Trồng sầu riêng như cây tiền tỷ, ở nơi này của Gia Lai ra ngõ đụng tỷ phú nông dân, cả làng giàu
"Trồng cây tiền tỷ" ở một nơi của Gia Lai, chả cần trèo vẫn bẻ được vô số quả ngon, bán đắt tiền
Thứ hai, ngày 10/07/2023 05:35 AM (GMT+7)
Những ngày này, các nhà vườn trồng sầu riêng trong tỉnh Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch trái sầu riêng. Mặc dù năm nay năng suất sầu riêng giảm nhưng giá sầu riêng mua lại tăng (hiện ở mức 55-70 ngàn đồng/kg) nên nhiều nhà vườn vẫn đảm bảo lợi nhuận khá cao.
Gần 3 tuần qua, gia đình ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thu hơn 850 triệu đồng nhờ bán quả sầu riêng.
Ông Thuận cho biết: Gia đình trồng 4,6 ha sầu riêng giống Thái Lan, trong đó có hơn 2,5 ha đã cho thu hoạch. Năm nay, tình trạng mưa nắng thất thường khiến vườn cây bị sốc nhiệt, trái non rụng nhiều làm năng suất giảm gần một nửa so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá sầu riêng lại cao hơn vụ trước 10-15 ngàn đồng/kg.
“Năm ngoái, tôi tự cắt bán cho thương lái với giá 40-60 ngàn đồng/kg nhưng lượng quả loại 1 không nhiều. Còn năm nay, thương lái đến tận vườn thu mua bao xô với giá 57 ngàn đồng/kg. Hiện thương lái đã cắt xong 2 đợt được 15 tấn quả.
Dự kiến đợt thu cuối được khoảng 5 tấn nữa. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 1 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 gia đình tôi thu nhập tiền tỷ từ cây sầu riêng”-ông Thuận vui vẻ cho hay.
Cũng theo ông Thuận, Nông hội sầu riêng Ia Pếch hiện có 65 thành viên canh tác trên 100 ha. Mặc dù năm nay sầu riêng mất mùa nhưng bán được giá cao nên người dân rất phấn khởi.
Đặc biệt, vườn sầu riêng của các thành viên Nông hội canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng quả thơm ngon, thương lái tìm về mua rất nhiều.
Vườn trồng sầu riêng của thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.S
Vụ sầu riêng năm nay, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cũng rất phấn khởi vì sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Giám đốc HTX Nguyễn Viết Bình thông tin: “Hợp tác xã liên kết với 62 hộ dân canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX có 177,4 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng.
Năm nay, tuy năng suất vườn cây không đạt như năm ngoái do ảnh hưởng bất lợi bởi thời tiết nhưng giá bán lại cao hơn vụ trước 10-15 ngàn đồng/kg giúp người trồng có khoản thu khá.
Cách đây 1 tuần, một số doanh nghiệp đến chào giá 60-62 ngàn đồng/kg để thu mua quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Với giá được các doanh nghiệp đưa ra để chốt hợp đồng đặt cọc thu mua thì năm nay sẽ có một số nhà vườn kiếm tiền tỷ từ cây sầu riêng”.
Trong khi đó, trang trại sầu riêng 70 ha của gia đình ông Hoàng Văn Trọn (làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ đã có một phần diện tích cho thu hoạch vụ năm nay.
Ông Trọn cho biết: “Năm nay, với 20 ha sầu riêng cho thu hoạch, gia đình thu 2 đợt được 70 tấn quả, dự kiến đợt cuối được khoảng 30 tấn nữa. Tôi có xưởng sơ chế và kho đông lạnh bảo quản quả tươi phục vụ xuất khẩu. Trước khi vào vụ thu hoạch, tôi đã ký hợp đồng bán cho đối tác với giá 64-74 ngàn đồng/kg tùy loại.
Mức giá sầu riêng này cao hơn năm ngoái 15-20 ngàn đồng/kg, trong khi sản phẩm được tiêu thụ mạnh nên người trồng sầu riêng chúng tôi rất phấn khởi”.
Từng bước nâng cao chất lượng trái sầu riêng
Huyện Ia Grai có hơn 600 ha sầu riêng, trong đó, gần 450 ha đã cho thu hoạch. Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng NNPTNT huyện-cho biết: Những năm qua, huyện đã hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng tập trung ở các xã: Ia Krai, Ia Tô, Ia Pếch và thị trấn Ia Kha. Hiện nay, sầu riêng của địa phương đã được ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 mã vùng trồng cho gần 30 ha.
Việc này đã giúp sản phẩm sầu riêng của địa phương được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong vụ thu hoạch năm nay với giá cao, đem lại lợi nhuận lớn cho nông dân.
Cũng theo ông Thắm, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Đồng thời, khuyến khích người dân áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, nông nghiệp sạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà tập trung chăm sóc tốt vườn cây hiện có để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh rủi ro khi giá cả thị trường biến động.
Với giá bán như hiện nay, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thu nhập tiền tỷ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 503,4 triệu USD, tăng 475,8 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Huyện Chư Sê có khoảng 300 ha sầu riêng cho thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai): Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sầu riêng. Qua nắm bắt sơ bộ, năng suất sầu riêng giảm so với năm trước.
Để tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm, Phòng hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo theo các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích người dân liên kết, thành lập các tổ hợp tác gắn với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
“Tuy nhiên, đây là loại cây trồng khó tính, không phải ai trồng cũng đạt hiệu quả. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân cẩn trọng khi mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc vườn cây hiện có để nâng cao chất lượng quả sầu riêng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu”-ông Hợp thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 4.200 ha sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện, thành phố khu vực phía Tây. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 2.000 ha, năng suất bình quân 15 tấn quả/ha. Hiện toàn tỉnh đã có 17 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cấp cho cây sầu riêng với tổng diện tích 360,74 ha và con số này sẽ tăng từ nay đến cuối năm.
“Thời gian tới, ngành NNPTNT định hướng người dân giữ vững diện tích sầu riêng hiện có, không nên mở rộng. Đồng thời, khuyến khích người dân tập trung đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây bằng những giống sầu riêng mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Đặc biệt, các địa phương và doanh nghiệp cần sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ phù hợp với thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Gia Lai nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai thông tin thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.