Trung Quốc đánh cắp văn hóa khiến phim Hàn xuyên tạc lịch sử?

Thứ bảy, ngày 27/03/2021 06:38 AM (GMT+7)
Bằng việc đổ tiền đầu tư để giành suất quảng cáo trong phim, các công ty Trung Quốc đã khiến nhiều bộ phim Hàn Quốc bị chỉ trích nặng nề, danh tiếng diễn viên cũng bị ảnh hưởng.
Bình luận 0
Trung Quốc đánh cắp văn hóa khiến phim Hàn xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 1.

Phim cổ trang Joseon Exorcrist đã bị ngừng phát sóng vĩnh viễn chỉ sau một tập là sự việc xưa nay hiếm xảy ra trong ngành giải trí Hàn Quốc. Tác phẩm bị dừng với lý do xuyên tạc lịch sử, nhưng "phát súng" đầu tiên kích hoạt sự phẫn nộ của khán giả lại là phân cảnh có sử dụng đạo cụ và đồ ăn Trung Quốc trong phim.

Khán giả Hàn Quốc đặc biệt phẫn nộ khi phát hiện các dấu vết liên quan đến văn hóa, ẩm thực Trung Quốc xuất hiện trong phim của nước này. Joseon Exorcrist không phải trường hợp đầu tiên, trước đó True Beauty, Vincenzo cũng bị chỉ trích thậm tệ vì quảng cáo cho sản phẩm đến từ thương hiệu Trung Quốc.

Trung Quốc đánh cắp văn hóa khiến phim Hàn xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 2.

Joseon Exorcrist bị cắt sóng vĩnh viễn vì xuyên tạc lịch sử.

Thực tế, vấn đề mâu thuẫn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng từ lâu, kéo theo việc các tác phẩm hợp tác sản xuất, có dàn diễn viên đến từ hai quốc gia phải "đắp chiếu" nhiều năm. Không "bó tay chịu trói", các đơn vị kinh tế, tập đoàn tư bản ở Trung Quốc vẫn tìm cách can thiệp vào ngành phim ảnh Hàn Quốc.

Sản phẩm xuất xứ Trung Quốc xuất hiện tràn lan trong phim ảnh

Từ năm 2020, nhiều tập đoàn giải trí lớn ở Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư vào quy trình sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc. Chẳng hạn, WeTV (đại diện ở nước ngoài của tập đoàn Đằng Tấn Tencent) đã đầu tư 100 tỷ won (khoảng 91 triệu USD) cho jTBC Studio, nguồn vốn trên cũng được sử dụng vào quy trình sản xuất bom tấn truyền hình The World of the Married (Thế giới hôn nhân).

Các chuyên gia trong ngành nhận định động thái trên nhằm giúp các công ty Trung Quốc dễ can thiệp, tranh suất quảng cáo trong phim truyền hình ở Hàn hơn. Công tác marketing, quảng bá sản phẩm qua phim ảnh không phải là điều mới lạ ở hai nền công nghiệp giải trí hàng đầu châu Á này.

Nối tiếp Thế giới hôn nhân, nhiều phim truyền hình cũng nhận vốn đầu tư và bắt đầu quảng cáo cho các sản phẩm đến từ đất nước tỷ dân. Ví dụ, trong True Beauty, khán giả phát hiện nhà sản xuất cố tình quảng cáo cho một trang web mua sắm online của Trung Quốc trong cảnh nam nữ chính đợi xe bus. Trong một tập khác, Im Joo Kyung (Moon Ga Young) và Kang Soo Jin (Park Yuna) có phân cảnh cùng ăn đêm ở cửa hàng tiện lợi, ê-kíp sản xuất đã quay cận cảnh thương hiệu, bao bì và cách sử dụng gói đồ ăn nhanh xuất xứ Trung Quốc.

Trung Quốc đánh cắp văn hóa khiến phim Hàn xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 3.

True Beauty gây phẫn nô vì quảng cáo trung tâm mua sắm và đồ hộp Trung Quốc lộ liễu.

Trong Vincenzo - tác phẩm đánh dấu sự trở lại màn ảnh nhỏ của Song Joong Ki, cảnh quảng cáo lộ liễu cho sản phẩm đồ hộp Trung Quốc không chỉ xuất hiện một lần. Điều đáng nói là sản phẩm ê-kíp Vincezo nhận quảng cáo lại là cơm trộn bibimbap - một món đặc sản của Hàn Quốc, nhưng do Trung Quốc sản xuất.

Trong tập 8, nhân vật Hong Cha Young (Jeon Yeo Bin) đưa cho Vincenzo (Song Joong Ki) một hộp bibimbap ăn liền. Hai người ăn uống nhiệt tình, khen ngon và tỏ ra đặc biệt thích thú món đồ ăn liền có vỏ bọc toàn chữ Trung Quốc trên. Cảnh quay khiến khán giả không hài lòng và liên tục chỉ trích.

Một nguồn tin thân cận cho biết đài tvN - đơn vị sản xuất Vincenzo - đã kí hợp đồng quảng cáo cho thương hiệu Trung Quốc trên, gói hợp đồng được cho là trị giá khoảng 400 triệu won (350.000 USD) và sẽ gồm 4 lần đưa hình ảnh và tên sản phẩm vào phim.

Nỗi lo bị xuyên tạc và đánh cắp văn hóa

Gần nhất là trường hợp của Joseon Exorcrist. Khán giả Hàn phẫn nộ khi thấy các món ăn Trung Quốc như màn thầu, bánh nướng nhân thịt, trứng bắc thảo, thậm chí cả vò rượu có dán chữ Hán xuất hiện trong cảnh ăn uống ở tập 1.

Sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích của khán giả, ê-kíp sản xuất đã lên tiếng giải thích rằng bữa tiệc trong cảnh phim diễn ra ở vùng phụ cận của hạt Uiju - là biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc dưới thời Minh. Vì vùng đất này nằm sát biên giới, đoàn phim đặt giả thiết đã có sự giao lưu ẩm thực diễn ra.

"Đây đơn thuần chỉ là sự thể hiện về mặt hình ảnh đặc trưng địa điểm và bối cảnh lịch sử các nhân vật hiện diện. Trong câu chuyện, họ đang ở một nơi hẻo lánh, cách xa Hanyang (Seoul). Ngoài ra, chúng tôi không có bất kỳ mục đích sâu xa nào”, đại diện của đơn vị sản xuất SBS kết luận. Tuy nhiên, lời giải thích trên như "thêm dầu vào lửa", khiến dư luận xứ kim chi càng tức giận hơn.

Trước đó, Joseon Exorcrist còn vấp phải tranh cãi đạo nhái trang phục của diễn viên. Tạo hình trang phục, tóc và nữ trang của nữ diễn viên Jung Hye Sung được cho là giống hệt tạo hình của Cúc Tịnh Y trong Tân Bạch nương tử truyền kỳ. Khán giả Hàn nhận xét mũ đội đầu của nam giới và nội thất trong phim cũng bị làm sai với lịch sử, toàn bộ không khí phim bị mô tả là "như đang xem một bộ phim Trung Quốc".

Từ hai việc trên, khán giả xứ kim chi lo rằng người dân Trung Quốc sẽ cho rằng Triều Tiên (trong quá khứ) và Hàn Quốc (hiện tại) không có bản sắc văn hóa riêng, chỉ biết sao chép của Trung Quốc.

trung quoc dau tu phim han anh 4
trung quoc dau tu phim han anh 4
trung quoc dau tu phim han anh 5
trung quoc dau tu phim han anh 5

Joseon Exorcrist bị cho là đạo nhái tạo hình phim Tân Bạch nương tử truyền kỳ, và dùng đồ ăn Trung Quốc thay vì Hàn Quốc.

Nỗi lo tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn, cũng xuất hiện sau cảnh phim quảng cáo bibimbap đóng hộp ở phim Vincenzo. Về bản chất, bibimbap là món ăn xuất phát từ Hàn Quốc, nhưng việc chính phim Hàn cũng quảng cáo cho hộp bibimbap có xuất xứ Trung Quốc có khả năng khiến khán giả nước tỷ dân cho rằng món ăn này có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Thời điểm cuối năm 2020, một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi nam diễn viên Hứa Khải mặc bộ trang phục được cho là giống hệt quần áo truyền thống của đàn ông Hàn Quốc, gồm cả mũ rộng vành đội đầu. Bộ quần áo của Hứa Khải là trang phục đóng phim, chính điều này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc Trung Quốc có ý định sao chép trang phục truyền thống của Hàn hay không.

Dân mạng Trung Quốc cho rằng bộ áo Hứa Khải mặc là hán phục xuất hiện vào triều nhà Minh, trong khi đó dân mạng Hàn Quốc một mực khẳng định đó là bộ hanbok nổi tiếng của xứ nhân sâm.

Tranh cãi leo thang khi blogger Lý Tử Thất đưa kim chi vào vlog nấu ăn và ghi đây là "ẩm thực truyền thống Trung Quốc" và chương trình Thiên thiên hướng thượng của đài Hồ Nam cũng giới thiệu kim chi trong tập phát sóng về ẩm thực địa phương Trung Quốc.

Hậu quả nghiêm trọng

Làn sóng phản đối phim Joseon Exorcrist rơi vào thế khó. Trước khi bị cắt sóng, đoàn phim đã bị rút hết tài trợ kinh phí. Các nhãn hàng Ho Gwan Won, Geum Sung Beds, Ace Beds, Body Friend, Hite Jinro, LG Lifestyle and Health, KT Telecom, CJ Jeil Jedang, Banollim Foods, Samsung… quyết định hủy hết hợp đồng quảng cáo đã ký với phim trước đó. Joseon Exorcrist trở thành phim Hàn đầu tiên lên sóng mà không được bất kỳ đơn vị nào tài trợ hoặc mua quảng cáo (chạy logo cuối phim).

Không chỉ bị cắt sóng vĩnh viễn, khán giả còn yêu cầu toàn bộ ê-kíp gồm đạo diễn, biên kịch, nhân viên hậu kỳ và diễn viên phải xin lỗi công chúng vì xuyên tạc lịch sử và quảng bá văn hóa Trung Quốc. Trong bài đăng trên Kookmin Ilbo, Busan Ilbo, Wikitree... dân mạng để lại các bình luận như: "Bên sản xuất có lỗi, nhưng dàn diễn viên cũng không thể thoát khỏi liên đới. Họ đã đọc kịch bản nhưng vẫn quyết định đóng", "Toàn bộ dàn diễn viên và ê-kíp phải lên tiếng xin lỗi, sau đó học lớp lịch sử Hàn Quốc và vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực lịch sử", "Chỉ cắt sóng là chưa đủ, biên kịch phải bị đuổi khỏi ngành này vĩnh viễn"...

Trước đó, Vincenzo cũng bị chỉ trích kịch liệt, đặc biệt là Song Joong Ki. Nhiều người cho rằng nam diễn viên "vì tiền mà nhắm mắt làm bừa". Bởi theo một chuyên gia ngành quảng cáo, các diễn viên luôn biết trước về các sản phẩm và cảnh quay họ sẽ thực hiện để quảng bá món đồ đó. Chuyên gia trên cho hay chỉ khi diễn viên đồng ý, ê-kíp mới có thể ghi hình các cảnh quay họ ăn uống, dùng các món đồ nằm trong danh sách quảng cáo.

Trung Quốc đánh cắp văn hóa khiến phim Hàn xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 5.

Khán giả chỉ trích Song Joong Ki vì đồng ý quảng cáo cho sản phẩm bibimbap đóng hộp xuất xứ Trung Quốc.

Theo Korea Times, lồng ghép quảng cáo là việc không thể tránh khỏi, đặc biệt với phim truyền hình. "Nhưng thật kỳ lạ khi nhìn thấy chữ Hán và sản phẩm tiêu dùng Trung Quốc trong các bộ phim truyền hình Hàn bởi chúng vốn không phổ biến ở xứ kim chi. Một khi bắt gặp điều vô lý đó, tôi khó lòng tập trung vào diễn biến phim", một khán giả họ Lee trả lời phỏng vấn của Korea Times.

Ngoài ra, người Hàn Quốc cho rằng văn hóa truyền thống, gồm cả trang phục và ẩm thực, của xứ kim chi đang bị Trung Quốc sao chép, đánh cắp. Việc liên tục quảng cáo cho sản phẩm Trung Quốc trong phim được cho là tiếp tay cho hành động trên.

Nghiêm Ngọc (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem