Trồng loại nấm ăn bổ dưỡng, bán chạy như tôm tươi, nông dân Đà Nẵng sống khỏe

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ hai, ngày 02/05/2022 09:00 AM (GMT+7)
Mô hình trồng nấm bào ngư của ông Lê Văn Giới (SN 1958), ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng là một trong những mô hình tiên phong trong phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị tại địa phương.
Bình luận 0

Sống khỏe nhờ trồng nấm bào ngư

Trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Giới cho biết, trước đây ông là một nông dân chính hiệu trồng lúa để mưu sinh, sau này phường Hòa Xuân tiến lên xây dựng đô thị thì đất nông nghiệp bị thu hẹp. Nông dân không có đất sản xuất, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định.

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 1.

Mô hình trồng nấm bào ngư cho thu nhập cao của ông Lê Văn Giới ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Ảnh: Trần Hậu.

Nhưng nhờ có sự quan tâm và giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương, Hội Nông dân phường Hòa Xuân, đặc biệt là Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng mà ông đã học được các lớp chuyển đổi mô hình nông nghiệp đô thị, trong đó ông ấn tượng nhất là mô hình trồng nấm bào ngư.

Năm 2015 ông bắt đầu xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư làm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, ban đầu do vốn ít, ông chỉ sản xuất khoảng 200m2, với công suất 20.000 bịch phôi nấm, vừa làm vừa lấy kinh nghiệm.

Clip: Mô hình chuyển đổi trồng lúa sang trồng nấm bào ngư của ông Giới, trở thành mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.Đà Nẵng.

"Lứa nấm đầu tiên, tôi thu về gần 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí, nhận thấy mô hình trồng nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao, lấy ngắn nuôi dài, tôi lấy số tiền lãi thu được đầu tư mở rộng quy mô. Dần dần phát triển lên được cơ sở trồng nấm có diện tích hơn 1.000m2 như ngày hôm nay, với công suất 120.000 bịch phôi nấm…", ông Giới phấn khởi nói.

Ông Giới cho biết thêm: Nhờ khu trại sản xuất rộng, ông phân ra thành 3 kỳ sản xuất để thu hoạch 3 đợt nấm/tháng. Dựa theo thị hiếu thị trường, gia đình ông chỉ tập trung sản xuất nấm bào ngư.

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 3.

Hiện nay, trang trại của ông Giới rộng hơn 1.000m2, chủ yếu sản xuất nấm bào ngư. Ảnh: Trần Hậu.

Hiện tại, ngoài sản xuất sản phẩm nấm bào ngư, ông Giới còn sản xuất bịch phôi nấm bán cho bà con nông dân có nhu cầu sản xuất nấm, trung bình mỗi bịch phôi có giá khoảng 6.000 đồng.

Nguyên liệu làm phôi nấm tương đối dễ tìm như: bột cưa cao su, bột cám, bao nilong, men nấm…, các nguyên liệu được trộn theo tỷ lệ riêng nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho nấm sinh sôi, phát triển. Tùy vào điều kiện của trại mà người trồng có thể áp dụng cách trồng nấm bào ngư dạng cổ nút hoặc treo giàn.

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 4.

Ông Giới trò chuyện với phóng viên Dân Việt về cơ duyên đến với nghề trồng nấm. Ảnh: T.H,

Nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và là dược liệu quý giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe, phòng chống nhiều bệnh. Vì thế người tiêu dùng rất ưa chuộng, nấm bào ngư rất đắt hàng vào những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng.

Hiện nay tại các chợ, nấm bào ngư thương phẩm có giá bán lẻ từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại nhà có giá 40.000 đồng/kg.

Hàng năm, mô hình sản xuất nấm bào ngư và bán bịch phôi nấm đã giúp ông Giới lãi hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, nhờ đó mà vợ chồng ông Giới có cuộc sống an nhàn.

Nông dân đô thị tiêu biểu

Chia sẻ về thành công với mô hình trồng nấm bào ngư, ông Giới nói: "Trồng nấm bào ngư tuy dễ nhưng đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, làm đúng các yêu cầu kỹ thuật thì mới thành công. Để hạn chế những thiệt hại như bịch nấm không lên meo, hoặc meo nấm bị ngã màu xanh, tơ nấm chậm phát triển, nấm cho năng suất kém thì các yếu tố về nhiệt độ, ánh sáng và môi trường giữ vai trò rất quan trọng.

Đồng thời khi bịch nấm đã lên meo, khâu rạch bao phải chú ý rạch xen kẽ, không thưa và cũng không dày quá để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nấm".

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 5.

Dây chuyền sản xuất bịch phôi nấm được ông Giới đầu tư hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Trần Hậu.

Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch nấm xong phải tiến hành vệ sinh nút phôi, rửa bằng vôi cho sạch sẽ, rồi đậy nắp phôi lại tiếp tục tiến hành tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo. Đặc biệt, nấm bào ngư được thu hoạch vào sáng sớm để đảm bảo độ tươi ngon và bán cho thương lái được giá cao hơn.

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 6.

Sản phẩm nấm bào ngư đã qua sơ chế. Ảnh: Trần Hậu.

Được biết, mô hình trồng nấm bào ngư của ông Giới là mô hình điểm về phát triển nông nghiệp đô thị tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. 

Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình sản xuất nấm của ông Giới còn giải quyết cho 7 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 7.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Giới còn giải quyết 7 lao động cho địa phương. Ảnh: Trần Hậu

Ông Đặng Văn Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho biết: Quá trình đô thị hóa trên địa bàn TP.Đà Nẵng phát triển khá nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại. Để giúp bà con nông dân chuyển đổi mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp đô thị, thời gian qua, TP.Đà Nẵng đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế mới giúp giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Đà Nẵng: Nông dân U70 có cuộc sống an nhàn nhờ mô hình trồng nấm bào ngư - Ảnh 8.

Ông Đặng Văn Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng trực tiếp tham quan và đánh giá hiệu quả mô hình trồng nấm bào ngư của ông Giới. Ảnh: Trần Hậu.

Ở Đà Nẵng không chỉ có mô hình trồng nấm bào ngư của ông Lê Văn Giới mà còn nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu như với mô hình trồng hoa lan đột biến của chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Hòa Xuân), mô hình chế biến chả cá thát lát ở xã Hòa Khương…

"Thời gian tới, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng sẽ phối hợp với các địa phương, các Hội đoàn thể, tạo mọi điều kiện hỗ trợ bà con nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, đặc biệt là các mô hình mới theo hướng nông nghiệp đô thị, chuyển giao dây chuyền khoa học công nghệ vào sản xuất tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn, giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…", ông Hồng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem