Trang trại nuôi cá nước lạnh đẹp như bên trời Âu của nông dân Lai Châu, ngắm mãi không chán

Bảo Anh Thứ bảy, ngày 09/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đã chủ động phục hồi nghề nuôi cá nước lạnh. Các trang trại nuôi loài cá đặc sản này lại đẹp như bên trời Âu, khiến nhiều khách ngắm mãi không chán...
Bình luận 0

Clip: Nông dân huyện Tam Đường, Lai Châu phục hồi nuôi cá nước lạnh đặc sản. 

Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi cá của gia đình bà Nguyễn Thị Ngân ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình huyện Tam Đường, Lai Châu những ngày đầu tháng 7, gia đình bà Ngân có diện tích ao nuôi gần 1ha với các loại cá tầm và cá hồi; số lượng nuôi trên 8 vạn con, trong đó cá thịt đến thời kỳ xuất bán khoảng 4 vạn con, còn lại là cá giống.

Nuôi cá nước lạnh ở Tam Đường phục hồi

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử, bà Ngân cho hay: Từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình tôi gặp khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm, sản lượng cá chỉ bán được khoảng 30%. 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay khi các hoạt động kinh tế - xã hội được mở cửa trở lại và thích ứng trong tình hình mới, gia đình tôi đã xuất bán được khoảng 40 tấn cá thịt ra thị trường.

Triển khai nuôi cá tầm từ năm 2008 tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn cũng đã phục hồi được sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch covid-19. Đây cũng là một trong những đơn vị thực hiện khá sớm và hiệu quả quy trình sản xuất cá khép kín trên địa bàn.

Nông dân Tam Đường phục hồi sản xuất chăn nuôi cá nước lạnh - Ảnh 2.

Cá tầm được Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn nuôi tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh Bảo Anh

Ông Lê Văn Phong, Quản lý HTX chia sẻ: Ngay sau khi dịch covid-19 được đẩy lùi, chúng tôi đã chủ động nguồn giống, mở rộng số lượng bể nuôi, nhờ đó không chỉ lượng hàng xuất bán tăng lên mà HTX cũng đã tiến hành xây dựng và chuẩn bị mở nhà hàng ngay địa điểm nuôi cá nhằm đa dạng loại hình kinh doanh, tăng nguồn lời nhuận.

Hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi cá nước lạnh

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do dịch Covid-19 kéo dài đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của cả nước cũng như tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường (Lai Châu) nói riêng. 

Từng có thời gian, cá nước lạnh thương phẩm như cá tầm, cá hồi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của huyện Tam Đường bị tồn ứ do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm.

Nông dân Tam Đường phục hồi sản xuất chăn nuôi cá nước lạnh - Ảnh 3.

Sau ảnh hưởng dịch covid-19 bà con huyện Tam Đường Lai Châu đã chủ động về nguồn giống khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh Bảo Anh

Huyện Tam Đường, Lai Châu được biết đến là vùng đất tiềm năng để nuôi cá nước lạnh, nơi đây có khí hậu phân 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, độ ẩm trung bình năm trên 80%; địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc - đông Nam, xen kẽ thung lũng, suối, thác, lưu lượng chảy lớn, nước sạch và nhiệt độ khá lạnh, có những nơi dưới 20oc rất thuận lợi cho việc nuôi các giống cá tầm, cá hồi.

Nông dân Tam Đường phục hồi sản xuất chăn nuôi cá nước lạnh - Ảnh 4.

Huyện Tam Đường, Lai Châu có 26 cơ sở nuôi cá nước lạnh, sản lượng đạt 146 tấn/năm. Ảnh Bảo Anh

Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh Lai Châu, sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, những năm qua bà con đã có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như bể nuôi, bể ương với quy mô từ hàng nghìn mét vuông để nuôi cá nước lạnh, nhờ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Ngay khi trở lại trạng thái "bình thường mới", các cấp chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích để người dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng loại cá và kinh doanh thêm một số dịch vụ tại chỗ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 26 cơ sở nuôi cá nước lạnh với 338 bể nuôi, thể tích trên 18.000m3, sản lượng đạt 146 tấn/năm.

Thời điểm này, huyện Tam Đường, Lai Châu đã tập trung chỉ đạo các cơ sở nuôi cá chủ động về nguồn giống và thức ăn, cơ cấu chủng loại nuôi phù hợp với tình hình và nhu cầu thị trường, bên cạnh đó, huyện Tam Đường cũng tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở hỗ trợ kỹ thuật giúp người nuôi cá, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học kết hợp kiểm soát dịch bệnh.

Nông dân Tam Đường phục hồi sản xuất chăn nuôi cá nước lạnh - Ảnh 5.

Huyện Tam Đường, Lai Châu được biết đến là vùng đất tiềm năng để nuôi cá nước lạnh, có những nơi dưới 20 độ c, rất thuận lợi cho việc nuôi các giống cá tầm, cá hồi.

Tìm hiểu chúng tôi được biết xã Sơn Bình, huyện Tam Đường là địa phương có tiềm năng lớn nuôi cá nước lạnh. Vì thế huyện đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, xác định vùng nuôi tập trung đưa vào quy hoạch nông thôn mới của xã. 

Tăng cường quảng bá và nâng cao thương hiệu 2 sản phảm Ocop đạt 3 sao gồm: cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê của HTX Ngũ Chỉ Sơn, bản Chu Va 12, xã Sơn Bình.

Chia sẻ với phóng viên, ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Sau khi tình hình dịch ổn định, Chính phủ cho phép mở cửa trở lại, từ đầu năm 2022 đến nay các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống đã đi vào hoạt động nên lượng tiêu thụ cá tầm, cá hồi cũng tăng dần theo các tháng.

Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi đã tích cực tu sửa lại bể, đầu tư cá giống để nuôi trở lại theo nhu cầu của thị trường. Với việc giao thương thuận lợi cùng sự mở cửa của hoạt động kinh doanh dịch vụ đã tạo điều kiện để nghề nuôi cá nước lạnh của huyện Tam Đường phát triển ngày càng ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem