Một cuộc biểu tình ở Thành Cổ ngày 8/12 phản đối việc Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Ảnh: AFP.
Hồi tháng 5, khi gặp ông Trump tại Nhà Trắng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng ông đặt hy vọng vào Tổng thống Mỹ. Nhưng 7 tháng sau, chính ông Abbas là người gay gắt chỉ trích ông Trump "thiên vị Israel". Ông Trump ngày 6/12 đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của các đồng minh Arab thân cận gồm Arab Saudi và Jordan.
Một tuần sau, các nhà lãnh đạo Hồi giáo họp khẩn ở Istanbul, tuyên bố rằng quyết định của Trump "vô hiệu". Họ cho rằng Mỹ không còn được coi là trung gian trung thực trong tiến trình hòa bình Israel - Palestine.
Đó là một trong những ví dụ cho thấy chính sách của Mỹ ở Trung Đông khiến các đồng minh ngạc nhiên và làm họ xa lánh Mỹ.
Công việc soạn thảo và thực hiện chính sách Trung Đông của Mỹ là trách nhiệm của người con rể 36 tuổi của Trump, Jared Kushner. Anh được coi là một người mới vào nghề và không phải là người quan sát trung lập, do Kushner từng là đồng giám đốc quỹ tài trợ các khu định cư của Israel ở Bờ Tây.
Trong khi đó, những vị trí ngoại giao quan trọng của Mỹ trong khu vực vẫn bỏ trống. 8 sứ quán Mỹ ở Trung Đông, bao gồm ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Arab Saudi, không có đại sứ. Chính quyền Trump đang bỏ qua lời khuyên từ các nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm về vấn đề Jerusalem và Trung Đông. Những người mới vào nghề đang cầm lái ở Washington.
Đồng minh Arab thân cận nhất của Tổng thống Trump vào thời điểm này là Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman, 32 tuổi, người đã thực hiện những thay đổi lớn trong nước - chẳng hạn như cho phép phụ nữ lái xe và cho phép mở rạp chiếu phim - và đồng thời có những bước đi táo bạo ở nước ngoài.
Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman. Ảnh: AFP.
Thái tử được coi là người đề xướng việc Arab Saudi can thiệp quân sự ở Yemen, đặt lệnh cấm vận với Qatar. Ông cũng được cho là người đứng sau tuyên bố từ chức đột ngột của Thủ tướng Lebanon Saad Al-Hariri (ông Al-Hariri sau đó đã rút đơn từ chức) và gần đây nhất là việc giam giữ tỷ phú Sabih Al-Masri (người điều hành Ngân hàng Arab - nhà tài trợ chính của chính phủ Jordan và là nhà đầu tư chính trong lãnh thổ của Palestine).
Những nỗ lực này nhằm khiến những nước quan trọng trong thế giới Arab phải "phục tùng", đi theo sự dẫn dắt của Arab Saudi. Tuy nhiên, chính sách này cũng làm dấy lên làn sóng chống Arab Saudi trên toàn khu vực.
Mỹ, với sự thúc giục của Arab Saudi và Israel, cố gắng tạo ra một liên minh để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Iran. "Các thập kỷ trừng phạt và cô lập ngoại giao đã không triệt tiêu được ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran. Một tập hợp các quốc gia có nhiều bất đồng được dẫn đầu bởi một siêu cường bị phân tâm bởi rối loạn trong nội bộ của chính mình khó làm được việc đó", cây bút Ben Wedeman của CNN nhận xét.
Ông cho rằng triển vọng để đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong thời điểm hiện tại.
Nga tăng cường ảnh hưởng
Nga đang có sự hiện diện ngày càng quyết đoán trong khu vực. Tháng 9/2015, ông Putin bắt đầu hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, yểm trợ trên không và trên mặt đất cho quân chính phủ để xoay đổi cục diện cuộc nội chiến. Tháng 12 năm nay, ông Putin đã thể hiện rằng mình "hoàn thành sứ mệnh" khi ông bất ngờ đến thăm căn cứ không quân Hmeimim ở Syria và tuyên bố rằng Nga sẽ rút quân một phần.
Tổng thống Nga Putin ôm người đồng nhiệm Syria Bashar al-Assad tại Sochi, Nga hồi tháng 11. Ảnh: AFP.
Nga cũng tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO. Moscow và Ankara là những bên thúc đẩy chính cho các cuộc đàm phán hòa bình Syria ở Astana, Kazakhstan, nơi Mỹ là một nhà quan sát thụ động. Hai nước còn ký một thỏa thuận để Thổ Nhĩ Kỳ mua một hệ thống tên lửa đất đối không S-400 từ Nga.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Mỹ đối với lực lượng người Kurd chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở bắc Syria đã gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng phe người Kurd ở Syria là một nhánh của PKK, lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh ly khai chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984.
Tương lai trắc trở
Thực tế, sự mơ hồ không phải là điều mới mẻ trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Tổng thống Barack Obama từng vẽ ra một "lằn ranh đỏ" về việc sử dụng vũ khí hoá học của chính phủ Syria. Nhưng vào tháng 8/2013 khi Syria bị cáo buộc làm điều đó, Mỹ lại không có phản ứng mạnh mẽ.
Nội bộ chính quyền Obama từng tranh cãi về việc có nên vũ trang cho phe đối lập ở Syria hay không. Cuối cùng họ đã cho phe đối lập đủ vũ khí để chống lại chính quyền Bashar al-Assad nhưng không đủ để đánh bại quân chính phủ.
Chính quyền Trump kế thừa những thất bại đó và vội vã xây dựng chính sách của mình, như đe dọa không công nhận các thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran và từ bỏ các lập trường lâu năm như quan điểm về tình trạng của Jerusalem.
Mỹ đang báo hiệu rằng họ sẵn sàng có lập trường quyết liệt hơn với Iran. Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã đưa ra bằng chứng về tên lửa đạn đạo do Iran cung cấp bắn từ Yemen vào Arab Saudi. Điều này chứng tỏ Iran đã vi phạm nghị quyết của LHQ khi cung cấp vũ khí cho phiến quân ở Yemen.
Động thái này gây liên tưởng đến việc cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell năm 2003 tuyên bố rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Haley dường như đang đặt nền móng để Mỹ lập một liên minh chống lại Iran, Wedeman đánh giá.
Các đồng minh châu Âu truyền thống đang rời xa Washington, lùi lại phía sau khi Mỹ và Arab Saudi cố xử lý các cuộc khủng hoảng tự tạo ra ở Trung Đông. Trong khi liên minh phương Tây không còn khăng khít, Nga ngày càng xích lại gần Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nếu bạn nghĩ đã có nhiều trắc trở ở Trung Đông trong năm 2017 thì hãy chuẩn bị tinh thần cho năm 2018", Wedeman viết.
Phương Vũ (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.