Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã thực hiện chủ trương tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Chủ trương chuyển các diện tích đất lúa thiếu nước, các diện tích trồng mía, sắn, đậu đỗ kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân.

Xuất phát từ tình hình trên, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn thực hiện mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi trong vụ Hè Thu năm 2023 tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định với quy mô 02 ha cùng sự tham gia của 06 hộ nông dân.

Thứ cây cho ra loại hạt ăn bổ dưỡng này, nông dân một nơi ở Bình Định trồng cứ 1 sào thu hơn 2,3 triệu - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây mè thâm canh trên đất chuyển đổi trong vụ Hè Thu năm 2023 tại thôn Thượng Giang 1, xã xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) .

Qua quá trình theo dõi, cây mè có thời gian sinh trưởng ngắn với 75 ngày, sinh trưởng, phát triển ổn định trong điều kiện khô hạn, thể hiện tính chịu hạn cao. 

Cây mè cao trung bình 1,45m, lá to xanh bền. Dạng quả dài, có 4 ngăn (4 múi), 8 hàng hạt. Mỗi mắt lá mè có từ 2 – 4 quả. 

Mè V36 trong mô hình có số quả chắc/cây đạt bình quân: 18 quả, số hạt chắc/hàng: 14 hạt; trọng lượng 1.000 hạt đạt là 2,8 gram; năng suất lý thuyết đạt 18,6 tạ/ha và năng suất thực thu ước đạt: 13 tạ/ha. 

Về hiệu quả kinh tế, trên cùng diện tích chi phí đầu tư trồng mè V36 là 2.184.275 đồng/sào, còn đối với ruộng trồng mì (sắn) là 1.703.275 đồng/sào.

Năng suất mè đạt 65 kg/sào và giá bán tại thời điểm đạt 58.000 đồng/kg; năng suất mì cùng chân đất: 1.200 kg/sào nhưng giá bán thấp (2.100 đồng/kg) nên lợi nhuận ruộng mô hình mè đạt cao hơn so với trồng mì là 768.000 đồng/sào. Thu nhập mô hình trồng mè đạt 2.335.725 đồng/sào, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình (trồng mì) là 1.566.725 đồng/sào.

Thứ cây cho ra loại hạt ăn bổ dưỡng này, nông dân một nơi ở Bình Định trồng cứ 1 sào thu hơn 2,3 triệu - Ảnh 2.

Cây mè sinh trưởng, phát triển ổn định trong điều kiện khô hạn, thể hiện tính chịu hạn cao.

Ngoài hiệu quả kinh tế của cây mè đem lại cao hơn cây trồng khác, khi bố trí luân canh mè trên đất chuyển đổi còn góp phần cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh, giải quyết lao động nông nhàn và tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác tại địa phương như: ép dầu, bánh tráng… 

Đây cũng chính là yếu tố thể hiện tính nhân rộng của mô hình thâm canh mè trên đất chuyển đổi sẽ cao và thuận lợi trong các năm tiếp theo.