Trồng thứ cây trầy xước chỗ nào thơm chỗ đó, chỉ mới tỉa lá, cành nhỏ bán, nông dân Lai Châu đã có tiền

Bảo Anh Thứ tư, ngày 27/07/2022 19:10 PM (GMT+7)
Những năm qua, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất sang trồng quế, nhiều hộ dân vùng cao huyện Mường Tè, Lai Châu đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Clip: Mô hình trồng cây quế, mới chỉ tỉa lá và cành nông dân vùng cao tỉnh Lai Châu thoát được nghèo.

Nông dân vùng cao Mường Tè mạnh dạn trồng quế

Trước đây, trên diện tích đất 1,3ha quế của gia đình bà Tống Thị Kiều ở bản Bum, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu chỉ trồng cây sắn, cây ngô và để cho bà con trong bản chăn thả gia súc.

Đầu năm 2017, được các cấp chính quyền huyện tuyên truyền về trồng rừng sản xuất với những chính sách hỗ trợ về giống, hỗ trợ tiền cho việc chuyển đổi đất, gia đình bà Kiều đã mạnh dạn tham gia chuyển sang trồng quế, nhờ tích cực chăm sóc cùng với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp nên cây quế của gia đình bà phát triển tốt.

Trồng cây quế, mới chỉ tỉa lá và cành nông dân vùng cao Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 2.

Bà Tống Thị Kiều ở bản Bum, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu phấn khởi khi diện tích 1.3ha quế được trồng từ năm 2017 của gia đình bà đã cho thu hoạch lá và cành mang về nguồn thu nhập ổn định. Ảnh Bảo Anh

Đến năm thứ 4 diện tích quế đã bắt đầu cho thu nhập từ việc tỉa cành, tỉa lá. Riêng trong năm 2021, từ tận thu lá, tỉa cành, tỉa cây bán đã cho gia đình bà Kiều thu nhập trên 30 triệu đồng.

Chỉ tay về những đồi quế đang phát triển xanh tốt, bà Kiều cho biết: "Nhà tôi trồng quế từ năm 2017, đến nay cây quế đã bắt đầu cho tỉa lá, tỉa cành để bán cho thương lái, có thu nhập rồi nên cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn, năm nay tôi tiếp tục xin trồng thêm cây quế để mở rộng diện tích, tăng hơn nữa thu nhập cho gia đình".

Trồng cây quế, mới chỉ tỉa lá và cành nông dân vùng cao Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 3.

Từ năm thứ 4 cây quế đã cho thu nhâp từ việc thu gom lá, tỉa cành, tỉa cây bán, trung bình ước tính đạt gần 40 triệu đồng 1ha/năm. Ảnh Bảo Anh

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn huyện Mường Tè, từ năm thứ 4 cây quế đã cho thu nhâp từ việc thu gom lá, tỉa cành, tỉa cây bán với lợi nhuận trung bình ước tính đạt gần 40 triệu đồng 1ha/năm, mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với việc trồng các loại cây trồng khác.

Tại các xã Mường Tè, Bum Nưa, Vàng San, Bum Tở,  người dân trồng cây quế từ năm 2016, 2017 đã có thu nhập ổn định từ loại cây trồng này. Với hiệu quả bước đầu như vậy, hiện nay các xã trên địa bàn huyện Mường Tè luôn xác định cây quế là một trong những cây trồng cần tập trung đầu tư có trọng điểm theo hướng hình thành vùng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.

Trồng cây quế, mới chỉ tỉa lá và cành nông dân vùng cao Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 4.

Những diện tích quế được trồng từ năm 2016, 2017 ở các xã Mường Tè, Bum Nưa, Vàng San, Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử, ông Lý Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tè, Lai Châu cho biết: Cây quế được chúng tôi triển khai trồng từ năm 2016, ban đầu thí điểm trồng 10ha, cây quế khá phù hợp với đất đai, thổng nhưỡng ở địa phương do đó đã và đang phát triển rất tốt, đến nay tổng diện tích cây quế trên địa bàn xã đạt hơn 200ha.

Mường Tè đi đầu trồng quế, tăng thu nhập cho người dân

Từ các chương trình dự án của nhà nước hỗ trợ cũng như việc các cấp chính quyền huyện Mường Tè chú trọng khuyến khích người dân phát triển cây quế, đến nay huyện Mường Tè có trên 1.300ha quế được trồng, trong đó trên 1.200ha là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, trên 100ha là người dân tự trồng.

Diện tích quế được trồng tập trung tại các xã vùng thấp của huyện như Vàng San, Nậm Khao, Can Hồ, Bum Tở và xã Mường Tè.

Trồng cây quế, mới chỉ tỉa lá và cành nông dân vùng cao Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 5.

Từ việc tỉa lá, tỉa cành bán cho hộ tư nhân và doanh nghiệp người dân ở Mường Tè thu được 1 nghìn đồng/1kg lá, 3 đến 4 nghìn đồng 1kg cành tươi. Ảnh Bảo Anh

Đầu năm 2020, một số diện tích cây quế trồng những năm 2016, 2017 trên địa bàn huyện đã cho tỉa lá, tỉa cành bán cho hộ tư nhân và doanh nghiệp tới mua với giá thành 1 nghìn đồng/1kg lá, 3 đến 4 nghìn đồng 1kg cành tươi để chiết xuất tinh dầu quế, nhờ đó đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Tè.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử, ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Cây quế được triển khai trồng trên địa bàn huyện Mường Tè từ năm 2016, đến hết năm 2021 toàn huyện có trên 1.300ha, đầu năm 2022 toàn huyện trồng mới được gần 400ha. Huyện Mường Tè chúng tôi là một trong những địa phương triển khai tích cực Đề án Phát triển cây quế của tỉnh Lai Châu, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ phát triển khoảng 2.500ha cây quế.

Trồng cây quế, mới chỉ tỉa lá và cành nông dân vùng cao Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 6.

Toàn huyện Mường Tè, Lai Châu có trên 1.300ha cây quế, tính đến hết tháng 6/2022 toàn huyện trồng mới được gần 400ha. Ảnh Bảo Anh

"Đến nay, một số điện tích quế trồng những năm 2016, 2017 đã bắt đầu cho giá trị kinh tế và mang lại thu nhập cho người dân, những cây quế có độ tuổi từ 4 đến 5 năm trở lên, người dân đã tiến hành cắt tỉa bán cho thương lái mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo người dân chú trọng chăm sóc phát triển, mở rộng diện tích cây quế. Huyện cũng xác định cây quế là một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con thoát nghèo và làm giàu", ông Cương nhấn mạnh.

Từ việc triển khai tích cực đề án phát triển cây quế, sự đồng hành của các cấp chính quyền huyện Mường Tè cùng sự đồng lòng của bà con nông dân, tin rằng cây quế trong tương lai sẽ là cây trồng mũi nhọn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, giúp người dân thoát nghèo, qua đó góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của huyện biên giới Mường Tè.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem