Hiện, ông Triệu Thanh Hồng (xã Thạnh Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang) thu hơn 200 triệu đồng đang nuôi ốc bươu đen với 200m2 trong ao phèn.
Cải tạo mương phèn nuôi ốc bươu đen
Theo nhiều người nuôi ốc bươu đen ở miền Tây Nam bộ, nuôi ốc đặc sản này muốn trúng lớn quan trọng nhất phải có nguồn nước sạch.
"Gặp nước bẩn, tù đọng ốc sẽ chết hàng loạt", anh Nguyễn Thi, một nông dân chuyên nuôi ốc bươu đen ở xã Tân Thanh (huyện Cái Bè, Tiền Giang) khẳng định.
Nói vậy để thấy, việc ông Hồng nuôi ốc bươu đen thành công trong ao phèn khiến dân nuôi ốc bươu đen ở miền Tây "nổi da gà".
Theo ông Hồng, nuôi ốc bươu đen không khó, thậm chí là dễ. Tuy nhiên, nếu muốn nuôi ốc đặc sản này trong "rốn phèn" phải có "bài" trị con nước chua.
"Bài" này ông tự học từ các mô hình nuôi ốc, qua sách vở. Và quan trọng nhất là kinh nghiệm sống hàng chục năm trong "rốn phèn" của ông.
Theo đó, trước khi thả giống ốc ông Hồng vét sạch mương, rải lân xuống để tạo lớp đáy bảo vệ ốc.
Sau khi rải lân, ông rải thêm lớp vôi và rơm. Bước cuối cùng, ông Hồng rải phân bò khô để tạo màu nước và thức ăn cho ốc con sau này. Khi thấy nước ao chuyển sang màu nước trà thì là lúc thả ốc giống.
"Ở "rốn phèn" khắc nghiệt này muốn làm nông thành công phải có cách đi riêng của mình", ông Hồng thổ lộ.
Không những phải cải tạo mương, nước, theo ông Hồng, muốn nuôi ốc bươu đen đạt trong "rốn phèn" phải mua trứng về tự ấp để thuần ốc với môi trường nước.
Thời điểm đầu để nuôi ốc bươu đen, ông Hồng phải mua 30kg trứng ốc giống với số tiền hơn 20 triệu đồng.
Hiện, ông Hồng tự ương giống ốc bươu đen để nuôi thương phẩm.
Theo đó, ông Hồng dùng những thùng xốp không đáy. Giữa thùng xốp, ông Hồng gắn giá đỡ rồi đặt trứng ốc lên. Để giữ ẩm cho trứng, mỗi ngày 2 lần ông phun sương lên trứng. Với cách làm này, trứng ốc nở đều, tỷ lệ đạt hơn 90%.
Nuôi ốc bươu đen sống khỏe
Sau khi trứng nở, ông Hồng ốc con rơi xuống nước. Sau vài ngày vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần.
"Phải thuần ốc thích nghi nguồn nước phèn ngay khi còn nhỏ mới mong thành công", ông Hồng bộc bạch.
Về nguồn thức ăn cho ốc, ông Hồng tận dụng trái cây, rau củ dạt bỏ tại địa phương nên không tốn nhiều chi phí.
Hôm chúng tôi đến vườn ông Hồng, thấy dưới mương nuôi ốc bươu đen có khá nhiều thùng ương trứng ốc trôi nổi. Cái mương này, trước đây dùng để lấy nước tưới khóm và cây ăn trái.
Khó ai ngờ, dưới cái mương phèn phủ đầy bèo là một gia sản với hàng trăm triệu đồng. Theo ông Hồng, hiện dưới mương có khoảng 8 tấn ốc thịt thương phẩm.
Với giá ốc bươu đen 60.000-65.000 đồng/kg như hiện nay, nếu xuất bán hết số ốc dưới mương, ông Hồng thu về hơn 200 triệu đồng.
Nếu không bán số ốc này, ông Hồng có thể thu về nhiều triệu đồng khác từ nguồn trứng và ốc giống. Hiện, giá trứng ốc bươu đen 900.000-1 triệu đồng/kg.
Ông Trần Minh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ cho biết, mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Hồng đang cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Ngoài làm kinh tế từ mô hình, ông Hồng sẵn lòng hướng dẫn và cung cấp giống ốc nông dân muốn nuôi ốc bươu đen.
Hiện, ốc bươu đen là loại ốc đặc sản ở miền Tây Nam bộ. Do ốc bươu đen tự đi tìm thức ăn, đặc biệt là thức ăn xanh, nên thịt ốc dai và giòn, được người dân ưa chuộng.
Nuôi ốc bươu đen đang trở thành phong trào ở ĐBSCL.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.