Trung Quốc: Khuyến khích uống thuốc... tránh thai để thi cho tốt

Chủ nhật, ngày 16/06/2013 11:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Trong hai ngày 7 và 8.6 qua, có 9,15 triệu học sinh toàn Trung Quốc tham dự kỳ thi vào đại học - còn gọi là “cao khảo”- với mục tiêu giành được 1 trong 6,85 triệu suất đại học.
Bình luận 0

Ở tỉnh Cát Lâm, ngoài áp lực thi cử, thí sinh trước khi vào phòng thi còn phải chịu một sự kiểm soát gắt gao, đó là bị giám thị dùng máy dò kim loại, để dò xem các thí sinh có giấu những vật dụng bằng kim loại làm phương tiện gian lận hay không. Nếu bị phát hiện, thí sinh sẽ bị cấm vào phòng thi!

Việc dùng máy dò kim loại “rà” ra cả móc sắt ở áo ngực nữ thí sinh, nên họ được khuyến cáo từ trước: nên mặc áo lót mềm trước khi bước qua cửa dò để không bị vang lên tiếng báo có kim loại. Người vượt qua khâu dò này sẽ được gắn “mẫu chứng nhận đạt chuẩn vào phòng thi”.

Mẫu này giống như “áo giáp” giúp họ được công nhận “đã tuân thủ quy định phòng thi”, cũng giống như đóng mộc “bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” lên heo, gà sống trước khi chúng được đem ra bán ở chợ!

img
Kiểm tra thí sinh nữ

Quy định kiểm soát quần áo này nhằm tránh tái diễn những vụ tai tiếng gian lận thi “cao khảo” khiến dân TQ bức xúc, nay họ lại bị sốc với trò “rà” này. Cách gian lận phổ biến là thí sinh đưa thẻ chứng minh nhân dân cho người thi hộ có nét mặt giống mình, nhưng “mánh” này đã cũ và dễ bị phát hiện.

Sau này, thí sinh trang bị tai nghe nhỏ xíu để người làm bài hộ ngoài phòng thi có thể dùng điện thoại di động đọc đáp án cho họ chép. Hồi năm 2008, một số nữ thí sinh ở tỉnh Giang Tô giấu máy ảnh mini trong áo ngực, để chụp ảnh đề thi rồi chuyển cho người làm bài hộ (thuê) giải bài.

Đó là lý do tỉnh Cát Lâm nhờ đến “các biện pháp nghiêm khắc nhất” để chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, vốn phủ bóng đen lên cuộc thi tuyển sinh vào đại học. Cuộc thi này lâu nay vẫn được xem là “sân chơi bình đẳng” để kiểm tra kiến thức của giới trẻ TQ mà không phân biệt nền tảng gia đình là khá giả hay “nhà quê”.

Nhưng cách bảo đảm “sân chơi bình đẳng” này cũng là “cái tát” vào thể diện của thí sinh, vì “kiểm soát” quần áo chẳng khác nào nói mỗi thí sinh đều “gian”. Người phát ngôn của Bộ Giáo dục TQ nói các phòng thi ở 31 tỉnh thành đều trang bị máy thu hình nhằm ngăn chặn thi cử gian lận.

Lập “bức tường người”

Đó là một trong những cái giá phải trả cho một hệ thống giáo dục chỉ chú trọng “học thuộc lòng như vẹt” để được chấm điểm cao ở các kỳ kiểm tra.

Học sinh TQ mất trung bình 6 - 8 giờ/ngày ở lớp và sau đó còn phải học thêm nhiều giờ nữa. Học sinh chịu sức ép phải học miệt mài, nhất là trước các kỳ thi kiểm tra chuyển cấp vốn có tính tranh đua quyết liệt. Thành công hay thất bại trong các kỳ thi này có thể quyết định tương lai của các em.

Mỗi năm tổ chức một lần, kỳ thi “cao khảo” này khiến toàn dân TQ bị cấm bấm còi xe và ngưng mọi công trình xây dựng, cấm xe lưu thông thậm chí cấm cả đám ma, để giúp học sinh ở 7.300 điểm thi và 310.000 phòng thi trên toàn quốc tập trung tối đa làm bài thi. Tại Bắc Kinh, 7.000 công an giao thông không được nghỉ phép, phải có mặt ngoài đường để điều khiển giao thông và bảo đảm thí sinh đến trường đúng giờ.

Những năm trước khi có “cao khảo”, đông đảo phụ huynh lập một “bức tường người” chặn những chiếc xe gây tiếng ồn có thể làm thí sinh mất tập trung, hoặc từng có một nam thí sinh trải qua “kỳ thi quyết định số phận” xong xuôi mới biết người mẹ yêu thương đã chết vài ngày trước vì bị tai nạn giao thông.

