Thứ cây ra loại trái to bự ở Đắk Lắk, anh nông dân hái đến đâu thương lái "khuân" đi hết

Hồ Cẩm Lai Thứ hai, ngày 23/10/2023 05:35 AM (GMT+7)
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất các loại cây ăn quả, anh Phạm Văn Trọng tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk đã mạnh dạn đưa hơn 200 cây giống na Thái ra trái to bự về thay thế diện tích xoài già cỗi, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
Bình luận 0

Anh Trọng cho biết, cây na Thái trồng tại địa phương hơn 2 năm tuổi đã bắt đầu ra hoa, cho trái. Đây là loại cây trồng có tính thích nghi tốt, chịu được hạn nhưng không chịu úng, kháng sâu bệnh tốt hơn các giống na địa phương. 

Hiện vườn na Thái của anh Trọng đã được 5 năm tuổi, cá biệt có một số cây được 7 năm tuổi đang cho trái sum xuê. Đây là số cây anh trồng đầu tiên để đánh giá sự thích nghi, trước khi trồng đồng loạt.

Ưu điểm trái na Thái là có trọng lượng quả lớn hơn gấp đôi quả na của địa phương, cá biệt có quả nặng hơn 1 kg. 

Quả na Thái ít hạt, vỏ mỏng, hương vị thơm ngọt đậm và mẫu mã đẹp nên được thị trường rất ưa chuộng. Với điều kiện thời tiết Buôn Ma Thuột, cây na Thái cho thu hoạch từ tháng 6 đến tết nguyên đán, nhưng thu tập trung từ tháng 8 đến tháng 9. 

Thứ cây ra loại trái to bự ở Đắk Lắk, anh nông dân hái đến đâu thương lái "khuân" đi hết - Ảnh 2.

Anh Trọng, nông dân xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk chăm sóc cho vườn na Thái.

Ngày tết giá na Thái bán lên đến 80 đến 100 nghìn/kg, ngày thường giá sỉ từ 35 đến 40 nghìn/kg, hiện tại sản lượng chưa nhiều nên cung vẫn không đủ cầu.

Mỗi cây na Thái 5 năm tuổi đã cho thu hoạch từ 35 đến 40 kg/vụ. Nếu vào thời kỳ kinh doanh ổn định, chăm sóc tốt, cây Na Thái có thể cho thu hoạch từ 50 đến 70 kg/cây.

Nếu trồng với mật độ 625 cây/ha (4m x 4m), cùng giá bán của thị trường hiện nay, mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 700 triệu đến 900 triệu/ha. 

Hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây ăn quả khác cùng thời điểm.

Điểm khác biệt là cây na Thái trồng tại Buôn Ma Thuột có độ ngọt đậm đà hơn so với một số nơi khác. 

Cây na Thái rụng lá trơ trọi trong mùa khô, đối với những ai chưa biết sinh lý cây na Thái tại địa phương này có thể nghĩ là vườn na đã suy kiệt. 

Tuy nhiên, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi hạt thì cây sẽ đâm chồi, nảy lá xanh tức thì, song song với quá trình bung hoa khoe sức sống trên cành. 

Một đến ba năm đầu, tận dụng lúc cây rụng hết lá trong mùa khô, anh Trọng cắt tỉa tạo tán và tưới đủ nước (vì cây rất cần nước), để khi bộ lá mới xuất hiện sẽ khỏe hơn, tăng cường quang hợp cung cấp năng lượng nuôi quả trong cả thời kỳ phát triển. 

Khi cây phân bố cành đều các hướng, hoa ra nhiều đợt, cho thu hoạch kéo dài trong 6 tháng (trừ mùa khô). Kể cả giai đoạn nuôi quả và khi quả sắp chín cũng thường xuyên kiểm tra đất và cung cấp đầy đủ nước cho cây, tránh để cây bị héo thì mới nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với thời tiết đặc thù của Tây Nguyên, bên cạnh thuận lợi cho cây na Thái phát triển, nhưng đồng thời cũng dễ tạo điều kiện phát sinh sâu bệnh hại, nhất là giai đoạn mang trái thường xuất hiện rệp sáp trắng và sâu đục quả gây hại. 

Lúc này, cần chú trọng việc bao từng quả mới đảm bảo mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra nên quan tâm về quy trình bón phân để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là bổ sung phân hữu cơ nhiều thì vườn na Thái mới phát huy hiệu quả. 

Vào thời kỳ kinh doanh ổn định, tùy theo sức khỏe của đất, sức khỏe của cây và khả năng cho quả mà bổ sung dinh dưỡng đủ và đúng lúc mới khai thác được tiềm năng năng suất bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem