Nhiều mô hình hiệu quả
Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, tỉnh này triển khai rất nhiều mô hình nông nghiệp đô thị tại TP.Vĩnh Long và thị xã Bình Minh. Các mô hình hiệu quả có thể kể đến là trồng rau mầm, nấm ăn, hoa trong chậu (bồn, giàn, nhà lưới), nuôi rắn, cá cảnh…
Mô hình trồng hoa phong lan tại đô thị ở Vĩnh Long. Ảnh: H.X
"Các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường thông tin cho nhau, chia sẻ mô hình nông nghiệp đô thị hay, làm sao đạt được kết quả cao nhất cho người dân”.
Ông Trần Văn Khởi
|
Về hoa phong lan, ở 2 địa phương trên có tới 37 điểm, với tổng số cây giống là 37.000 cây, bước đầu đã đáp ứng được nguồn cung cấp hoa tại chỗ cho địa phương. Phong lan cho hoa quanh năm, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với các loại cây màu khác nên người trồng luôn có thu nhập ổn định.
Tỉnh Vĩnh Long cũng có 18 điểm trồng hoa đồng tiền mang lại hiệu quả kinh tế cao. Loại hoa này rất dễ trồng và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An cho hay, từ năm 2014, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình trồng rau sạch tại nhà trong đô thị. Cụ thể là rau ăn lá thuỷ canh, rau mầm, giá, dưa leo, cà chua, khổ qua… Đa số người dân sản xuất rau theo mô hình đều hài lòng, ngoài đảm bảo bữa ăn hàng ngày, mang lại kinh tế, mô hình còn giúp cho người dân có niềm vui, giúp giải trí thư dãn sau những giờ làm việc mệt nhọc.
“Sản xuất giá và rau mầm là 2 mô hình dễ làm, thời gian thu hoạch ngắn nên có nhiều hộ dân tham gia, nhiều nhất là các hộ ở TP.Tân An và huyện Cần Đước. Những hộ tham gia này đều được cán bộ khuyến nông trực tiếp theo dõi sản xuất, kiểm tra ghi chép nhật ký cũng như tạo điều kiện nhân rộng mô hình” – bà Nguyễn Thị Hạnh – đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An thông tin.
Thời gian qua, TP.Cần Thơ đã xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp đô thị như trồng nấm bào ngư xám, nấm linh chi và hoa - cây cảnh. Những mô hình này là giải pháp tốt, giúp tăng thu nhập cho hộ gia đình trong điều kiện đất đai hạn hẹp và lao động nhàn rỗi. Từ đó đã góp phần đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Riêng tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển mạnh về hoa trong nhà kính kết hợp với hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động tại vùng hoa Sa Đéc. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, mô hình này rất mới ở địa phương và giúp nhiều hộ dân giảm chi phí sản xuất đáng kể. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Sang ngụ ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông. Mô hình đã giúp ông giảm được 17 triệu đồng/năm so với cách tưới, chăm sóc ngoài trời trước đây.
Đẩy mạnh đầu tư, liên kết đầu ra cho nông sản
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho biết, sản xuất nông nghiệp đô thị vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Những tác động phức tạp của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư của người dân, nhất là các hộ mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm. Mức hỗ trợ chi phí vẫn còn thấp, chưa thuyết phục được người dân mạnh dạn tham gia mô hình...
Theo báo cáo tại diễn đàn, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm đến việc nghiên cứu, quy hoạch vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, cần phát triển dịch vụ nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu hàng hoá…
Bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long nhận định: “Mục tiêu chung của nông nghiệp đô thị là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật sản xuất công nghệ cao, sử dụng giống mới để tăng năng suất, góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm an toàn, cảnh quan môi trường của độ thị xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, các mô hình này cũng gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư cao, thu hồi vốn chậm. Vì vậy, các mô hình nông nghiệp đô thị cần phải kết hợp với du lịch sinh thái, cần có chính sách kích cầu tiêu dùng để tăng thêm thu nhập”.
Trung tâm Khuyến nông TP.Cần Thơ đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị. Riêng về nấm linh chi và bào ngư, khâu tiêu thụ còn gặp nhiều hạn chế, rất cần ban hành các chính sách đặc thù phát triển, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, xây dựng đầu ra ổn định.
Ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, vai trò nông nghiệp đô thị là giúp nông dân tăng được thu nhập, tạo cảnh quan xanh đẹp. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn gặp phải là quy mô sản xuất không được lớn như là vùng nông thôn, nước thải rất dễ ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị… Vì vậy, ông Khởi đề nghị trong thời gian tới, ngoài việc mở rộng các mô hình, các địa phương cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao, có liên kết sản xuất để dễ tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng giảm giá, khó bán. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.