Thi “cao khảo” đòi hỏi thí sinh phải nỗ lực tối đa mới có thể đậu đại học, đến độ theo báo mạng Tin giáo dục Trung Quốc, các nữ thí sinh luôn lo lắng về kỳ kinh nguyệt cùng các phản ứng phụ của nó có thể tác động đến việc ôn thi và làm bài thi.

Nỗi lo lắng này đến độ một thầy giáo ở tỉnh An Huy đã khuyên các học sinh nữ nên uống thuốc ngừa thai, một biện pháp mà nhiều em đã nghe và làm theo, để cơn đau kinh không tác động xấu đến điểm thi. Một bà mẹ cho biết rất biết ơn ông giáo đã giúp con bà, nhưng bà cho rằng ông nên bàn với phụ huynh trước. Sở Giáo dục tỉnh An Huy nói sở không chỉ đạo các giáo viên giúp các học sinh nữ dùng thuốc ngừa thai, đồng thời khẳng định sở không có quyền cấm việc này!

“Nền kinh tế cao khảo”

Trong khi các thí sinh bỏ ra hàng tháng ôn thi miệt mài, nhiều hoạt động kinh doanh “ăn theo” kỳ thi cũng trông chờ mùa thi, vì lúc đó các mặt hàng liên quan chuyện thi cử như bút cho đến...bùa may mắn đều bán chạy. Cơn bùng nổ kinh tế này được gọi là “nền kinh tế cao khảo”.

Theo Tân Hoa xã, khách sạn, nhà trọ gần phòng thi đều có thí sinh và người thân thuê, các quán ăn thì tặng nước uống và bán những món ăn “bổ óc” còn “hòm công đức” ở các đền chùa được dịp ngập tiền và đồ cúng thần linh của những phụ huynh khấn cầu cho con họ làm tốt bài thi.

Với hơn 9 triệu thí sinh (đông hơn cả dân số New York - thành phố đông dân nhất Mỹ), cuộc thi “cao khảo” là dịp để “toàn dân cùng thi”. Ở Bắc Kinh, không thể nào thuê được chỗ trọ vào phút chót, hoặc truy cập vào địa chỉ web du lịch Ctrip thì không thể tìm được chỗ trống ở mục “phòng trọ đi thi cao khảo”.

Tại Thượng Hải, phụ huynh sẵn sàng “bắn”ra 5.000 tệ (815USD) để thuê phòng ở các khách sạn 5 sao gần phòng thi, vì chỉ ở đó mới có phòng trống. Các khách sạn này cũng hướng mục tiêu moi tiền vào các bậc cha mẹ “cùng cao khảo”, với những chương trình “ở đâu cũng là nhà”. Các quán ăn thì có “bữa ăn cao khảo” trong những ngày trước khi thi để “dụ khách”. Các tiệm thuốc bán đầy những loại thuốc tăng lực, tăng cường trí nhớ, dầu cá...

Đã bớt người thích làm quan

Chuyện nhà nhà, người người “cùng thi cao khảo” này dễ hiểu vì thi cử đã ăn sâu vào truyền thống, phong tục. Thời phong kiến, thi hội, thi đình là cách để tìm quan lại có khả năng làm việc. Ngày nay, gia đình, hàng xóm và nhà trường đều thích có những học sinh đậu cao. Thí sinh thi từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (xen kẽ là 3 giờ ăn trưa, nghỉ) trong hai ngày 7 và 8.6. Họ thi các môn tiếng Hoa, ngoại ngữ, khoa học, khoa học xã hội và toán. Con số thí sinh đông đảo và độ dài thời gian thi khiến đây là hệ thống thi cử rầm rộ nhất thế giới.

Nhưng số thí sinh cũng đã giảm dần theo từng năm. Bắc Kinh từng tự hào khi có 10,4 triệu thí sinh năm 2008, nhưng các năm sau đều giảm 1/10 số thí sinh. Các chuyên gia nói vì nhiều lý do: tỷ lệ sinh giảm (do các chính sách hạn chế dân số), số thí sinh tăng ở các tỉnh phía tây TQ, nơi chính phủ có các chương trình cải tổ hệ thống giáo dục tiểu học và trung học và đang có hiệu quả.

Theo nhiều thông tin ở TQ, năm 2012 có khoảng 430.000 học sinh ra nước ngoài học, nhờ gia đình khá giả. Nhưng lý do chính mà Bộ Giáo dục-đào tạo TQ chưa chịu công nhận: ngày càng đông học sinh cảm thấy chán thi vào đại học TQ vì thấy vào đó là vô ích, hoặc có quan điểm chỉ cần có tấm bằng tốt nghiệp loại “nhàng nhàng” mà vẫn có công việc ổn định hơn ở lĩnh vực tư, so với môi trường đầy cạnh tranh của những người đậu đại học và đều muốn có chỗ làm trong lĩnh vực công vốn trọng người đậu đại học có điểm cao.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem