|
Chăm sóc rau an toàn ở xã Lâm Sơn. |
Tháng 9 -2004, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định thu hồi gần 312ha ruộng nương, điền thổ của 285 hộ dân xã Lâm Sơn giao cho tập đoàn Charm Vit để xây dựng sân golf. Ban đầu người dân phấn khởi vì viễn cảnh có tiền và được giải quyết công ăn việc làm ở sân golf hoặc nhà máy trên địa bàn… “Nhưng 1 năm, 2 năm chẳng thấy những lời hứa thành hiện thực, nhiều người phải rời quê đi làm phu hồ ở các tỉnh xung quanh” - ông Đỗ Viết Liêm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn tâm sự.
Đầu năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân mạnh dạn kết hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển Bắc bộ mở lớp trồng rau an toàn cho nông dân xã Lâm Sơn. Những ngày đầu, học viên còn e ngại vì trồng rau an toàn sẽ tốn kém nhiều hơn so với trồng rau theo cách truyền thống và khó bán. Những nghi ngờ, e ngại của bà con được xóa tan khi kết thúc khóa học 17 tuần, sản phẩm do họ làm ra đều được các siêu thị, nhà hàng tin tưởng đặt hàng dài hạn. Thấy được sức tiêu thụ lớn của rau an toàn, nhiều nông dân đã đề nghị trung tâm tiếp tục mở các lớp dạy trồng rau.
Ông Hoàng Văn A (xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn) mất 2/3 diện tích đất nông nghiệp vào sân golf, phấn khởi nói: “Mặc dù diện tích trồng rau bây giờ chỉ bằng 1/3 so với diện tích đất trồng lúa trước đây, nhưng trồng rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa 2 - 3 lần. Nhờ trồng rau an toàn mà tôi có thể mua xe máy, có tiền cho con đi học Đại học Nông lâm trên Thái Nguyên”.
Trao đổi với NTNN, ông Đỗ Viết Liêm cho biết: “Dạy nghề trồng rau an toàn cho nông dân thì đơn giản, nhưng để rau có được chất lượng cao nhất trong một thời gian dài là điều rất khó. Muốn làm như vậy phải tổ chức một đội ngũ thanh tra để thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng của các sản phẩm rau trước khi đem bán ra thị trường”.
Xác định được tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng cho các loại rau bán ra thị trường nên ngay trong quá trình học, 30 học viên đã được chia thành 5 nhóm sản xuất. Các nhóm này sẽ có nhiệm vụ cử ra một người làm nhiệm vụ kiểm tra chéo quy trình sản xuất rau an toàn của nhóm khác. Hiện, nông dân ở đây đang mong muốn học để xây dựng “thương hiệu” rau, phát triển kinh doanh.
Hoà Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.