Loại cây "nồi đồng cối đá" ra "rau non" liên tù tì, vợ chồng nông dân Bình Thuận thu tiền quanh năm

Bùi Phụ - Ngọc Quý Thứ ba, ngày 22/10/2024 18:50 PM (GMT+7)
Trong chuyến công tác về huyện miền núi Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), chúng tôi nghe bà con nông dân bàn nhiều về mô hình trồng tre tứ quý bán măng, bán cây tre giống của vợ chồng nông dân Lê Thị Thu./
Bình luận 0

Tre xanh cho măng quanh năm

Đó là mô hình trồng tre tứ quý lấy măng bán làm thực phẩm của gia đình chị Lê Thị Thu thôn 6, xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh(Bình Thuận)

Trồng tre tứ quý lấy măng, đôi vợ chồng nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận yên tâm thu tiền - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Lê Thị Thu bên vườn tre tứ quý. Ảnh: Bùi Phụ

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tre tứ quý hơn 5 năm tuổi đang xanh mượt, chị Lê Thị Thu cho biết, trước đây mảnh đất này gia đình chị trồng lúa 2 vụ nhưng chất lượng thấp, thu nhập không ổn định.

Trong một lần đi tham quan tỉnh bạn và thấy trên mạng có thông tin về mô hình trồng tre tứ quý lấy măng hiệu quả nên gia đình chị Thu chuyển hướng…

Theo lời chị Thu, việc trồng tứ quý có những tín hiệu rất lạc quan, bởi công chăm sóc tre tứ quý rất này ít, thu hoạch quanh năm, không kén đất, dễ trồng trên vùng đất bạc màu. Đặc biệt là vùng đất Tánh Linh lâu nay nổi tiếng với món măng rừng nên khi trồng tre tứ quý đã phát triển rất tốt…

Theo ghi nhận của Dân Việt, vườn tre tứ quý lấy măng của gia đình chị Thu được trồng theo hàng thẳng tắp. Dưới mỗi gốc tre là những búp măng xanh, đang đâm chồi lên khỏi mặt đất đợi ngày cắt bán.

Theo lời vợ chồng chị Thu, ban đầu giá đình trồng khoảng 600 gốc tre tứ quý trên diện tích 1 ha.

"Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm trong kỹ thuật chăm sóc, nên có những cây bị chết làm thiệt hại tiền mua giống nhưng sau đó nhờ các kỹ sư Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ Bình Thuận tư vấn nên mọi việc được thuận tiện rất nhiều…", chị Thu chia sẻ.

Trồng tre tứ quý lấy măng, đôi vợ chồng nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận yên tâm thu tiền - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Thu bên vườn tre tứ quý. Ảnh: Bùi Phụ

Chế biến nhiều món ngon từ măng

Chồng chị Thu anh Trần Đăng Thăng cho biết, giống mua ban đầu ở tại ở Vũng Tàu giá mỗi cây tre là 35.000 đồng. Cộng thêm chi phí vận chuyển, thì giá thành khoảng 45.000 đồng/cây.

Theo anh Thăng, trồng tre tứ quý lấy măng phải làm đúng kỹ thuật theo các chuyên gia hướng dẫn. Tre sẽ cho mỗi búp măng nặng từ 2kg trở lên, giá nghịch vụ (vào mùa khô) khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg. Ngoài thu hoạch búp măng ở gốc, gia đình chị Thu có thể thu măng vòi, bán với giá cao hơn măng búp. Măng vòi là từ các mắt của thân cây tre non nứt ra những búp măng vòi, có vị ngọt, giòn. Nếu không thu hoạch, măng vòi trưởng thành sẽ tạo ra nhánh tre.

Theo nhận định của những chuyên gia ẩm thực, măng từ tre tứ quý có vị giòn, ngọt, không bị đắng như các loại măng khác, chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, măng chua…

Trồng tre tứ quý lấy măng, đôi vợ chồng nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận yên tâm thu tiền - Ảnh 3.

Những mụt măng mới... Ảnh: PV

Cũng theo chị Thu, hiện nay, gia đình đã mở rộng diện tích trồng tre lấy măng, thêm 5 sào cho phần đất còn lại nên vào mùa nắng thu nhập từ măng mỗi ngày trung bình hơn 2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Và măng làm ra vẫn không đủ bán cho thị trường và người tiêu dùng…

Theo chị Thu măng tre tứ quý vào mùa nắng sẽ được giá. Nắm bắt được việc này, gia đình chị đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước. Nhờ hệ thống này mà gốc tre luôn mát, đủ ẩm, cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi, búp măng sẽ to. Đồng thời, tạo ra sản phẩm của măng như măng khô, măng tươi hút chân không, măng muối chua để phục vụ người tiêu dùng.

Để giúp người dân tại địa phương có giống tre, gia đình chị Thu đã dùng phương pháp nhân giống bằng cách chiết cành tre bán giống giá ưu đãi cho người dân trên địa bàn.

Nhờ trồng trồng tre tứ quý lấy măng bán, gia đình chị Thu đã có mức thu nhập ổn định, có đủ tiền nuôi 2 đứa con đang đi học ở TP.HCM. Đồng thời, gia đình chị cũng sửa sang là nhà cửa khang trang hơn trước rất nhiều…

Hiện tại măng khô ra thị trường trong và ngoài tỉnh Bình Thuận với giá bán măng tươi từ 25.000 – 35.000 đ/kg, măng khô từ 250.000 đ/kg đến 300.000 đ/kg. Đồng thời cung cấp lượng cây giống khoảng 5.000 cây ra thị trường với giá 30.000 – 35.000đ/cây giống.

Đến thời điểm hiện nay, gia đình chị Lê Thị Thu đã nhân rộng quy mô từ 2.000 m2 lên 8.600 m2 và một số hộ dân lân cận cũng đã nhân rộng mô hình với tổng quy mô khoảng 20.000 m2.

Trồng tre tứ quý lấy măng, đôi vợ chồng nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận yên tâm thu tiền - Ảnh 4.

Măng tươi vừa thu hoạch... Ảnh:PV

Mô hình độc đáo, cần nhân rộng

Trao đổi với Dân Việt, Thạc sĩ Nguyễn Minh Đông hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ Bình Thuận, mô hình trồng tre tứ quý lấy măng kết hợp tưới tiết kiệm nước của gia đình chị Lê Thị Thu ở xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, là đề tài nghiên cứu khoa học cấp cở sở, có hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt giống tre tứ quý là giống mới, dễ chăm sóc, năng suất, chất lượng cao, thu hoạch quanh năm. Mô hình trồng tre tứ quý lấy măng hiện nay đang được nhiều nơi trên cả nước tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mang lại hiệu quả tích cực.

Theo Thạc sỹ Đông, cây tre tứ quý dễ chăm sóc, thích nghi tốt với nhiều loại đất, đặc biệt các loại đất bạc màu không canh tác được các cây trồng khác. Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần bón phân mỗi năm 2 lần. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Mô hình này góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn huyện Tánh Linh nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tạo thành mô hình điểm cho người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình. Mô hình trồng tre lấy măng đang mở ra một hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Đông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có một số mô hình trồng tre tứ quý lấy măng, tuy nhiên người dân chủ yếu trồng theo kiểu tự phát, chưa áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp, sử dụng giống chất lượng kém nên nhiều mô hình năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trồng tre tứ quý lấy măng, đôi vợ chồng nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận yên tâm thu tiền - Ảnh 5.

Để giúp người dân tại địa phương có giống tre, gia đình chị Thu đã dùng phương pháp nhân giống bằng cách chiết cành tre bán giống giá ưu đãi cho người dân trên địa bàn. Ảnh: PV

Trước đây đa phần các mô hình trồng tre lấy măng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chủ yếu trồng 2 giống tre chính là giống mạnh tông và giống bát độ, mặc dù kích thước măng lớn, nhưng do chủ yếu thu hoạch vào mùa mưa nên năng suất chỉ đạt khoảng 10 tấn/ha và giá trị kinh tế không cao do phải cạnh tranh với măng rừng.

Chính vì vậy, giống tre tứ quý có ưu điểm vượt trội do thu hoạch quanh năm, măng đặc ruột nên chất lượng măng tốt và năng suất vượt trội, năng suất bình quân từ năm thứ 4 trở đi đạt khoảng 60 tấn/năm (năng suất gấp 6 lần so với các giống tre trước đây trồng tại địa phương).

"Đơn vị cũng đã khảo sát, lựa chọn giống từ đơn vị có uy tín cung cấp giống cho hộ dân. Đây là giống tre mới, dễ trồng, thích nghi tốt với nhiều loại đất, cho thu hoạch măng quanh năm, năng suất cao, chất lượng cao, măng ngọt, vị ngon, sản phẩm qua chế biến có màu vàng bắt mắt, nên rất được ưa chuộng. Sau khi thực hiện thành công mô hình, đơn vị chủ trì cũng đã hướng dẫn hộ dân kỹ thuật sản xuất giống để cung cấp cho người dân có nhu cầu nhân rộng mô hình trong và ngoài tỉnh Bình Thuận. Đây là quy trình mới được áp dụng chính thức đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận …", Thạc sĩ Nguyễn Minh Đông chia sẻ.

Hiệu quả kinh tế từ trồng tre tứ quý

Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ Bình Thuận, trồng tre tứ quý lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bón phân mỗi năm 2 lần.

Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cây cho măng quanh năm, chất lượng măng cao hơn các loại măng khác.

Bình quân năm thứ hai mỗi gốc tre cho sản lượng khoảng 30 – 40kg măng, năm thứ ba mỗi gốc cho sản lượng khoảng 60 – 80 kg, năm thứ tư tre sẽ cho thu hoạch ổn định, dự kiến mỗi gốc cho sản lượng từ 100 – 120 kg măng/năm.

Trong mô hình 2.000 m2 (100 cây) sản lượng măng ước tính năm thứ 2: 4 tấn/năm, năm thứ 3: 8 tấn/năm, năm thứ 4 trở đi: 12 tấn/năm. Giá bán lấy giá thấp nhất trong 2 năm gần đây là 15.000 đ/kg (măng chưa lột vỏ).

Trồng tre tứ quý lấy măng, đôi vợ chồng nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận yên tâm thu tiền - Ảnh 6.

Măng sau khi lột vỏ... Ảnh: PV

Góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện đất đai không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp như đất dốc, nghèo dinh dưỡng.

Hình thành vùng sản xuất tre năng suất cao, qua đó thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, canh tác nông nghiệp không bền vững, theo mùa của người dân.

Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ giữ nước của đất, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế tác động của gió bão.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem