Trai làng Nghệ An nên cơ nghiệp nhờ nhặt thứ rau dại mọc vạ vật đem trồng thành rau "đi máy bay, vào nhà hàng"

Thứ hai, ngày 26/09/2022 19:34 PM (GMT+7)
Từ món rau dại ăn chơi mọc ngoài đồng hoang, anh Trần Văn Quân (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã táo bạo nghĩ cách thuần dưỡng, đưa giống rau dại vào trồng đại trà. Nhờ đó, loại rau dại đã trở thành món ăn đặc sản, “đi” máy bay, vào các nhà hàng để phục vụ du khách.
Bình luận 0

Thuần dưỡng rau dại

Mấy năm trở lại đây trên cánh đồng Doi, ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) nhiều người dần quen với những thửa ruộng rau nhót xanh ngát. Chủ nhân của khu vườn rộng hơn 1 ha đó là của anh Trần Văn Quân (SN 1984, trú xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai). Anh được xem là người tiên phong trong việc thuần dưỡng loại rau dại trở thành món ăn được nhiều người ưa chuộng.

Trai làng Nghệ An nên cơ nghiệp nhờ nhặt thứ rau dại mọc vạ vật đem trồng thành rau "đi máy bay, vào nhà hàng" - Ảnh 1.

Từ rau dại, rau nhót trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng (Ảnh KL).

Rau nhót có hình dạng khá giống với cây hoa mười giờ, thường mọc ở các đầm nuôi tôm cá, ven cánh đồng muối hoặc ven sông. Không ai trồng, ai chăm mà loại rau này cứ mọc tốt tươi, thế nên nhân dân vùng đất địa đầu xứ Nghệ đều nghĩ đó là “lộc trời cho”. Có lẽ trong kí ức của nhiều người vùng đất Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… rau nhót gắn liền với một thời kì xa khó.

Những tháng ngày cuộc sống còn khó khăn, rất nhiều người đã đi hái loại rau dại này để về vừa bán, vừa ăn. Với những gia đình khó khăn, bữa cơm có đĩa nộm rau nhót trộn chút lạc có thể làm họ thấy “đủ” hơn.

Trai làng Nghệ An nên cơ nghiệp nhờ nhặt thứ rau dại mọc vạ vật đem trồng thành rau "đi máy bay, vào nhà hàng" - Ảnh 2.

Anh Trần Văn Quân, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ về những ngày tháng đầu thuần dưỡng cây rau nhót (Ảnh KL).

Rau nhót có pha chút vị mặn, chua, ngọt nên dễ ăn và ngon miệng. Mặc dù là loại thức ăn ngon, nhưng người dân vùng biển nơi đây chỉ xem rau nhót là cây rau dại. 

Tuy nhiên, khoảng chục năm gần đây, món ăn dân giã này trở thành đặc sản trong các nhà hàng với giá khá cao. Nộm rau nhót được nâng tầm hơn khi trộn cùng với khô gà, khô bò.

Xuất phát từ mong muốn đưa loại rau dại có vị là lạ mang dấu ấn tuổi thơ trên vùng quê mình được người dân trên khắp mọi miền biết đến, anh Quân bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghiệp bằng rau dại của anh không được người thân ủng hộ. Bởi lúc đó kiến thức trồng loại rau này quá mơ hồ. “Động lực duy nhất để tôi khởi nghiệp lúc đó là... máu liều”, anh nói.

Năm 2018, anh Quân vay mượn được hơn nửa tỉ đồng để thuê đất, cải tạo đất, đầu tư hạ tầng và thuê người địa phương đi tìm, nhổ giống rau nhót về trồng. Nhưng việc làm nông của anh không hề dễ. Vụ đầu tiên rau chết sạch vì đánh luống thấp, mưa ngập. 

Vụ thứ hai thì cỏ lấn át rau. Rồi có vụ mất trắng vì nước tưới, hay cây không ra lá mà chỉ trổ hoa. Sau những thất bại đó, anh Quân đều phải tự tìm tòi để khắc phục các vấn đề như điều chỉnh độ mặn, ủ phân, xây hệ thống tưới và hệ thống thoát nước.

Trai làng Nghệ An nên cơ nghiệp nhờ nhặt thứ rau dại mọc vạ vật đem trồng thành rau "đi máy bay, vào nhà hàng" - Ảnh 4.

Từ rau dại, rau nhót trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng (Ảnh KL)

Đến khi những luống rau trở nên đẹp, xanh ngắt thì dịch Covid-19 ập đến, hàng quán đóng cửa. Không tìm được đầu ra nên anh đành cắt bỏ những luống rau xanh, gánh nợ vì thế càng nhiều hơn…

“Đặc sản rau nhót” trên vùng đất nhiễm mặn

Công việc trồng rau nhót của anh chỉ bắt đầu khởi sắc từ đầu tháng 4 năm nay. Ngành du lịch mở cửa nên nhu cầu tăng cao, đơn hàng đến liên tục khiến anh Quân không kịp cắt rau để bán. Theo ước tính của ông chủ trang trại “độc canh” cây rau nhót, với mức tiêu thụ và giá cả như hiện tại, một ha rau nhót có thể đạt mức thu 500 triệu đồng/vụ.

Anh Quân cho hay, bình quân mỗi ngày anh cắt khoảng 2 tạ rau để bán cho khách. Có hôm khách đặt 5 tạ nên anh phải thuê thêm nhân công. 

Giá rau nhót giao động từ 15-25 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ngày anh Quân đút túi từ 3-5 triệu đồng. Từ loài cây mọc dại ngoài bãi biển, nay rau nhót “lên vườn” đưa lại thu nhập đáng mơ ước cho anh nông dân này.

Chia sẻ thêm về loại rau này, anh Quân cho hay, cây rau nhót xuống giống vào đầu mùa lạnh, sau 3 tháng có thể thu hoạch, vòng đời kéo dài đến 11 tháng. 

Trung bình mỗi tháng có thể cắt bán từ 2-3 lứa. Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội tỉnh, hiện một lượng hàng không nhỏ của ông chủ này được vận chuyển bằng đường máy bay vào tận các tỉnh phía Nam, ra các đảo để phục vụ khách du lịch.

Trai làng Nghệ An nên cơ nghiệp nhờ nhặt thứ rau dại mọc vạ vật đem trồng thành rau "đi máy bay, vào nhà hàng" - Ảnh 6.

Vườn rau xanh ngát của ông chủ xứ Nghệ (Ảnh KL).

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Quân cho hay đã khảo sát và thấy ở một tỉnh phía nam có nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... tương tự ở đây để cây rau nhót sinh sống và phát triển tốt. Nếu chủ động được nguồn cung tại các tỉnh phía Nam thì giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí vận chuyển.

Thành công bước đầu của mô hình trồng rau nhót trên đất nhiễm mặn của anh Quân được xem là giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở các địa phương khi hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ngày càng tăng...


Minh Quang (Báo Tuổi trẻ thủ đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem