Trong lúc "vượt cửa tử", một phụ nữ Hòa Bình "ngộ" ra cách đưa nghề đan cỏ dại về làng

Xuân Tuấn Thứ hai, ngày 17/06/2024 06:02 AM (GMT+7)
Trong lúc căn bệnh ung thư hành hạ, chị Bảy (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vẫn kiên trì gượng dậy, tự động viên mình vượt qua hiểm cảnh. Sau 5 năm chống chọi với thần chết, giờ đây chị đã thành công đưa nghề đan cỏ dại-đan cỏ tranh lát về xứ Mường Hòa Bình.
Bình luận 0

Đó là chị Nguyễn Thị Bảy (SN 1968) - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Suốt mấy chục năm qua, chị Bảy đã dành tâm huyết cho nghề đan cỏ gianh.

Cả bản có việc và ổn định nhờ nghề đan cỏ gianh

Hôm chúng tôi đến thăm, chị Bảy và các thành viên của HTX tấp nập đóng hàng lên xe ôtô. Từng món đồ thủ công mỹ nghệ được đan bằng cỏ gianh mọc dại ngoài đồi lại có hồn, có hình dáng đẹp mắt. Từ cái nệm để chân, tới cái ổ, cái khay, hay cái bồ… được làm trau chuốt, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Từ kho sản phẩm tỏa mùi hương thơm thoang thoảng của cỏ gianh.

Chị Bảy có dáng người cao gầy, nước da rám nắng, đi lại liên tục trong xưởng. Chị kiểm tra kỹ từng món hàng rồi mới cho lên xe. Hai chiếc xe ôtô chở đầy hàng thủ công mỹ nghệ lăn bánh về dưới xuôi giao cho đối tác. Kho hàng của HTX mấy giờ trước còn đầy ắp, nay trống rỗng… Chị Bảy bảo: "Hàng đan cỏ gianh của chị em, làm bao nhiêu đối tác đều lấy sạch. Nó làm hoàn toàn tự nhiên và không dùng bất cứ một loại hóa chất nào. Mỗi tháng HTX đang xuất khẩu 3 container hàng sang Mỹ, châu Âu. Họ rất thích mặt hàng mang đậm chất tự nhiên này".

Trong lúc "vượt cửa tử", một phụ nữ Hòa Bình "ngộ" ra cách đưa nghề đan cỏ dại về làng- Ảnh 1.

HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã có gần 20 năm tạo dựng, việc sản xuất đan cỏ tranh-cỏ dại và xuất khẩu mặt hàng đan lát cỏ tranh đang đạt kết quả tốt. Ảnh: Xuân Tuấn

Hình ảnh người phụ nữ với khuôn mặt tái nhợt, đầu trọc lốc ngồi bên trụ sở HTX làm song mây đã in vào tâm trí nhiều bà con người Mường nơi đây. Họ cảm nhận được ở chị nghị lực sống mãnh liệt. Ngày nối ngày trôi qua, chị lấy công việc làm vui. Chị luôn tự động viên, mình phải sống để còn lo việc cho chị em.

Trước đây, HTX nhận đan song mây cho nhiều đối tác ở dưới xuôi. Tuy nhiên, từ khi nhận được mặt hàng dùng cỏ gianh để đan các đồ thủ công mỹ nghệ cho một đối tác ở Hải Dương, thu nhập của chị em đã được nâng lên rõ rệt. Nguyên liệu chị em lấy ở sau đồi. Cỏ gianh cắt về, đem phơi khô, và qua đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Mường, nhiều sản phẩm mỹ nghệ được thành hình.

HTX của chị Bảy có trách nhiệm đào tạo nghề và thu mua toàn bộ sản phẩm mà chị em nơi đây làm ra. Nhận hàng về kho, chị tiến hành kiểm tra và hút ẩm. Suốt mấy năm qua, đơn hàng dùng cỏ gianh làm nguyên liệu đã giúp 600 chị em phụ nữ ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu của tỉnh Hòa Bình có việc làm và thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Từ sáng đến tối chị Bảy chẳng chịu ngơi nghỉ chân tay. Hết nhận hàng, giao hàng rồi đi truyền dạy nghề, hễ có thời gian rảnh là chị lại ngồi đan cỏ gianh. Dường như cái nghề đan lát gắn bó với cuộc đời chị như là một duyên phận.

Đưa nghề đan cỏ gianh và song mây về với bản

Trong lúc "vượt cửa tử", một phụ nữ Hòa Bình "ngộ" ra cách đưa nghề đan cỏ dại về làng- Ảnh 2.

Chị Bảy đã thành công trong việc đưa nghề về với bà con ở xứ Mường. Ảnh: Xuân Tuấn

Chị Bảy sinh ra và lớn lên tại thung lũng Mai Châu (Hòa Bình). Bố mẹ chị là người dưới xuôi lên Tây Bắc khai hoang và lập nghiệp tại đất Mường. Ngày đó xứ Mường còn nghèo và heo hút lắm. Bao năm sống ở đồng rừng, chị cũng trải qua muôn vàn gian khó. Năm 1983, gia đình chị chuyển về định cư ở thung lũng Mường Lồ (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc).

Mường Lồ là nơi sinh sống của bà con người Mường. Bao đời họ vất vả với đồng ruộng mà cuộc sống vẫn nghèo, vẫn khó. Về đây định cư, nhờ tài xoay xở buôn bán mà cuộc sống gia đình chị Bảy đỡ phần vất vả. Như bao trai gái người Mường nơi đây, đến tuổi cập kê, chị lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Bao gia đình nơi đây cứ an phận thủ thường, năm làm hai vụ. Ngày nông nhàn, họ tỏa đi khắp nơi làm thuê, làm mướn. Chị Bảy khi đó lại có suy nghĩ khác, chị không muốn cuộc đời mình trôi qua bình lặng như thế. Hơn nữa, ở với bà con người Mường, chị thấu hiểu được hoàn cảnh của những phụ nữ một nắng hai sương, cả đời toan lo nghèo khó. Chị thầm nghĩ, mình phải làm một việc gì đó giúp đỡ những cư dân nơi đây.

Vào năm 1996, trong lần về thăm quê ở huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), chị đã nhìn ra cơ hội cho cuộc đời mình. Ở đất trăm nghề, bà con có nghề đan lát song mây rất phát triển. Nó phù hợp với nhiều phụ nữ ở đất Mường. Bà con người Mường cũng đan lát rất giỏi. Trở về xứ Mường, chị đã mạnh dạn lên gặp Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc đề đạt nguyện vọng hỗ trợ chị về thủ tục và tài chính để đi học nghề rồi về truyền dạy lại nghề đan lát cho bà con. Ý tưởng tốt đẹp đó của chị được ông Đinh Văn Vượng, khi đó là Chủ tịch huyện Tân Lạc ủng hộ.

Chị Bảy về Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) học nghề. Vốn có đam mê với nghề, nên chị Bảy học rất nhanh. Chẳng mấy chốc chị đã làm thạo mọi công việc của nghề song mây. Khi nắm được mọi công đoạn của nghề đan lát, chị đã nhận hàng mang về xứ Mường để gia công cho họ. Việc đầu tiên là chị tập hợp chị em phụ nữ trong những ngày nông nhàn để truyền nghề. Mùa nối mùa trôi qua, cái cơ sở dạy nghề từ tâm của chị đã truyền nghề được cho chị em nơi đây. Ngày ngày chị nhận việc của các ông chủ dưới xuôi rồi tổ chức cho chị em phụ nữ nơi đây đan lát. Tranh thủ ngày nông nhàn, chị em cũng kiếm được đồng ra, đồng vào. Nhiều chị em không phải xa gia đình để kiếm sống nữa.

Gần chục năm trời lăn lộn với thương trường, chị Bảy cũng dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Chị cho rằng, muốn nghề song mây phát triển mảnh ở xứ Mường, không thể làm gia công mãi được. Năm 2013, chị đã mạnh dạn vận động chị em phụ nữ nơi đây thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú. "Muốn làm ăn lớn phải có đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng. HTX khi đó đã thu hút được 13 hộ gia đình" - chị Bảy cho biết.

Từ khi HTX ra đời chị lại vất vả hơn trước. Chị chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm mối hàng. Khi có đơn hàng lại lo đào tạo nghề, hướng dẫn chị em cách làm ra sản phẩm. Việc gì cũng đổ lên vai chị. "Khó khăn, vất vả cực nhọc là vậy, nhưng nhìn thấy chị em phụ nữ nơi đây có việc làm và thu nhập ổn định, bao mệt mỏi trong tôi lại tan biến" - chị Bảy chia sẻ.

HTX dần đi vào hoạt động ổn định, biến cố bỗng đổ ập tới gia đình chị. Người chồng bao năm kề vai sát cánh với chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Chưa lâu sau, chị phát hiện bị ung thư vú… Sau đợt phẫu thuật, chị phải trị xạ nhiều lần, cơ thể suy kiệt… Cánh cửa cuộc đời khi đó như đóng sập trước chị. Có lẽ niềm hy vọng cuối cùng của chị khi đó chỉ còn lại là nghị lực sống. Thay vì suy sụp, chị tự động viên mình phải sống và sẽ sống khỏe. Bất chấp cơn đau hành hạ, chị tìm đến công việc đan lát. Chị vẫn lo liên hệ với các mối hàng nhằm duy trì công việc cho chị em phụ nữ nơi đây.

Ngày nối ngày trôi qua, công việc của HTX ngày một nhiều hơn, chị Bảy cũng vất vả trăm đường. Chính niềm say mê công việc đã giúp chị quên đi những ngày cận kề với cái chết. Sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan của người con gái quê Lụa đã kéo chị trở lại cuộc đời. Sức khỏe của chị dần hồi phục, tóc mọc lại. "Sau 4 năm chiến đấu giành giật sự sống, tôi đã dần được bình phục. Giờ tôi đã đi đến khắp nơi để truyền nghề và giúp chị em phụ nữ học nghề. Nếu không có niềm đam mê và vui sống với công việc, chắc tôi không vượt qua được chặng đường gian khó vừa qua" - chị Bảy nhớ lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem