Nghĩ tới trồng sắn, ăn sắn là người ta nghĩ ngay tới người nghèo. Trước đây, điều đó là đúng. Ở những vùng khô cằn, không canh tác được cây gì thì người ta trồng sắn. Cũng chỉ có người nghèo mới ăn sắn thay cơm.
Nhưng vào thời kỳ chăn nuôi và công nghiệp phát triển, cây sắn bỗng lên ngôi, thậm chí có lúc người ta tranh giành nhau để mua sắn. Tôi đi lên Việt Bắc và Tây Bắc, bà con cho biết, đầu nậu tranh nhau mua sắn. Thế mới biết, sắn “lên ngôi” rồi.
Cây sắn có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ mà chủ yếu là Brazil và Mexico: Tổ tiên đã phát hiện ra củ sắn và đưa cây sắn về trồng để lấy lương thực. Sau này, sắn lan sang châu Phi và châu Á. Mãi tới thế kỷ 18, người Trung Quốc mới đưa sắn sang Việt Nam để trồng.
Tới nay, sắn đã có mặt ở khắp mọi nơi, diện tích tới hàng trăm nghìn ha. Nó chỉ đứng sau lúa, ngô, khoai và năng suất đạt tới 8-9 tấn/ha. Ngoài nhiệm vụ làm cây lương thực, sắn còn được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất tinh bột, làm mạch nha, làm bánh, làm kẹo và nấu cồn.
Chúng ta biết rằng, sẽ đến lúc Trái Đất cạn kiệt nguồn xăng và người ta bắt đầu hướng máy móc và ôtô sử dụng cồn thay xăng. Việt Nam đã có đơn vị đang thử nghiệm. Riêng Nhà máy Bột ngọt Vedan cũng đã tiêu thụ một nguồn sắn khổng lồ cho nông dân. Họ dùng sắn để chế ra mì chính. Nói sơ qua như vậy, bà con mình cũng thấy, cây sắn càng ngày càng có vị trí quan trọng hơn.
Lâu nay, chúng ta cũng đã có nhiều nghiên cứu để cải tiến các giống sắn. Nhiều giống được nhập từ Thái Lan và Trung tâm Nghiên cứu cây có củ quốc tế. Một số giống được các nhà khoa học Việt Nam lai tạo. Bộ giống sắn rất phong phú chưa kể tới các giống địa phương.
Phổ biến hiện nay là giống KM-94. Giống này năng suất có thể đạt tới 30-40 tấn/ha và hàm lượng tinh bột từ 23-27%. Nó là giống có năng suất cao nhất. Tuy nhiên, ở KM-94, hàm lượng độc tố (Cyanua) cũng quá cao. Nó chỉ được dùng để chế biến tinh bột, nếu người và vật nuôi ăn thì có thể bị say. Đấy chính là hạn chế lớn nhất của giống KM-94.
Gần đây, chúng tôi vào Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Hưng Lộc (đóng ở Đồng Nai) thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và được tiếp xúc với giống sắn KM-140. Đó là giống sắn tuyệt vời.
Ở Tây Ninh, do chăm sóc tốt, giống sắn này đạt tới 50 tấn/ha. Hàm lượng Cyanuya ở KM-94 là 219 mg/kg chất khô thì ở KM-140 chỉ có 105mg/kg chất khô, ngang với sắn nhà.
Thạc sĩ Trần Công Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết, bà con trong vùng đã biết tới giống sắn này của trung tâm nên tới mua ào ào, nhiều đợt cháy giống. Hiện nay, trung tâm đang tích cực tạo giống để cung cấp cho bà con trong cả nước.
Ở các vùng trồng sắn, chúng ta nên mạnh dạn thay giống KM- 40 để tạo ra bước đột phá. Để hiểu rõ hơn về giống sắn này, bà con hãy liên hệ với thạc sĩ Trần Công Khanh qua điện thoại: 0918.064.926.
GS Nguyễn Lân Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.