tham gia dự án.

Dù vậy, trong mùa vụ đầu tiên, khi gặp nhiều sâu bệnh, nông dân với tâm lý truyền thống muốn dùng thuốc trừ sâu, nhưng doanh nghiệp kiên quyết, thậm chí "làm gắt", ra quy định sẽ phạt 30 triệu đồng trên 1ha nên phát hiện người lén xịt thuốc.

"Năm 2017, năm đầu tiên chúng tôi bắt đầu dự án gạo hữu cơ Quảng Trị lại là vụ sâu bệnh hoành hành mạnh mẽ nhất. Chúng tôi cho tới nông dân, ai cũng lo nhưng vẫn kiên quyết không để tình trạng xịt thuốc. Kết quả, năm đầu tiên sản lượng không đạt như kỳ vọng nhưng vẫn ổn. Sang năm thứ hai, thứ ba, năng suất tốt hơn và càng vượt kỳ vọng. Nông dân gần như tin tưởng tuyệt đối vào canh tác lúa hữu cơ", bà Lệ cười nói.

Khách không tin Quảng Trị làm được gạo hữu cơ

Làm hữu cơ trên đất Quảng Trị đã khó, năm đầu tiên khi đưa sản phẩm ra thị trường, tiếp cận khách hàng cũng là một giai đoạn hết sức gian nan của bà Lệ và QTOrganic.

"Khó khăn nhất là định kiến của khách hàng, không phải giá đắt mà là khách hàng ai cũng nghĩ Quảng Trị là vùng đất bom đạn, chiến tranh thì làm sao làm được gạo hữu cơ. Những năm đầu là giai đoạn chúng tôi phải xóa bỏ những định kiến đó. Xóa bỏ bằng cách nào, chúng tôi dùng kết quả khoa học để chứng minh, gạo của mình là gạo sạch và hoàn toàn hữu cơ", bà Lệ nhấn mạnh.

Trồng lúa trên đất bom đạn Quảng Trị, nông dân không xịt thuốc, mang vào Sài Gòn bán không kịp - Ảnh 4.

Sản phẩm gạo hữu cơ QTOrganic đang được bán tại các hệ thống siêu thị cao cấp ở TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo bà Lệ, cải tạo đất chính là bước tiền đề quan trọng nhất mà doanh nghiệp đã thành công ngoài mong đợi để canh tác lúa hữu cơ. Theo quy định tiêu chuẩn hữu cơ, đất phải được cải tạo 3 năm. Doanh nghiệp đã cải tạo đất bằng chủng men vi sinh đặc biệt, kết hợp phân bón hữu cơ.

"Khi chọn đất canh tác lúa, chúng tôi phải mang đất, nước tưới đi kiểm nghiệm. Đất phải đạt tiêu chuẩn đất sạch làm nông nghiệp. Sau đó, chúng tôi dùng chủng men vi sinh đặc biệt bón cho đất, chúng xử lý các chất độc tồn đọng trong đất, đưa đất trở về môi hữu cơ tự nhiên. Quy trình cải tạo đất 3 năm nhưng khi dùng chủng men này, chỉ dùng mùa đầu tiên, sang mùa thứ hai đất đã hoàn toàn sạch", bà Lệ nói.

Theo bà, mẫu lúa gạo sau đó được mang đi kiểm nghiệm tại một tập đoàn của Nhật Bản với những thiết bị hiện đại bậc nhất. Kết quả là lúa gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng. Kết quả này cũng được Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) năm 2019 công nhận, con số vượt trội về chỉ tiêu chất lượng so với các loại gạo hữu cơ trên thế giới.

Hiện QTOrganic đang có 200ha lúa tại Quảng Trị, diện tích làm lúa hữu cơ khoảng 35ha, tập trung tại huyện Gio Linh và huyện Hải Lăng.

"Gạo hữu cơ đã được đón nhận tốt, đặc biệt còn truyền được cảm hứng rất lớn cho người nông dân Quảng Trị về làm nông nghiệp hữu cơ. Nông dân đang tích cực chuyển đổi trồng những loại cây trồng khác theo hướng hữu cơ. Đó là điều chúng tôi vui nhất trong suốt quá trình 5 năm làm gạo hữu cơ trên đất Quảng Trị", bà Lệ bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem