Trục lợi tâm linh nhìn từ vụ chùa Ba Vàng

P.V Thứ tư, ngày 27/03/2019 09:19 AM (GMT+7)
3 khách mời: TS Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, PGS.TS Trịnh Hòa Bình và nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về việc “Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?” trong cuộc giao lưu trực tuyến do Báo NTNN/báo điện tử Dân Việt tổ chức.
Bình luận 0

Từ vụ việc tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), vào 9h sáng nay, 27.3, báo NTNN/báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?”. Trân trọng kính mời quý vị độc giả cùng theo dõi và đặt câu hỏi cho các vị khách mời.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Thời gian gần đây, vụ việc chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) truyền bá vong báo oán, tổ chức thỉnh vong oan gia trái chủ, giải nghiệp... đã khiến dư luận xôn xao.

Câu hỏi đặt ra là liệu những hoạt động này có đúng với giáo lý nhà Phật hay là hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng niềm tin của dân chúng để trục lợi, kinh doanh tâm linh? Vì sao lại có nhiều người lại mê muội đến vậy?

Qua buổi giao lưu trực tuyến “Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?” tổ chức lúc 9h sáng hôm nay 27.3, báo điện tử Dân Việt cùng quý vị độc giả và các vị khách mời lần lượt giải đáp các vấn đề này.

Khách mời tham gia chương trình gồm: TS Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam và Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 2

Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt (thứ 2 phải sang) tặng hoa các khách mời.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Chiều qua, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề xuất đình chỉ tất cả chức vụ trong giáo hội với đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng. Các vị khách mời đánh giá thế nào về quyết định này? (bạn đọc Hoài An)

TS Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Với thông tin tôi theo dõi ở chùa Ba Vàng đến giờ và kết luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm qua, tôi cho rằng trước mắt đây là biện pháp cần thiết khi chưa xác định được trách nhiệm, quyền hạn và những hệ lụy của chùa Ba Vàng thông qua tổ chức thực hành tôn giáo gây ra nhiều hậu quả không tốt.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Căn cứ vào quyết định của Hội đồng GHPG Việt Nam phía Bắc, tôi thấy rất vui việc chúng sinh, phật tử đều hoan hỉ và vui mừng. Bởi tôn giáo và tín ngưỡng là vấn đề không phải chỉ riêng Đảng và Nhà nước ta có chính sách tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng, mà đó là vấn đề nhân tri tri thức của con người ở xã hội tiến bộ trước hiện tượng như ở chùa Ba Vàng.

Khi Giáo hội Phật giáo có quyết định như trên thì tôi cho là hợp với chúng sinh và phật tử. Khi mà phật tử và chúng sinh đang không hiểu và bức xúc. Đây là việc hợp với lòng dân, hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta. Phật pháp có đề cao nhân quả, bản thân thầy Minh gieo nhân nào thì gặp quả đó, chùa Ba Vàng gieo cái gì gặt cái đó. Giáo hội Phật giáo đã đưa ra quyết định hợp lòng chúng sinh và phật tử, làm sáng láng tinh thần.Tôi ủng hộ quan điểm xử lý của Giáo hội Phật giáo.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng, đây là một quyết định khá kịp thời. Tôi nói khá kịp thời vì sao?. Bởi xung quanh chùa Ba Vàng cũng như nhiều cơ sở tôn giáo khác, việc cúng vong giải hạn, thu tiền đã kéo dài chứ không phải mới đây.

Sự kiện chùa Ba Vàng lần này chỉ như giọt nước là tràn ly, và quyết định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với một cơ sở của mình, tôi cho là cần thiết. Bởi nếu không có đơn thư, khiếu kiện, thì không biết bao giờ những sự việc này mới chấm dứt.

Xét về góc độ xã hội, những việc này ăn sâu vào đời sống tâm linh của người Việt Nam hiện đại. Nếu không ngăn chặn, dòng người Việt sẽ đổ về “cứ điểm” này ngày càng nhiều. Tôi tin mọi chuyện chắc chắn sẽ không dừng ở đây, bởi nói như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, loại trừ những hành vi này sẽ góp phần làm “sáng láng Phật pháp”. Những điều mà họ đang làm đi ngược lại tất cả giáo lý của nhà Phật.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Thưa bà, theo nghiên cứu khoa học thì có vong, hồn, oan gia trái chủ hay không? (bạn đọc Minh Hoàng)

TS Nguyễn Ngọc Mai: Theo quan niệm vạn vật hữu linh – vạn vật đều có linh hồn tồn tại trong quan niệm dân gian. Con người ngoài cơ thể vật chất còn có hồn và vía (nam ba hồn 7 vía, nữ ba hồn 9 vía). 3 hồn là tinh – khí – thần ( trong đó tinh liên quan đến sự tinh anh, thông tuệ trong con người; khí là sinh khí; thần liên quan đến thần thái của con người).

Khi chết đi linh hồn thoát khỏi thể xác, tức là khi con người mất đi thì những phần hồn này sẽ thoát ra đi về miền nào đó và tùy theo quan niệm của mỗi dân tộc mà miền đó được gọi bằng những khái niệm khác nhau: Với người Mường hay người Thái, họ quan niệm là linh hồn sẽ về với tổ tiên ông bà của mình (gọi là mường ma). Dân tộc Mông cũng quan niệm linh hồn về cõi của tổ tiên, vì vậy khi chết họ sẽ mặc bộ quần áo của người dân tộc mình, vì cho rằng nếu không mặc thì ông bà tổ tiên sẽ không nhận ra...

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 6

TS Nguyễn Ngọc Mai

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

TS Nguyễn Ngọc Mai: Quan niệm oan gia trái chủ thì tôi mới nghe gần đây ở chùa Ba Vàng. Còn người Việt xưa kia chỉ có quan niệm khi chết đi thì linh hồn sẽ đầu thai qua kiếp khác,.Thậm chí trong tín ngưỡng dân gian còn cho rằng linh hồn sẽ phải trải qua 9 kiếp 10 đời, trong các kiếp khác nhau đó linh hồn trú ngụ ở các loài vật khác nhau rồi đầu thai lại vào con người. Tức là theo một vòng tròn, từ quan niệm này mà còn tồn tại tục lệ khi sát sinh một con vật nào đó thường nói “ hóa kiếp cho mày”.

Quan niệm của Phật giáo cũng cho rằng khi chết đi linh hồn sẽ đi về các cảnh giới khác nhau và cũng cho rằng nếu ở kiếp sống này người ta làm gì thì khi chết đi linh hồn người đó sẽ bị rơi vào cảnh giới như vậy, tức là linh hồn đó sẽ phải chứng kiến hay chịu những việc tương tự như thế mà không làm gì được. Ví dụ như sống tham lam, độc ác thì khi chết đi linh hồn cũng bị đày vào cảnh giới đó hoặc chứng kiến cảnh đó. Nhưng thực sự cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được là có các cảnh giới đó hay không. 

Phương Tây từ thế kỷ XIIX cũng đã có nhiều nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh. Tuy nhiên cho đến nay duy vật và duy tâm tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Nói chung mọi tín ngưỡng hay các nền văn hóa khác nhau đều có điểm chung là quan niệm con người khi chết đi không phải là hết. Nhưng linh hồn có quay trở lại, tác động vào người còn sống, báo hại hay phù hộ hay không thì tùy thuộc vào nhận thức của các cá nhân hay các nhóm xã hội khác nhau mà có tâm thức này.

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam và trong niềm tin tôn giáo của người Việt Nam luôn tin rằng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho mình. Còn quan niệm oan gia trái chủ, vong quay về hành hạ, đòi tiền đòi cúng nọ kia thì lần đầu tôi được nghe ở chùa Ba Vàng. Tôi cũng được chứng kiến nhiều buổi áp vong tập thể thì có  thấy hiện tượng có một số người (khi được cho biết là vong về ốp/ nhập vào) thì ở trạng thái tâm lý khác thường.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Thưa tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, theo ông, liệu có phải chúng ta đang khủng hoảng niềm tin nên mới tìm cách thỉnh oan gia trái chủ. Bởi những người tới chùa Ba Vàng có cả những người có học thức rất cao như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ? (bạn đọc Kim Oanh)

