Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khi tiếng máy gặt đập liên hợp vang trên cánh đồng lúa chín, người ta rủ nhau đi bắt chuột đồng. Dù phá hoại mùa màng, nhưng chuột đồng là món ngon dân dã được nhiều người ưa thích.
Chuột đồng bị săn bắt quanh năm, bởi tập tính sinh sản nhanh, số lượng đông đảo. Tuy nhiên, thời điểm bắt chuột lý tưởng và hào hứng nhất là vào mỗi vụ thu hoạch lúa.
Những con chuột sau mấy tháng thong dong “ăn, nghỉ tại chỗ” trở nên mập ú. Lúc này, chúng trở thành đối tượng để dân quê tìm bắt, chế biến nhiều món ăn độc đáo.
Ông Trần Văn Khánh (nông dân xã Lê Chánh, TX Tân Châu, tỉnh An Giang), nhớ lại: “Để bắt chuột trong vụ đông ken, người ta chọn cách dí cù. Hồi trước, lúa cắt bằng tay, nên ai nấy mang theo tấm lưới, cái chài, chọn địa điểm căng lên.
Họ cắt lúa vòng vòng, chừa điểm cuối cùng nhắm tới - chính là nơi giăng lưới. Chuột thấy động, dồn về phía đó. Cuối cùng, chúng bị bắt sống khi lùi sát chân lưới”.
Bây giờ, máy gặt đập liên hợp thay sức người, nhưng cách bắt chuột bằng dí cù vẫn không thay đổi lắm.
Đám con nít, dân làm công mùa vụ cứ háo hức chờ đợi khoảnh khắc mấy con chuột vùng chạy ra khỏi cù để chộp lấy.
Dí cù bắt chuột đồng ở miền Tây.
“Với dân đi ruộng, thịt chuột là món ngon khó cưỡng. Mùa lúa tới, ai cũng nhớ món ăn này. Đang dí cù, chộp dính con nào là bắt con đó để chế biến ngay trên đồng.
Ngoài ra, người ta còn đặt bẫy hay đi soi hang để bắt chuột đồng. Rồi họ đem về nhà chế biến đủ món: Chiên, nướng, khìa... Mấy nhà hàng còn đem chuột đồng quay lu để bán cho khách nữa” - ông Khánh cho biết.
Thịt chuột đồng dù ngon, nhưng không phải ai cũng ăn được.
Muốn không “bựa miệng”, người ta phải biết chính xác đó là chuột đồng; công đoạn chế biến phải hợp vệ sinh.
Ở những cánh đồng còn ngập nước trong mùa lũ, thi thoảng vẫn xuất hiện người mang chĩa đi bắt chuột, dùng ná bắn.
Ngoài ra, ở cánh đồng giáp biên còn có hẳn đội ngũ chuyên đi bẫy chuột đồng, cung cấp cho nơi có nhu cầu, tiêu biểu là “làng chuột”, chợ chuột Phù Dật (xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).
Đặc sản ruộng đồng trở thành món ngon đồng quê ở An Giang dù cho là ở phố thị hay xóm ấp.
Ra ruộng trong buổi xế tà cũng là lúc tiếng máy gặt đập liên hợp ngơi dần. Những con chuột dí cù được làm sạch.
Người ta dùng nhánh cây kẹp gần chục con thành hàng dài. Dân quê gọi đây là nướng kiểu “bít bọng”. Lửa nhóm lên, phản chiếu gương mặt còn nhễ nhại mồ hôi. Mọi người gọi nhau í ới để “bắt mâm”. Sau một ngày lao động vất vả, đây là lúc dân quê tìm thú tiêu dao cho cuộc sống ruộng đồng.
Lửa được nhóm bằng thân cây điên điển khô, than đượm nhanh. Những vỉ chuột được xếp lên. Mấy giọt mỡ bắt đầu chảy xuống, đánh xèo xèo trong lửa than rực hồng.
Mâm cơm đồng quê buổi xế chiều ngoài những món mang theo, có thêm thịt chuột đồng nướng. Thức chấm thịt chuột đồng cũng giản đơn, chỉ là nước mắm trong hay muối ớt có vắt thêm chanh (tắc). Tiếng cười nói của dân lao động râm ran trong mùi hăng hăng của gốc rạ cuối mùa.
Một anh bạn gắp cho tôi con chuột đồng vừa chín vàng ươm, miệng khề khà: “Chuột đồng nướng mọi phải dứt nguyên con mới ngon!”.
Tôi xé miếng thịt chuột đồng, chấm vào chén nước mắm trong rồi cho vào miệng. Vị ngọt của ruộng đồng, vị mặn dân dã của nước mắm hòa quyện vào nhau. Quả thật, thịt chuột đồng ngon đáo để!
Như nông dân nói, cứ cầm tay xé từng miếng thịt chuột mới “thiệt là ngon”. Trời càng tối, tiếng cười nói càng bỗ bã, những vỉ thịt chuột vơi dần. Do số lượng chuột bắt được khá nhiều, nên bạn bè cứ hối tôi ăn thoải mái…
Bây giờ, ít có dịp ra thăm đồng ruộng, tôi vẫn được những người bạn quê An Phú mang thịt chuột đồng xuống làm quà.
Chuột đồng được ướp sả, chiên lên thơm phức, bắt đầu câu chuyện phiếm của cánh đàn ông. Khá nhiều quán ăn ở thành thị nắm bắt nhu cầu, đặt hàng mối giao chuột ở chợ chuột Phù Dật, huyện An Phú, Tri Tôn để phục vụ thực khách.
Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ cảm giác tiêu dao bên vỉ chuột đồng nướng “bít bọng”, trong ánh lửa chập chờn giữa cánh đồng còn thơm mùi rơm rạ. Dường như, sinh ra ở đồng, nên thịt chuột gắn với cái chất tiêu dao của ruộng đồng cũng nên!
Có thể, thịt chuột đồng không phải là món ăn phù hợp với nhiều người, nhưng chúng lại chứa đựng vị ngon độc đáo của miền Tây dân dã. Những ai đã từng nếm thử sẽ thấy thịt chuột đồng có sức hút riêng, xứng đáng là một phần trong văn hóa ẩm thực của vùng đất phù sa châu thổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.