Trai Tiền Giang “quay xe” trồng loại trái nhìn toàn gai, thiên hạ muốn nếm thử phải đặt hàng trước

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 03/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
Thấy trồng sầu riêng truyền thống gặp nhiều bất lợi, anh Dương Quốc Cảnh (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã chuyển sang trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Bằng cách trồng này, vườn sầu riêng cho trái không đủ bán, nhiều khách muốn ăn phải đặt hàng trước.
Bình luận 0

Anh Cảnh cho biết, anh bắt đầu trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ khoảng 2 năm nay từ vườn sầu riêng hơn chục năm tuổi của gia đình.

“Quay xe” trồng loại trái gai góc xù xì theo hướng hữu cơ, khách hàng muốn thưởng thức phải đặt trước - Ảnh 1.

Vườn trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ của anh anh Dương Quốc Cảnh (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Ảnh: Trần Đáng

Mò mẫm trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ

Xã Ngũ Hiệp được nhiều người ví là "thủ phủ sầu riêng" của miền Tây. Cù lao này đi đâu cũng thấy sầu riêng phủ xanh. Tuy nhiên, từ sau đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2020 xâm nhập, nhiều diện tích sầu riêng ở cù lao này chết trụi lá.

Hôm chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của anh Cảnh thấy rất nhiều cây sầu riêng phát triển xanh tốt, cho trái trĩu cành. Anh Cảnh cho biết, đấy là những cây sầu riêng được anh cho trồng theo hướng hữu cơ đang phục hồi.

Lý giải việc chuyển sang trồng sầu riêng hữu cơ, anh Cảnh chia sẻ, do trồng sầu riêng truyền thống dùng quá nhiều phân, thuốc hóa học dẫn đến chết cành, xì mủ, sinh nấm… ảnh hưởng tuổi thọ cây. Và trên hết, do thấy thị hiếu thị trường đang chuyển dần sang dùng sầu riêng sạch.

Thuyết phục mãi gia đình cũng cho anh Cảnh chuyển dần 7 công đất vườn sầu riêng sang trồng theo hướng hữu cơ. Lúc đầu anh trồng thử 5 gốc sầu riêng, giờ là 20 gốc.

Anh Cảnh đánh giá, trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ nhàn hơn trồng theo kiểu truyền thống. Trồng theo hướng này không phải canh thuốc, phân. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp cây sầu riêng chống chịu mặn tốt hơn trồng truyền thống.

Tuy nhiên, thời gian đầu trồng sầu riêng hữu cơ chi phí đầu tư sẽ đội lên do dùng nhiều phân bón hữu cơ nhiều để cải thiện đất.

Thêm nữa, việc xử lý sâu bệnh trên cây sầu riêng cũng khó khăn hơn trồng truyền thống. Với cách trồng sầu riêng truyền thống khi gặp sâu bệnh chỉ cần phun xịt thuốc hóa học, nhưng nếu trồng sầu riêng hữu cơ việc xử lý sâu bệnh khó khăn hơn.

“Quay xe” trồng loại trái gai góc xù xì theo hướng hữu cơ, khách hàng muốn thưởng thức phải đặt trước - Ảnh 2.

Anh Dương Quốc Cảnh (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) thu hoạch sầu riêng trong vườn trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Đáng

Theo anh Cảnh, có cách tránh sâu bệnh trên trái sầu riêng là dùng bọc trái ngày khi cây cho trái. Tuy nhiên, cách này sẽ tốn chi phí nhiều.

"Lúc bắt tay vào trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ tôi khá loay hoay do chưa nắm được quy trình. Những lúc bí, tôi lên mạng học hỏi cách trồng", anh Cảnh bộc bạch.

“Quay xe” trồng loại trái gai góc xù xì theo hướng hữu cơ, khách hàng muốn thưởng thức phải đặt trước - Ảnh 4.

Anh Dương Quốc Cảnh (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) bón phân cho vườn trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Đáng

Nâng cao giá trị bằng trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ

Anh Cảnh khẳng định, nếu trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, giá trị trái sầu riêng sạch tốt hơn hẳn so với trái sầu riêng thường. Anh Cảnh dẫn chứng, hiện giá sầu riêng thường tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg, thì giá sầu riêng sạch của anh 60.000-70.000 đồng/kg.

"Khách hàng phải đặt hàng trước mới có sầu riêng. Thường sầu riêng trong vườn không đủ bán cho khách hàng", anh Cảnh cho biết.

Theo anh Cảnh, việc thu hoạch sầu riêng hữu cơ cũng khác với trồng truyền thống. Trái sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ sẽ thu hoạch dần theo độ chín của trái chứ không thu hoạch đồng loạt như sầu riêng thường. Anh Cảnh dự tính, sẽ mở rộng hết vườn sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký mã vùng trồng để mở rộng đầu ra cho trái sầu riêng sạch…

“Quay xe” trồng loại trái gai góc xù xì theo hướng hữu cơ, khách hàng muốn thưởng thức phải đặt trước - Ảnh 5.

Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ luôn cho giá trị tốt hơn hẳn trồng truyền thống. Ảnh: Trần Đáng

Thời gian qua, để trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và các thị trường khác, tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân tham gia vùng trồng để được cấp mã số và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn, như: Bón phân hữu cơ, quản lí dịch hại sinh học, bảo đảm chất lượng trái sầu riêng an toàn.

Hiện, tỉnh Tiền Giang có hơn 16.800 ha sầu riêng, với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 315.000 tấn/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem