Ở Hà Tĩnh, vợ cầm bằng Đại học Nông nghiệp, chồng Đại học Bách khoa về nuôi con đặc sản nghe tên mà bất ngờ

Nguyễn Thị Lý (TTKN/Cổng TTĐT Sở NNPTNT Hà Tĩnh) Thứ hai, ngày 11/12/2023 12:53 PM (GMT+7)
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống, chị Lê Thị Thơ SN 1995, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư HT trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Em ở Lộc Hà nên duyên cùng chồng, cả hai cùng lớn lên ở vùng biển ngang, vị mặn mòi của biển cả...
Bình luận 0

Đằng sau những sản phẩm có giá trị kinh tế mang tính đặc trưng truyền thống. Giá trị thương mại sản phẩm ấy được vun đắp bởi sự đam mê, niềm tin của vợ chồng Thơ Hiệp. 

Vợ là sinh viên Học viện Nông nghiệp, chồng là Kỹ sư Đại học Bách Khoa, tốt nghiệp ra trường yêu cưới và bén duyên với nghề nuôi cà cuống lúc nào không hay.

Cú tạt ngang của cặp vợ chồng trẻ tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Đại học Bách khoa khiến ai nấy ngỡ ngàng bởi cách làm giàu độc lạ mang lại nguồn thu khủng mỗi năm.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống, chị Lê Thị Thơ SN 1995, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư HT trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Em ở Lộc Hà nên duyên cùng chồng, cả hai cùng lớn lên ở vùng biển ngang, vị mặn mòi của biển cả, vị thơm nồng của ruốc, của mắm từ lâu đã trở thành niềm thương ăn sâu trong tiềm thức. 

Do đó khi kết duyên cùng nhau, giữa rất nhiều ngả rẽ nhưng vợ chồng tôi đã quyết cùng nhau khởi nghiệp ở quê nhà với nghề nuôi cà cuống. 

Với lợi thế gia đình làm nước mắm truyền thống những con cà cuống được vợ chồng nuôi trưởng thành sẽ được vợ chồng sản xuất ra loại nước mắm cà cuống nguyên chất thơm ngon đặc biệt của vùng cửa biển”.

Ở Hà Tĩnh, vợ cầm bằng Đại học Nông nghiệp, chồng Đại học Bách khoa về nuôi con đặc sản nghe tên mà bất ngờ - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cà cuống-nuôi con đặc sản của vợ chồng chị Thơ-anh Hiệp, xã xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống chị Thơ mạnh dạn chia sẻ: Lúc nhỏ tôi cùng chúng bạn thường ra đồng bắt được rất nhiều cà cuống, những con cà cuống béo mẫm nướng lên thơm phức, béo ngậy đã trở thành món ngon tuổi thơ của rất nhiều người. 

Tuy nhiên do môi trường thay đổi, đồng ruộng nhiều nơi bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên lâu nay những con cà cuống tự nhiên dần vắng bóng. 

Với mong muốn tạo được dấu ấn riêng và tăng thêm giá trị kinh tế cho nghề làm nước mắm truyền thống. Sau những đêm trằn trọc không ngủ và bao lần nuôi thử nghiệm thất bại. Ở lần nuôi thứ 4 cả 2 vợ chồng chị Thơ, anh Hiệp đã vỡ oà trong hạnh phúc khi những mẻ cà cuống được nuôi thành công.

Anh Phan Văn Hiệp chia sẻ: Cà cuống chế biến được rất nhiều món ngon thịt cà cuống dai ngon là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá, đặc biệt tinh dầu cà cuống là một trong những loại tinh dầu quý hiếm mà khó có một loại tinh dầu nào có thể thay thế được.

Nuôi cà cuống tuy khó mà lại rất dễ, nó là loại chuyên săn mồi do đó thức ăn của nó rất đa dạng là những loài thuỷ sinh như tôm cá, dế…tất cả đều phải tươi sống và sạch, khi thả vào cà cuống sẽ hút hết máu và chất dinh dưỡng của con mồi. 

Người nuôi có thể tận dụng để vớt bã xác của con mồi để cho gà, vịt ăn. Loài này cũng vô cùng nhạy cảm với hoá chất, do đó môi trường nuôi hầu như phải kín, muốn cà cuống phát triển hiệu quả người nuôi cần phải loại bỏ được hết các loại hoá chất độc hại. 

Tuyệt đối không để bị nhiễm trong không khí hay quanh khu vực nuôi, chỉ cần sơ sẩy một chút là cà cuống có thể chết toàn bộ.

Bắt đầu nuôi từ tháng 8 năm 2022 đến đầu năm 2023, chị Thơ đã bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực; giá thành cao, vượt ngoài mong đợi, với 1 ổ trứng cà cuống có giá bán từ 150 - 200 nghìn đồng; 1 con cà cuống thương phẩm có giá từ 40-60 nghìn đồng và 200-250 nghìn đồng/cặp cà cuống giống...

Những con cà cuống đực trưởng thành sẽ được dùng để làm nước mắm, vì mỗi con cà cuống đực sẽ có 1 bọng tinh dầu, do đó để tạo được hương vị độc đáo, riêng biệt và vô cùng dinh dưỡng của món nước mắm cà cuống. 

Những con cà cuống đực sau khi chọn lựa kỹ sẽ được làm sạch, loại bỏ phần ruột và hấp lên và bỏ vào chai 500ml nước mắm nguyên chất theo tỉ lệ 1 con/1 chai. Những chai nước mắm nguyên chất được các mối lớn ở Sài Gòn, Hà Nội, Bắc Giang…tìm đến để thu mua, sản xuất đến đâu hết đến đấy. Mỗi chai được bán với giá 200 -250 nghìn đồng, 400-500 nghìn đồng/lít.

Bên cạnh sản xuất nước mắm cà cuống, vợ chồng chị Thơ, anh Hiệp cũng đẩy mạnh thị trường bán cà cuống giống và cà cuống thương phẩm cho người dân nhiều tỉnh thành khác nhau như Nghệ An, Hưng Yên, Quảng Nam...

Theo chị Thơ, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ trứng quanh năm. Mỗi tháng có thể sinh sản 1 đến 2 lần, tỷ lệ nở con thành công đạt gần 100%. Từ khi nở đến khi xuất bán cà cuống thương phẩm chỉ mất khoảng 30 - 40 ngày, còn nuôi để sinh sản mất khoảng 1 năm. 

Hiện nay, cơ sở của chị Thơ có diện tích 400m2, với 200 cặp giống, hàng trăm ổ trứng, hàng nghìn con cà cuống con và cà cuống thương phẩm, tổng doanh thu từ việc bán nước mắm, con giống và cà cuống thương phẩm của doanh nghiệp chị Thơ làm chủ là khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 7 lao động chính và thời vụ với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Chị Thơ cho biết: “Cà cuống là loài côn trùng dưới nước, đặc biệt rất thích hợp với thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ tìm như các loài cá nhỏ, ếch nhái còn sống. 

Chỉ cần để ý tránh xa các loại thuốc trừ sâu và nguồn nước không bị ô nhiễm, điều chỉnh lượng chức ăn theo chu kỳ sinh trưởng là cà cuống có thể phát triển nhanh chóng."

Với tiềm năng và lợi thế về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, trong thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục xây dựng mở rộng diện tích trang trại và khu chế biến nước mắn cà cuống của gia đình.

Có như vậy mới ổn định được nguồn cung, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem