Trồng sầu riêng ở An Giang kiểu gì mà cây thấp tè đã ra trái quá trời, nông dân giàu lên trông thấy?
Trồng cây ra loại quả đặc sản bán đắt tiền, nông dân một huyện của An Giang dễ giàu lên
Thứ bảy, ngày 09/12/2023 18:54 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) mạnh dạn tìm kiếm, thử nghiệm mô hình sản xuất mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có trồng sầu riêng ra trái đặc sản. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng xen kẽ với nhiều loại cây ăn trái khác của anh Phạm Chí Tâm (46 tuổi, ngụ ấp Phú Thuận, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là một điển hình.
Theo anh Tâm, bản thân đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo và những người đi trước, đồng thời mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Vì vậy, mỗi mùa vụ, anh Tâm đều thu hoạch sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng giống như nhiều loại cây trồng khác, giá trị trái sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường.
Sau mỗi vụ mùa thu hoạch, cây sầu riêng cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng để có sức nuôi trái, ngoài ra cần cung cấp và bổ sung cho đất thêm dưỡng chất.
Để tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, anh Tâm sử dụng nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng.
Phạm Chí Tâm, nông dân trồng sầu riêng ấp Phú Thuận, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, (tỉnh An Giang) còn tự học hỏi và nắm vững các quy trình kỹ thuật trồng sầu riêng, phương pháp chăm sóc cây sầu riêng như: Tỉa cành, tỉa bông, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh cây, vệ sinh gốc cây sầu riêng...
Nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó có trồng sầu riêng vươn lên làm giàu.
Mỗi tháng, anh Tâm bón phân sinh học cho cây. Trước khi bón phải xới nhẹ mặt đất để phân hấp thu nhanh vào đất và hạn chế bị rửa trôi, nếu xảy ra mưa lớn kéo dài.
Ngoài việc chăm sóc đúng kỹ thuật, anh Tâm còn lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động; cách làm này vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công, vừa đảm bảo cây ướt đều, với lượng nước vừa đủ.
Thành quả đạt được trong vụ sản xuất đầu tiên trên diện tích 25 công đất, với hơn 100 gốc sầu riêng, đó là thu hoạch gần 8 tấn trái/vụ, giá bán khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg, anh Tâm thu về hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ anh Tâm chuyển đổi cây trồng hiệu quả, gia đình ông Dương Văn Chờ (ngụ xã Tây Phú) cũng thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Đầu năm 2021, ông Chờ quyết định chọn mô hình nuôi heo rừng, với mong muốn tạo ra hướng đi mới cho kinh tế gia đình. Vợ chồng ông Chờ quyết định sửa lại chuồng trại và mua 10 con heo rừng giống về nuôi.
Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, cùng sự hỗ trợ của ngành chức năng, sau gần 10 tháng thả nuôi theo hướng an toàn sinh học, lứa heo rừng đầu tay đã xuất chuồng trong niềm vui của gia đình.
Đến nay, đàn heo rừng của ông Chờ phát triển trên 100 con, cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 80 triệu đồng. Với số tiền thu được từ mô hình nuôi heo rừng, ông Chờ dùng để sửa nhà cửa, mở rộng chuồng trại, cuộc sống gia đình ổn định hơn trước rất nhiều.
Hưởng ứng quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân huyện Thoại Sơn đã thử nghiệm và đưa vào sản xuất - kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.
Điển hình như: Mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường; mô hình sản xuất dưa lê, dưa lưới trong nhà màng; mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao; mô hình tưới tự động có máy đo ẩm độ trên cây ăn trái; mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học; mô hình nuôi heo rừng…
Từ quá trình chuyển đổi, nông dân đã có sự thay đổi lớn về tư duy, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, hướng đến hiệu quả, chất lượng.
Mạnh dạn chuyển đổi đất lúa và cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cam xoàn và cây chanh, nông dân Đinh Phước Hiển (ngụ xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn), đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam 6 năm tuổi, ông Hiển vui mừng cho biết: “Cam xoàn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, giá cả ổn định, tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích 3 công đất lúa sang trồng cam xoàn, kết hợp trồng 3 công chanh.
Do được trồng theo phương pháp bón phân hữu cơ, nên vườn cam dù đã cho nhiều đợt trái nhưng cây xanh tốt, không bị bệnh vàng lá, trái to, ngọt, nhiều nước”.
Để cây phát triển tốt, chất lượng trái bảo đảm, nên chọn cách trồng thưa, quá trình này sẽ giúp cây hứng đủ ánh sáng, tuổi thọ kéo dài đến 10 năm. Khi cây ra trái, nên để số lượng trái phù hợp sức khỏe của cây, bón phân định kỳ hàng tháng, tưới đủ nước hàng ngày. Hai năm đầu, vườn cam của ông Hiển chỉ thu hoạch trái 1 năm/lần.
Kể từ năm thứ 3 trở đi, vườn cam xoàn của ông Hiển ra trái rải vụ quanh năm. Mỗi ngày thu hoạch từ 40 - 50kg trái, với giá bán ổn định 30.000 đồng/kg. Còn vườn chanh, mỗi tháng ông Hiển thu hoạch một lần từ 2 - 2,5 tấn trái, giá bán tùy thời điểm. Thu nhập ổn định từ trồng cam xoàn và chanh đã giúp gia đình ông Hiển ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn Nguyễn Đình Chưởng chia sẻ: “Nhờ ham học hỏi, nhiều nông dân trên địa bàn đã biết chọn lọc và tiếp cận thông tin từ thị trường, từ đó đưa ra những quyết định quan trọng trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện hướng dẫn, hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh thông qua việc tuyên truyền và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng các hình thức hợp tác, xây dựng các mô hình theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, giúp nông dân làm giàu chính đáng.
Đồng thời, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.