TS Trịnh Hòa Bình: Đây là vấn đề hết sức lý thú. Như nhà nghiên cứu tôn giáo Ngọc Mai cũng vừa chia sẻ, khoa học có một vùng dành cho những vấn đề không giải thích được. Bản thân chị cũng có lúc bán tín bán nghi. Tôi nghĩ có những sự kiện như vừa rồi bởi có những hệ thống nhu cầu như vậy trong cộng đồng. Nhu cầu bắt đầu từ niềm tin mong manh về những điều tốt đẹp – niềm tin mong manh trong việc giải quyết những vấn đề mà mình đang gặp phải trong cuộc sống. Trong cuộc đời, chúng ta không tránh khỏi những lúc gặp chuyện này chuyện khác. Bởi vậy, người ta bám lấy, cắt nghĩa vấn đề bằng việc tìm tới thế giới bên kia, giống như ngôn ngữ đời thường của chúng ta là “chạy” : chạy việc, chạy bằng, chạy án…

Sở dĩ họ có niềm tin mong manh đó bởi họ chưa hài lòng, chưa an tâm với cuộc đời của họ. Hệ thống nhu cầu như vậy kích hoạt những người nhân danh cửa Phật để làm việc đó. Ở đây, tôi không loại trừ việc ai đó có năng lực cao hơn bình thường. Nhưng bên cạnh đó, còn có những người mượn vào nhu cầu này để trục lợi, kiếm lời. Như ta đã thấy, họ có thể sử dụng những điều ác độc để thực hiện mục đích của mình. Thí dụ như chuyện cô Yến nói về nữ sinh giao gà bị giết hại dã man. Người ta có thể dùng mọi cách để trục lợi mặc cho điều đó gây đau lòng, phẫn nộ cho người khác.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 9

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, ông nghĩ gì về việc có người tin là có vong hồn, báo oán?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Từ bé đến lớn tôi trải qua rất nhiều chuyện. Cả trong cuộc chiến và trong cuộc đời, tôi luôn luôn tin tưởng vào đạo Phật, từ khi tôi trưởng thành, sau bao nhiêu biến cố trải nghiệm trong chiến tranh, cuộc đời tha hương, bạt xứ của con người đi tìm hai chữ hạnh phúc. Khi tôi viết tiểu thuyết "Quyên", tôi nghiên cứu đạo Phật. Bố tôi đã chép một cuốn sách viết tay cô đọng nhất về đạo pháp, khi tôi gần như tôi bị điên những biến cố ở bên Đức, những đau khổ về cá nhân. Những ai đã đọc cuốn tiểu thuyết "Quyên" sẽ thấy tôi viết những phần tốt đẹp nhất của con người ở Sri Lanka, nơi có nhiều lý thuyết đạo Phật. Nhận thức của tôi không sâu sắc như giáo sư, các nhà nghiên cứu về xã hội. Nhưng quan điểm của tôi khi bàn tất cả những chuyện về ma tôi thấy nửa hư, nửa thực. Bởi trong cuộc đời của tôi gặp những hiện tượng không lý giải được. Nhưng tôi vững tâm.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 11

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi có hỏi cha tôi thế này: Bố ơi, tại sao hôm nay con tôi gặp hiện tượng rất sợ, anh em sợ, nhưng con không sợ. Bố tôi là một tri thức Nho học và Tây học... Bố tôi nói: Người là dương, ma quỷ là âm..., khi con lái xe, ma quỷ là âm không có sức mạnh hại  con người, nếu không sợ hãi, để dương khí tan mất. Chính sự sợ hãi để âm khí lấn át là tự hại mình, hoảng loạn gây tai nạn.

Từ đó tôi vững tâm hơn, luôn tin ở mình là người. Thượng đế hay đấng sáng tạo nào đó đã sinh ra con người, là một ngôi trong vũ trụ... Khi đọc, tìm hiểu về đạo Phật, Phật tổ  không có chỗ nào khuyên là chúng sinh, Phật tử đi tìm kiếp trước... Phật dạy là muốn biết được kiếp trước, thì phải người ta phải nhìn hiện tại chúng ta đang phải sống ra sao? Thứ hai, cũng không phải ham hố đi tìm kiếp sau. Muốn biết kiếp sau, anh phải tự hỏi hiện tại anh sống ra sao?

Nếu muốn kiếp sau tốt đẹp, anh phải tu tỉnh, trở thành người lương thiện, thì anh mới xác lập cảnh giới của anh ở kiếp sau. Đấy là điểm sáng láng rất biện chứng của quy luật nhân quả. Những người hiểu giáo lý đơn giản ấy sẽ tự giác ngộ. Hay trong "Liêu trai chí dị" của Trung Quốc cũng nói, cũng đề cập tới điều đó, khi số phận đã có, song người ta có thể chiến thắng số phận, thay đổi tướng theo cuộc sống hiện tại, để nói rằng Tướng cao hơn số là thế.

Tôi luôn tin ở sáng láng của đạo Phật, mà Phật pháp chỉ ra những biện chứng, luôn hướng tới cái thiện, sao cho cuộc sống hiện tại phải sao cho tử tế, lương thiện. Tôi cũng có những lúc không phải người toàn diện, tôi có những lúc sai, có những lúc tôi phải đấu tranh giữa làn ranh mong manh,  giữa cái ác và cái thiện, để chiến thắng nó, viết một kí sự rằng: Tôi không phải là thằng ăn cắp. Tức là tự khám phá bản thân mình, dù điều ấy là khó nhất để khắc phục cái xấu của bản năng, vượt qua tham sân si mà làm người tử tế.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Tôi có người thân, là một nhà khoa học, nhưng khi có chút men vào cộng với gợi ý tiêu cực thì đau đầu, không ăn được, mất kiểm soát bản thân, sau đó rất mệt... Nhiều lần đã đi khám và uống nhiều thuốc để chữa nhưng không khỏi. Sau đó đến chùa xin thỉnh vong, gia đình toàn tâm sám hối, tu tập xa lánh hết các việc ác, phát huy làm việc thiện thì đã khỏi căn bệnh đau đầu. Vậy tôi xin hỏi với tình trạng của bệnh nhân này, khoa học đã chữa triệt để được chưa? (bạn đọc Đỗ Thu Hồng, cán bộ hưu trí)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Ngày xưa bố tôi đã từng làm lễ giải hạn cho em trai. Tôi đã tranh luận với bố: Bố đã dạy con, bố chép tay cả cuốn sách Phật pháp, tại sao bố lại làm lễ giải hạn? Bố tôi cười, em con đã tin vào giải hạn rồi, thì con nên làm cho em con an tâm.

Bố tôi làm vậy để tâm trí của em tôi an tâm. Tôi cho rằng đó là vấn đề quan trọng trong cuộc đời, cũng giống như chúng tôi đi đánh trận, nếu cứ nghĩ đánh trận này sẽ chết, sẽ thua, thì y như rằng trận đó sẽ thua. Còn tôi luôn luôn nghĩ mình sẽ trở về với mẹ tôi và chiến thắng được quân địch. Tôi nói điều này bởi tôi muốn mọi người biết rằng, khi anh tin tưởng điều đó là điều quan trọng, trong tâm thức của con người, khi tin vào điều đó thì đó cũng gần như chiến thắng.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 15

Có thể tâm thức của con người ta tin cậy vào chùa Ba Vàng, nên họ tin rằng người ta sẽ chiến thắng bệnh tật. Tôi có thể nói ví dụ về cách chữa bệnh của người Trung Hoa và người Ấn Độ về cơ thể trên con người. Anh có thể chữa bệnh về ung thư không được nhưng liệu pháp trên cơ thể con người mà kích động các huyệt đạo con người mà bớt bệnh.

Có những nghiên cứu về Đông y và Tây y còn chưa giải thích được, cách chữa bệnh của Đông y còn huyền bí lắm, chính điều ấy làm cho nhiều người khỏi bệnh, còn chụp vong tôi nghi ngờ lắm. Bởi trong Phật pháp không có chuyện vong nhập.

Còn nếu cứ nghi ngờ thì sẽ không bao giờ chữa được bệnh. Tôi còn nhớ khi bị ốm, chúng tôi được tiêm cho nước cất, và nói rằng đó là vitamin đấy. Lúc đó tôi cảm thấy mình khoẻ hẳn. Tôi luôn tin ở sự sáng láng của Phật. Giả dụ có vong đi chăng nữa, có kiếp đi chăng nữa, thì sống sao cho tử tế nhưng mình phải tin ở mình, và kết hợp với khoa học, thể dục, thể thao hàng ngày thì anh có bệnh thì anh vẫn tin vào mình thì sẽ khỏi bệnh.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

TS Nguyễn Ngọc Mai: Xưa nay ở Việt Nam thường tách riêng nghiên cứu tâm lý học với tôn giáo, vì vậy trong nghiên cứu về tôn giáo ít khi để ý đến tâm lý học. Khi tôi nghiên cứu về các Thanh đồng tôi đã đi theo hướng tiếp cận của  tâm lý học tôn giáo và tâm lý bệnh học để lý giải về bản chất của thực hành nghi lễ lên đồng và chuyển đổi ý thức của các Đồng khi họ thực hành nghi lễ tôn giáo.

Nghiên cứu về lên đồng cổ xưa được biết khi thực hành nghi lễ thì ý thức của các thanh đồng mờ đi và phần vô thức trỗi dậy. Khi vô thức trỗi dậy thì nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hư giác mà có thể nghe thấy, nhìn thấy những điều, những hình ảnh mà người bình thường không thấy; thậm chí có trường hợp xuất hiện tâm linh mà có thể thần giao cách cảm; hoặc tiên tri, hậu tri… rất đúng.

Các nghiên cứu về tâm lý bệnh học cũng cho biết những người có thể trạng tâm lý yếu thường dễ bị stress khi gặp phải những lời xúc phạm hay những áp lực từ cuộc sống. Khi bị stress họ thường rơi vào trạng thái trầm cảm và điều này hoàn toàn  không tốt cho cơ thể họ (vì khi rơi vào trạng thái cảm xúc âm tính cơ thể thường tiết ra những chất hóa học gây bất lợi cho cơ thể, cũng giống như một người tự kỉ ám thị  rằng mình bị bệnh thì lâu ngày cũng sẽ bị bệnh). Khi người bệnh đó được tham dự một nghi lễ họ sẽ được giải ám thị mà trở lại trạng thái tâm lý tích cực, từ đó tự khỏi bệnh. Trường hợp của người bệnh này rất có thể khi được nghe Pháp, hóa giải những ẩn ức, thậm chí quá trình được chữa bệnh bằng giáo lý Phật giáo đã tạo ra nhận thức mới mà tự giải được ám thị nên bệnh tự khỏi.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

TS Nguyễn Ngọc Mai: Ở phương Tây có hoạt động đi lễ nhà thờ và xưng tội cũng là một hoạt động sám hối, mỗi khi làm điều gì đó không tốt, họ được xưng tội với linh mục, ở đó họ được trải lòng, được tư vấn, chia sẻ và điều đó giúp tâm lý trở lại trạng thái cân bằng.

Nhưng ở Việt Nam đa số mọi người chưa có thói quen gặp các vấn đề trong cuộc sống thì tìm đến các chuyên gia để tăng cường tri thức, nhận thức để giải quyết chính vấn đề của mình mà vượt qua nó. Mà đại đa số lại tìm đến các thầy đồng, thầy bói, thầy cúng. Đó là chưa kể đến thói quen luôn muốn mình xuất hiện phải hơn người, không thừa nhận khuyết điểm mà chỉ thích thể hiện ưu điểm. Nên khi có làm điều gì lỗi lầm, sai trái… rất ít khi thừa nhận. Nhưng thẳm sâu trong mỗi người không phải là không nhớ hay biết những sai trái mà mình đã làm, đã gây ra, vì vậy không phải là không có những cảm giác tội lỗi, mong muốn được sám hối. Vì vậy họ cũng tìm đến các hoạt động thực hành tôn giáo.

Điều tra xã hội học của tôi khi hỏi về việc tham gia các hoạt động tôn giáo có phải cũng là để sám hối khi mình đã làm sai điều gì không cho biết tỷ lệ gần 30%. Các nghiên cứu về tác dụng của thực hành nghi lễ tôn giáo đối với con người của tôi cũng cho biết khi thực hành nghi lễ, tham gia các hoạt động tôn giáo, các chủ thể thực hành đều có được những cảm xúc tích cực. Đặc biệt trong thực hành nghi lễ lên đồng họ còn thay đổi nhận thức, trạng thái tâm lý theo hướng tích cực hơn… Khi  trạng thái tâm lý cân bằng, hưng phấn thì đương nhiên cuộc sống của cá nhân đó sẽ tốt đẹp hơn.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Theo nghiên cứu của TS Mai, 30% số người đến với tôn giáo là để có nhu cầu sám hối. Trong xã hội hiện tại có rất nhiều vụ trọng án diễn ra với mức độ tăng dần. Vậy, có mối liên hệ nào giữa 2 vấn đề này, thưa ông? (bạn đọc nguyetminh207@gmail.com)

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi có thể nói thêm rằng, tâm lý rất gần gũi với tâm linh. Từ niềm tin về tâm lý mà niềm tin về tâm linh của con người mạnh mẽ hơn. Chính những khủng hoảng, những biến cố trong cuộc sống đã tạo ra sự mách bảo, khiến họ tìm tới tâm linh như một sự giải tỏa. Việc này thật ra là cách họ đi tìm câu trả lời cho những biến cố đó, cắt nghĩa những đau khổ trong cuộc sống của mình.

Gần đây, nhiều người đưa ra vấn đề “Có phải người Việt đang trở nên hung dữ hơn”, khi mà những vụ án giết người man rợ diễn ra ngày càng nhiều. Tôi cho rằng, thật ra nó là sự khủng hoảng về giá trị sống. Khi con người ta trở nên mất kiểm soát, người ta sẽ đi tìm sự cắt nghĩa ở đâu đó. Tôi không nói rằng ai đi cầu cúng đều có thể trở thành kẻ thủ ác. Nhưng khi người ta bất an, người ta hoàn toàn có thể tìm tới tôn giáo để cứu rỗi. Mark từng nói “Tôn giáo như liều thuốc giảm đau vậy”. Khi con người có niềm tin mong manh về việc tìm được sự cứu rỗi về thế giới bên kia, họ tìm cách trao đổi, thỏa thuận, mặc cả với thế giới đó. Họ muốn trả giá mạnh hơn, quyết liệt hơn với thế giới bên kia để “chạy tội” cho chính mình.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Hiện nay có các khu tâm linh, chùa chiền được xây dựng to tát, hoành tráng, và thu hút rất đông người tới. Việc nhu cầu ngày càng cao đó liệu có phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trục lợi, kinh doanh tâm linh? (bạn đọc Hoàng Thắng)

TS Trịnh Hòa Bình: Đây là mối quan hệ tương hỗ cả hai phía. Về những câu chuyện mà một độc giả gửi tới chị Ngọc Mai, tôi nghĩ cũng nên tin một phần bởi nó chưa có sự kiểm chứng, thêm nữa đây là cảm xúc cá nhân của một người. Bản thân gia đình tôi cũng từng đi gọi hồn cụ thân sinh, phía làm dịch vụ cho rằng hồn chỉ phát lộ vào cấu trúc tâm lý nào yếu nhất. Sau đó chúng tôi cho rằng, trong đó có những phần không đáng tin, tuy vậy cũng có phần chưa giải thích được, thuộc về tâm linh, tiềm năng con người. 

Việc gọi hồn, thỉnh vong cũng như những sự kiện, hoạt động đường phố của cộng đồng, hoạt động này lôi kéo đám đông, có thể xô đẩy chúng ta hành động trong vô thức. Những nhà khoa học, bác sĩ cũng vậy. Họ có thể thiếu niềm tin ở cuộc sống khi chính họ đang bị khủng hoảng, đối xử bất công, thành thử họ phải tìm kiếm tới chỗ bấu víu rõ ràng như vậy.

Thêm nữa, những đoàn người hành hương tìm tới cơ sở này kia, thông qua đồn thổi, họ tô vẽ thêm thắt thêm và trở thành những thứ linh diệu trong mắt người khác. Còn với những người tận dụng tối đa hoạt động cúng cầu, thêm thắt, đánh vào yếu tố tâm lý để tung ra thông tin, quan sát vẻ mặt của phật tử, chúng sinh để phán xét những điều có lợi cho bản thân thì tôi cho rằng đây là sự lợi dụng, chứ không hẳn là họ có niềm tin tuyệt đối vào điều mình nói.

img imgtruc loi tam linh nhin tu vu chua ba vang hinh anh 1

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự tìm đến chùa là để tĩnh tâm, nhưng có một nghịch lý, chùa được xây dựng ngày càng to thì càng đông người đến, thậm chí chùa còn được xây dựng theo kiểu thương mại, vậy liệu người đến chùa có tìm được sự tĩnh tâm? (bạn đọc mailynguyennt@gmail.com)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Thời Lý chúng ta không có ngôi chùa như hôm nay, kiến trúc chìm trong làng quê, khi người ta tìm đến là cảm nhận không khí chùa, yên tĩnh, thanh tịnh.

Nhưng nhiều ngôi chùa bây giờ được xây dựng to, hoành tráng... Nhiều văn nghệ sĩ nói với tôi, những ngôi chùa này không phải là ngôi chùa của Việt Nam. Với Việt Nam, thì quan niệm từ hàng trăm năm, hàng nghìn năm từ nhà Lý, nhà Trần không có quan niệm như thế, và điều đó có tác động như thế nào đó tới con người ở xã hội này. Cho nên đó là điều mà giới văn nghệ sĩ chúng tôi quan tâm. 

Trở lại với quan niệm tin thế nào về vong. Cũng như TS Trịnh Hoà Bình và TS Nguyễn Ngọc Mai đã nói, chúng ta chưa thể lý giải nhiều hiện tượng, trên thế giới cũng có nhiều chuyện không lý giải được. Bây giờ bảo không có vong hay có vong thì cũng khó để nói. Bởi cũng có những người có năng lực đặc biệt, liên lạc nào đó để đi tìm liệt sĩ.

Có thể có vong chứ, nhưng một điều tuyệt đối tin tưởng cũng như là lời dạy của Phật. Là tự khám phá và tin vào bản thân của mình. Và chân thành đối với quỷ thần, bởi vì văn hoá Việt đã dạy trong văn tự cổ: Lời chân thành của người có thể cảm hoá được quỷ thần. Tôi chưa bao giờ nhận mình là phật tử, tôi chỉ là chúng sinh nhưng tôi tin ở sáng láng của Đức Phật. Tôi tin ở điều thiện của Gia tô giáo và đạo Tin lành rao giảng cho chúng sinh trong cõi nhân gian này.

Tôi nghĩ nếu ta làm sai điều gì ta phải biết sám hối. Tôi mỗi năm lại ngồi sám hối tại khu vườn ở nhà mình, và nghĩ xem mình đã có những lỗi lầm nào. Tôi nghĩ hãy sống cho tử tế trong sạch của hiện tại thì các bạn sẽ tới giới tầng bồng lai, còn nếu như chúng ta không biết tiết chế lòng tham thì chúng ta đã tạo nên một cái nghiệp. Muốn thoát ra khỏi điều đó, chúng ta phải tu tỉnh từng ngày một. Đừng có tham quá, đừng có giận quá, đừng có vui quá... Các bạn hãy tin ở bản thân mình và tu ngay tại chỗ thì bản thân mỗi người sẽ tìm thấy Phật ở trong mình.

Sau gần 3 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?" đã kết thúc với rất nhiều câu hỏi từ bạn đọc quan tâm.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem