Việt Nam bán loại nông sản này sang Trung Quốc rồi lại chi hàng trăm triệu USD nhập về chế biến

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 11/08/2021 12:10 PM (GMT+7)
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%. Việt Nam xuất khẩu một số sản phẩm gỗ sang Trung Quốc nhưng cũng nhập chính loại này về chế biến.
Bình luận 0

Việt Nam xuất khẩu nhiều dăm gỗ, ván bóc, ván lạng sang Trung Quốc

Theo báo cáo Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Forest Trends, FPA Bình Định, HAWA, BIFA thực hiện, dăm gỗ, ván bóc, ván lạng là những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2020, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm từ 53,8 - 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này. 

Giá xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc trung bình đạt 130 – 146 USD/tấn khô FOB cảng tại Việt Nam.

Trong khi đó, ván bóc, ván lạng là nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm gỗ dán. Trung Quốc là nước xuất khẩu gỗ dán hàng đầu trên thế giới với lượng xuất hàng năm từ 5 – 6 triệu m3, tương đương trên 3,5 tỷ USD về kim ngạch nên nhu cầu ván bóc, ván lạng rất lớn.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy hàng năm nước ta xuất khẩu mặt hàng ván bóc, ván lạng cho hơn 10 quốc gia khác nhau. 

Trong số các quốc gia đó, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất đối với mặt hàng này. Đáng chú ý, xuất khẩu ván bóc, ván lạng sang Trung Quốc tăng rất mạnh trong 2 năm gần đây. 

Năm 2020 lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc tăng kỷ lục, đạt 80,3 triệu USD (tăng gần 86% về kim ngạch so với 2019) và 715.300m3 (tăng 2,25 lần).

Việt Nam bán loại nông sản này sang Trung Quốc rồi lại chi hàng trăm triệu USD nhập về chế biến - Ảnh 1.

Việt Nam vừa xuất khẩu ván bóc sang Trung Quốc nhưng cũng nhập ván bóc từ Trung Quốc để làm ván công nghiệp. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất ván bóc ở Tuyên Quang. Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Việt Nam cũng nhập nhiều gỗ dán, gỗ ghép, ván bóc, ván lạng từ Trung Quốc

Cũng theo báo cáo, kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 3,3 lần trong giai đoạn 2021 - 2020, từ 258 triệu USD năm 2015 lên 846 triệu USD năm 2020. 

Gỗ dán, gỗ ghép là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong số những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Trung Quốc là nguồn cung gỗ dán quan trọng nhất của Việt Nam, với tỷ trọng nhập mặt hàng này từ Trung Quốc chiếm gần 90% trong tổng lượng gỗ dán nhập từ tất cả các thị trường vào Việt Nam mỗi năm. 

Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 96,5 triệu USD năm 2015 lên gần 204 triệu USD năm 2020, với mức tăng trung bình 16,4%/năm. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều ván bóc, ván lạng từ Trung Quốc. Thống kê của cơ quan Hải quan cho thấy, Việt Nam nhập khẩu ván bóc, ván lạng từ hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Lượng nhập từ Trung Quốc lớn nhất, chiếm trên 80% trong tổng lượng nhập mỗi năm, đạt 219.800m3 năm 2020.

Ván bóc, ván lạng là nhóm sản phẩm được dùng sản xuất phần lõi và phủ bề mặt các loại ván công nghiệp. Đây cũng là nguyên liệu đầu vào để sản xuất bàn, ghế, giường, tủ để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Thấy gì từ thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc?

Theo nhóm nghiên cứu, các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng chủ yếu thuộc nhóm gỗ nguyên liệu với lượng và kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh kể từ năm 2018 – 2019 trở lại đây. 

So với nhóm các mặt hàng gỗ nguyên liệu mà Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, các mặt hàng gỗ nguyên liệu Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đa dạng hơn về chủng loại. 

Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, kiểm soát hiệu quả rủi ro trong thương mại về gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là về gian lận và lẩn tránh xuất xứ đối với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ Việt Nam. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem