Trồng thứ cây ví như "thần dược" màu vàng trong phòng lạnh công nghệ cao, 8X Ninh Bình bán đắt hàng
Trai phố 8X ở Ninh Bình trồng đông trùng hạ thảo Trường Sinh hướng đến sao OCOP
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 01/09/2022 06:09 AM (GMT+7)
Nhắc đến mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của anh Hoàng Trung Đoàn (sinh năm 1984, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình), rất nhiều người biết đến. Chàng trai 8X này đã tự nghiên cứu, học hỏi để sản xuất thành công sản phẩm “đông trùng hạ thảo khô Trường Sinh”, đây là sản phẩm hướng tới gắn "sao” OCOP.
Từng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại xứ Kim Chi
Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm với ấu trùng của một loài côn trùng vào mùa đông, nấm ký sinh vào sâu non, ăn hết chất dinh dưỡng và làm chết sâu non.
Đến mùa hạ, nấm bắt đầu mọc lên, và trồi lên mặt đất. Chính vì mùa đông là trùng, mùa hạ là thảo nên được gọi đông trùng hạ thảo.
Clip: Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình)
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Hoàng Trung Đoàn (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: "Tôi đã có nhiều năm làm việc tại xứ Kim Chi (Hàn Quốc) nên đã tiếp xúc, học hỏi trực tiếp với quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại đây".
"Tháng 3/2021, tôi về Việt Nam, thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát, tôi xin đi làm cho các công ty nhưng không thấy phù hợp. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định khởi nghiệp trực tiếp tại quê hương với hướng phát triển là sản xuất nấm đông trùng hạ thảo", anh Đoàn tâm sự.
Anh Đoàn kể tiếp: "Lúc đầu khởi nghiệp trong gia đình cũng có nhiều ý kiến trái chiều, có người cho rằng ở khu vực này lâu nay không thấy ai sản xuất đông trùng hạ thảo, liệu sản xuất có bán được không, đông trùng hạ thảo là loại gì…?.
Anh Đoàn nói, sau khi tôi giải thích để mọi người hiểu, ủng hộ và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tôi đã trực tiếp đi tham quan thêm các mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Ngoài ra, còn tìm hiểu nấm đông trùng hạ thảo qua sách, báo…
Quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo
Anh Hoàng Trung Đoàn chia sẻ quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh thành công như sau: Trước tiên phân lập giữ giống F0 (từ 3-8 tuần), tiếp đến từ F0 nhân thành F1 (3-5 tuần), sau đó cấy giống F1 sang giống lỏng.
Đồng thời, chuẩn bị làm hợp chất phôi giống gồm: Gạo lứt, nhộng tằm, nước dừa, khoai tây…tất cả đem phối trội rồi đưa vào hấp tiệt trùng ở nhiệt độ khoảng 121 độ C trong thời gian khoảng 30 phút.
Tiếp theo đem vào phòng lạnh vô khuẩn ở nhiệt độ 18-20 độ C. Khi giống lỏng sau 5-7 ngày đem cấy vào cơ chất đã được chuẩn bị sẵn. Bước kế tiếp đưa vào phòng lạnh vô khuẩn ủ tối với nhiệt độ 18-20 độ C, độ ẩm 70%, thời gian từ 5-10 ngày xuất hiện tơ ăn kín bề mặt hộp cơ chất.
Giai đoạn kích sáng tạo quả thể, thì nên chọn những hộp tơ màu trắng ăn kín bề mặt hộp cơ chất vào phòng kích sáng nhiệt độ phòng từ 18-20 độ C, cường độ ánh sáng 900-1.000 Lux, thời gian chiếu 12 giờ, độ ẩm phòng từ 80-85%, sợi tơ chuyển sang màu vàng cam.
Cũng tại giai đoạn nuôi quả thể, sau 5-10 ngày quả thể xuất hiện, thì tiến hành giảm cường độ ánh sáng 700-800 Lux, độ ẩm tăng lên 85-90%.
Cuối cùng giai đoạn thu hoạch sau khoảng 30-45 ngày, khi sợi nấm dài khoảng 5-7 cm, trên đầu xuất hiện hình tròn, có màu sẫm hơn so với sợi thì tiến hành thu hoạch.
Lưu ý, cắt phần sợi riêng đem đi sấy khô, hoặc dùng tươi như: Ngâm rượu, hầm gà, nấu cháo…Thời gian thu hoạch trong vòng 5-7 ngày, để lâu sẽ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng.
Anh Hoàng Trung Đoàn bật mí: "Có những cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo họ không tự phân lập để giữ giống nên không chủ động được nguồn giống trong sản xuất. Qua đó, khâu phân lập giữ giống đòi hỏi ngoài sự chuẩn bị về trang thiết bị chuyên ngành vi sinh ra còn phải có kiến thức lẫn kinh nghiệm trong thực hành".
"Đối với cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh thì làm được tất cả các khâu, vì thế tôi luôn chủ động được con giống tốt nhất để phục vụ trong sản xuất", anh Đoàn khẳng định.
Được biết, thời điểm anh Đoàn xây dựng cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh đúng lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, quá trình thi công luôn bị dán đoạn, giá vật liệu xây dựng cũng tăng cao…
Qua đó, anh Đoàn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng, với diện tích 80m2 và các thiết bị kỹ thuật cho việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo như: Máy lắc, điều hòa, giá nuôi…
Hướng đến gắn "sao" OCOP
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, tuy cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh quy mô nhỏ, nhưng được anh Đoàn sắp xếp có khoa học, khu vực sản xuất sạch sẽ…
Anh Hoàng Trung Đoàn trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, hiện cơ sở luôn duy trì khoảng 5.000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi. Giá bán tươi trọng lượng 180g giao động từ 120.000-150.000 đồng/hộp, giá khô khoảng 200.000 đồng/hộp (10g).
Ngoài ra, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo hộ anh Đoàn còn tạo thêm công việc thời vụ cho một số lao động địa phương với mức chi trả 200.000-250.000 đồng/người.
Anh Hoàng Trung Đoàn chia sẻ thêm: "Hiện cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh đang bán các sản phẩm tươi, khô ra thị trường. Hướng tới tôi sẽ mở rộng thêm cơ sở, làm hồ sơ để công nhận sản phẩm "đông trùng hạ thảo khô Trường Sinh" là sản phẩm OCOP".
Qua tìm hiểu của phóng viên, đông trùng hạ thảo có chứa thành phần protein, axit trùng thảo, đồng, kẽm, sắt, mangan, cordycepin, canxi, trace elements, 18 loại axit amin vô cùng dồi dào. Nhờ đó, đông dược này có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, ngăn ngừa lão hóa và điều trị rất nhiều căn bệnh của con người...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.