Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong buổi làm việc của Bộ NNPTNT với các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh có cửa khẩu biên giới xuất khẩu nông sản, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, thanh long là một sản phẩm quan trọng, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt tới 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II đã làm thủ tục kiểm dịch cho 4.429 lô hàng trái cây khô và tươi xuất khẩu sang Trung Quốc với tổng khối lượng gần 1,3 triệu tấn, tăng 94,31% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là thanh long với 1.075 lô, khối lượng 454.300 tấn, tăng trên 242% so với cùng kỳ.
Tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 với 369.930 tấn (tăng 20%), giá trị đạt 394,77 triệu USD (tăng 44,07%).
Theo đánh giá của ông Hồ Tỏa Cẩm, trong bổi cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông, lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng 40% cho thấy nỗ lực của cả hai phía trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai, kể từ ngày 18/7/2021, các doanh nghiệp phía Trung Quốc đã chủ động dừng nhập khẩu mặt hàng thanh qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).
Một số doanh nghiệp có hàng tồn tại Lào Cai đã chủ động đưa hàng sang các cửa khẩu khác của tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn để xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do phía Trung Quốc tạm thời dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam là cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang) nên lượng phương tiện vận chuyển thanh long dồn và tăng lên tại cửa khẩu Tân Thanh đến ngày 07/8/2001 là 521 xe (trong tổng số 619 xe nông sản trái cây).
Khu vực ngoài cửa khẩu tồn 130 xe trong khi năng lực thông quan trung bình hàng ngày hiện nay qua cửa khẩu Tân Thanh là 100-130 xe. Việc này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cũng như người trồng thanh long.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị ông Hồ Tỏa Cẩm trao đổi với tỉnh Vân Nam sớm nối lại việc nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Bắc Sơn và Thiên Bảo.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, đã nhận được công hàm của Việt Nam về việc nối lại xuất khẩu thanh long ở 2 cửa khẩu của tỉnh Vân Nam.
"Chúng tôi cũng đã báo cáo các bộ ngành của Trung Quốc và đang khẩn trương nghiên cứu để tác động đến chính quyền tỉnh Vân Nam nhanh cho nhập khẩu lại thanh long Việt Nam vì đây là loại quả quan trọng" - ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Về đề nghị của Bộ NNPTNT sẽ tăng cường trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với 8 loại hoa quả (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít), tạo thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm hoàn toàn nhất trí và khẳng định hai bên cần sớm thúc đẩy ký nghị định thư bởi hiện nay phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác đã có nghị định thư (ví dụ, trái cây Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%).
Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị phía Việt Nam gửi công hàm đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức hội nghị trực tuyến với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương để trao đổi lại những vấn dề hai bên đề xuất, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.