Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Câu lạc bộ (CLB) mai vàng ở ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đang từng bước "ăn nên làm ra", giúp cho các thành viên thu nhập khấm khá từ việc trồng và mua bán cây mai kiểng.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là vài năm trở lại đây các thành viên CLB đã áp dụng kỹ thuật can thiệp, chỉnh sửa và tạo dáng đẹp cho bộ rễ để tăng thêm giá trị cho cây mai, giúp dễ tiêu thụ và bán với giá cao hơn.
Ông Lê Thanh Tứ Hải, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết, phong trào trồng và mua bán cây mai vàng ở địa phương đang phát triển mạnh, thu nhập từ mô hình này cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Theo thống kê toàn xã có hơn 60 hộ trồng cây mai vàng theo hình thức thương mại, mỗi hộ trồng từ 100 cây đến vài trăm cây thành phẩm có kích cỡ bề hoành của thân cây từ 30cm đến hơn 100cm, đó là chưa kể những hộ tận dụng sân trống, quanh vườn nhà trồng từ vài cây đến vài chục cây, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thạnh, Tân Lợi và ấp Thạnh Quới 2.
Thấy mô hình trồng mai vàng có triển vọng, tháng 2-2021 xã Thạnh Lộc hỗ trợ bà con thành lập CLB trồng và mua bán mai vàng nhằm tạo thuận lợi trong tổ chức sản xuất và trao đổi mua bán.
Ông Lê Thanh Tứ Hải, cho biết: "Việc thành lập CLB đáp ứng nguyện vọng của bà con, nhằm tập hợp các hộ chuyên trồng và mua bán cây mai vàng để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và tìm kiếm đầu ra ổn định".
Ông Võ Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm CLB mai vàng ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ mai chăm sóc vườn mai giống vừa qua lần đầu chỉnh sửa rễ.
Hiện nay, CLB mai vàng ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc có 21 thành viên với khoảng 7.000 cây mai vàng thành phẩm dành để trao đổi, mua bán và sản xuất hàng ngàn cây con giống mỗi năm.
Quá trình sản xuất cây con giống, các thành viên trong CLB tích lũy kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật can thiệp, chỉnh sửa và tạo dáng đẹp cho bộ rễ để tăng thêm giá trị cho cây mai, giúp dễ tiêu thụ và bán với giá cao hơn.
Ông Ðặng Văn Cọp, Chủ nhiệm CLB mai vàng, nói: "Các nơi khác nhà vườn quấn rễ tạo hình nhưng vẻ đẹp không được tự nhiên, áp dụng kỹ thuật chỉnh sửa, tạo hình cho bộ rễ đến khi cây lớn sẽ thấy dáng thế mang vẻ đẹp tự nhiên hơn, người mua cũng ưa chuộng hơn, vì thế cây giống dễ tiêu thụ và bán với giá cao hơn".
Theo các thành viên CLB cho biết, sửa bộ rễ cho cây mai là công việc đòi hỏi phải có mắt tinh tường trong chọn lựa cây. Sự khéo léo của đôi tay và bề dày kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cho bộ rễ phát triển đồng đều.
Ở CLB này, ông Võ Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm CLB là một trong nhiều thành viên thành thạo kỹ thuật tạo dáng bộ rễ cho cây mai kiểng. Theo điều kiện thời tiết, mỗi năm có một vài lần ươm hạt mai giống, cây vài tháng tuổi đã trải qua mấy lần can thiệp, chỉnh sửa cho bộ rễ.
Ông Võ Thế Nguyên nói: "Bộ rễ mai muốn đẹp phải trải qua ít nhất 3 lần chỉnh sửa, can thiệp. Lần thứ nhất là khi cây giống được khoảng 10cm thì nhổ lên cắt rễ cái và trải bộ rễ cho đều rồi trồng lại.
Lần thứ hai là sau một tháng tiếp tục nhổ cây lên nếu cây tái tạo lại rễ cái thì tiếp tục cắt bỏ và tỉa bớt rễ chùm giúp bộ rễ phát triển đồng đều, lần thứ 3 là kiểm tra lại bộ rễ và cắt tỉa bớt những rễ nhỏ.
Quá trình chỉnh sửa rễ còn phải kết hợp với kỹ thuật chăm sóc giúp bộ rễ khỏe, sinh trưởng và phát triển nhanh, có như vậy cây mai giống mới cho được bộ rễ đẹp theo ý muốn của mình".
Dân chơi mai kiểng thường nói câu "nhất đế, nhì thân", đế chính là bộ rễ đều và đẹp theo dáng thế tự nhiên thì cây mai mới có giá trị. Thời gian qua, nhờ áp dụng kỹ thuật can thiệp, chỉnh sửa bộ rễ mà cây mai giống do CLB sản xuất tăng thêm giá trị.
Hiện nay cây mai vàng của CLB không chỉ nổi tiếng ở đất Vĩnh Thạnh mà nhiều nơi trong thành phố, các tỉnh lân cận biết đến. Nhờ vậy mà nhiều thành viên có thu nhập thường xuyên trong năm.
Ông Ðặng Văn Cọp, Chủ nhiệm CLB mai vàng ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, cho biết: "Tuy mất nhiều thời gian, công sức để tạo được bộ rễ hoàn chỉnh nhưng bù lại cây giống không chỉ dễ bán mà còn bán được với giá cao hơn.
Trung bình mỗi cây giống chiều cao từ 50-60cm bán với giá 150.000-200.000 đồng. Nhiều nhà vườn ở các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang… tìm đến mua về trồng hoặc bán lại, chính vì vậy mà đời sống của các thành viên CLB ngày càng "ăn nên làm ra".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.