Được cấp thêm 32 mã số vùng trồng, vì sao Lâm Đồng khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích sầu riêng?
Được cấp thêm 32 mã số vùng trồng, vì sao Lâm Đồng khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích sầu riêng?
Văn Long
Thứ sáu, ngày 03/03/2023 06:41 AM (GMT+7)
Mặc dù được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 32 mã số vùng trồng nhưng ngành nông nghiệp Lâm Đồng vẫn khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích trồng sầu riêng để tránh cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường.
Ngày 2/3, ông Hà Ngọc Chiến - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vừa qua Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cấp thêm 32 mã số vùng trồng sầu riêng, 3 cơ cở đóng gói với diện tích vùng nguyên liệu trên 2.000ha trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã có 33 mã số vùng trồng và 5 cơ sở đóng gói được cấp mã số đóng gói. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 33 mã số vùng trồng và 5 cơ sở đóng gói được cấp mã số đóng gói, tuy nhiên ngành nông nghiệp tỉnh nhà vẫn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích sầu riêng. Ảnh: Văn Long.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 17.160 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021. Đây là một trong những loại cây đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tuy nhiên, trước tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng, có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đề nghị các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp.
Bên cạnh đó, không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng, không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Ngoài ra, các địa phương cần hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt hoặc sản xuất hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp đối trên cây sầu riêng, đặc biệt là đối với 6 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc theo Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản chế biến, chế biến sâu để đảm bảo việc tiêu thụ sầu riêng từ các diện tích trồng xen, không phụ thuộc vào việc xuất khẩu sầu riêng trái tươi đi thị trường Trung Quốc. Khuyến khích các doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ với người dân và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm sầu riêng chế biến.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu.
Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.