Trồng loại ớt có tên lạ, trái bé tí ti, thầy giáo dân tộc Sán Chỉ Quảng Ninh nhặt bán đắt hàng

Bùi My Thứ sáu, ngày 21/07/2023 05:37 AM (GMT+7)
Từ loại cây mọc hoang trên nương rẫy, đồi núi, giờ đây ớt chào mào được thầy giáo người dân tộc Sán Chỉ, anh Lỷ Văn Quạn (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) trồng với diện tích hàng nghìn mét vuông. Quả ớt chào mào bé tí ti, giá bán khá cao, nhưng vẫn rất được khách hàng ưa chuộng.
Bình luận 0


CLIP: Mô hình trồng ớt chào mào của thầy giáo Lỷ Văn Quạn (thôn thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Video: Bùi My

Khấm khá nhờ trồng ớt chào mào

Thầy giáo Lỷ Văn Quạn (SN 1987) là giáo viên thể dục trường Tiểu học – THCS Đại Dực 1 (thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ngoài những giờ dạy học trên trường, thầy Quạn còn miệt mài với mô hình trồng ớt chào mào của mình như một "lão nông" chính hiệu.

Theo thầy giáo Lỷ Văn Quạn, ớt chào mào thường mọc hoang, riêng lẻ trên nương rẫy, đồi núi ở Đại Dực. Bà con Sán Chỉ ở đây cũng lấy ớt chào mào về trồng trong vườn nhà, nhưng cũng chỉ trồng vài cây để làm gia vị phục vụ nhu cầu của gia đình.

Trồng loại ớt có tên lạ lùng, trái nhỏ hơn đầu đũa, thầy giáo vùng cao Quảng Ninh không đủ hàng để bán - Ảnh 1.

Cán bộ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) thăm mô hình trồng ớt chào mào của thầy giáo Lỷ Văn Quạn. Ảnh: Bùi My

"Giống ớt này quả bé hơn đầu đũa, nhưng ăn giòn, cay dịu, không nóng, chim chào mào lại rất thích ăn, có bao nhiêu quả chín chim chào mào cũng ăn hết nên bà con ở đây gọi là ớt chào mào. Ngày trước, dù là lãnh đạo hay khách phương xa về Đại Dực từng được thưởng thức ớt chào mào, đều khen ớt này thơm ngon đặc biệt, còn xin vài cây về trồng" – thầy Quạn cho hay.

Thấy ớt chào mào được yêu thích, lại mang lại giá trị kinh tế khá cao nên từ năm 2019, thầy giáo Lỷ Văn Quạn đã bắt đầu đem ớt chào mào về nhân rộng diện tích trồng. 

Nhờ cần cù, lại thêm tự tìm hiểu kiến thức về trồng, chăm sóc các giống ớt trên mạng, nên sau khi trồng, cây ớt chào mào sinh trưởng, phát triển rất tốt. Từ trồng thử nghiệm với diện tích chỉ vài trăm mét vuông, hiện nay thầy Quạn đã mở rộng diện tích trồng ớt chào mào của gia đình lên 7.000m2.

Trồng loại ớt có tên lạ lùng, trái nhỏ hơn đầu đũa, thầy giáo vùng cao Quảng Ninh không đủ hàng để bán - Ảnh 2.

Mỗi tuần, thầy giáo Lỷ Văn Quạn thu hoạch ớt chào mào 2 lần, sản lượng khoảng 20kg. Ảnh: Bùi My

Sau một thời gian, thấy nhu cầu của khách ngày càng cao, nên thầy mạnh dạn tham gia chương trình OCOP của địa phương. Khi đưa sản phẩm đi quảng bá các hội chợ, rất nhiều khách hàng thích ăn, hỏi mua ớt chào mào. Hiện nay, ớt chào mào đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đạt 3 sao.

Ngoài dùng trực tiếp để chế biến các món ăn, ớt chào mào còn được ngâm với muối và tỏi. Ớt chào mào ngâm có thể dùng được cả năm trời không lo hỏng, những trái ớt cũng giữ được màu đặc trưng và vị cay vốn có.

Hiện nay, ớt chào mào tươi được bán với giá 150.000 đồng/kg, còn ớt chào mào ngâm được bán với giá 50.000 đồng/lọ 350g. Từ khi trồng ớt chào mào, thu nhập của gia đình thầy Quạn khá giá hơn hẳn.

Mở rộng diện tích trồng ớt chào mào

Thầy Quạn cho biết, cây ớt chào mào sinh trưởng nhanh, ra trái nhiều, có mùi thơm, quả ớt đều mọc hướng lên trời. Quả ớt chào mào xanh ăn giòn, ít cay hơn so với quả chín nên nhiều người thích đặt mua ớt xanh.

Ở nơi khác cũng có thấy có giống ớt tương tự, nhưng quả to hơn, vị cay cũng không giống với ớt chào mào ở Đại Dực. 

Ngoài ra, tuy ớt chào mào không kén đất, có thể tận dụng đất đồi, đất ruộng bỏ hoang để trồng, nhưng loại ớt này lại khá khó trồng, khó chăm. Đặc biệt, cây ớt chào mào ưa được bón phân gia cầm hoai mục. Nếu sử dụng phân bón hóa học, quả ớt sẽ cứng, cây héo xanh rồi chết.

Cây ớt chào mào có tuổi đời từ 2-3 năm, mỗi năm cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 10. Năm 2022, với diện tích 4.000m2 trồng ớt chào mào, thầy Quạn thu khoảng 5 tạ ớt. Năm nay, với diện tích 7.000m2, thầy Quạn dự kiến sản lượng ớt chào mào sẽ tăng gấp đôi.

Trồng loại ớt có tên lạ lùng, trái nhỏ hơn đầu đũa, thầy giáo vùng cao Quảng Ninh không đủ hàng để bán - Ảnh 3.

Giá ớt chào mào khá cao nhưng vẫn rất được người tiêu dùng săn lùng. Ảnh: Bùi My

"Hiện sản phẩm ớt chào mào của tôi đã được hỗ trợ đưa lên quảng bá trên sàn thương mại điện tử Postmart. Ngoài ra tôi cũng quảng bá, bán ớt chào mào qua Facebook, Zalo, nhưng 2 tháng nay không dám vào Facebook nữa rồi, vì có đủ hàng để bán cho người ta đâu. Nhiều người ở Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn… thậm chí tận Bắc Ninh cũng hỏi mua ớt chào mào" – thầy giáo cười nói.

Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, ớt chào mào đã được chắp mối và tiêu thụ trong chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh nổi tiếng của Quảng Ninh. 

Trong thời gian sắp tới, thầy dự định sẽ mở rộng diện tích trồng ớt chào mào của gia đình lên khoảng 2ha. Đồng thời, thầy sẽ cố gắng nhân giống cây, giúp bà con xã Đại Dực cùng mở rộng diện tích trồng ớt chào mào.

Thầy cũng mong muốn được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư giúp đỡ về máy móc cải thiện mẫu mã, chai lọ đóng gói, tem mác ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá sản nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, để thương hiệu ớt chào mào của Đại Dực ngày càng được nhiều người biết tới.

Trồng loại ớt có tên lạ lùng, trái nhỏ hơn đầu đũa, thầy giáo vùng cao Quảng Ninh không đủ hàng để bán - Ảnh 4.

Ớt chào mào hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đạt 3 sao. Ảnh: Bùi My

Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho hay, ớt chào mào là giống cây đặc thù ở địa phương, được nhiều người ưa chuộng.  Ớt chào mào của thầy giáo Lỷ Văn Quạn trồng hiện đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay đầu ra của sản phẩm được đảm bảo do có chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh bao tiêu.

Xã đang tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng diện tích trồng ớt chào mào, vừa có thể tận dụng diện tích đất đồi, ruộng bỏ hoang, vừa giúp bà con phát triển kinh tế.

Với hiệu quả ban đầu của mô hình trồng ớt chào mào, hiện đã có 5 hộ dân đăng ký tham gia mô hình trồng, chế biến ớt chào mào. Tuy nhiên hiện nay việc mở rộng diện tích trồng ớt chào mào ở Đại Dực vẫn gặp khó do thiếu giống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem