Trung Quốc, Mỹ mua nhiều nhất cá tra của Việt Nam... nhưng xuất khẩu vẫn ảm đạm, người nuôi không có lời
Trung Quốc, Mỹ mua nhiều nhất cá tra của Việt Nam... nhưng xuất khẩu vẫn ảm đạm, người nuôi không có lời
Bình Minh
Thứ năm, ngày 27/07/2023 14:19 PM (GMT+7)
Tháng 6, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất của Việt Nam, đạt 48 triệu USD, giảm 4% so với tháng 5 và giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đạt 281 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 143 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam với kim ngạch đạt 48 triệu USD, giảm 15%. Tiếp đó, Mỹ đạt 23 triệu USD, giảm 51%; khối thị trường CPTPP đạt 21 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tháng 6 đã có dấu hiệu "tích cực" hơn so với những tháng trước đó. Nếu như tháng 4 giảm 66%, tháng 5 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 thu hẹp chỉ còn 15%.
Theo VASEP, từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc luôn duy trì vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc duy trì tăng trưởng cao nhất.
Sau giai đoạn giảm liên tục từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, giá trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc ghi nhận ổn định trong các tháng sau đó. Giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay dao động từ 2,11 - 2,29 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 5, giá trung bình đạt 2,29 USD/kg tăng 0,4% so với tháng trước.
Xuất khẩu cá tra 6 tháng năm 2023 đạt 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ.
Tương tự, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ cũng nhích dần so với 2 tháng trước đó, khoảng cách đã được thu hẹp. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tháng 4 giảm 66%, tháng 5 giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 thu hẹp chỉ còn 51 %.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 5/2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm đáng kể so với mức 4,3% ghi nhận vào tháng trước.
Ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ giảm thì vấn đề tồn kho lớn, khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chìm trong tăng trưởng âm. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện diện tích cá tra thả nuôi 3.220 nghìn ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ, sản lượng 859 nghìn tấn, tăng 11,3 % so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra 6 tháng năm 2023 đạt 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ.
Hiện nay xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng hơn những tháng đầu năm 2023 nhưng so với 2022 thì vẫn còn tương đối ảm đạm. Nhìn lại năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2022 đã có nhiều "kỷ lục" được xác lập, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD.
Hiện giá cá tra ở ĐBSCL được thương lái thu mua 27.000 - 28.000 đồng/kg.
Hiện giá cá tra ở ĐBSCL đang được thương lái thu mua dao động ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do chi phí nuôi cá đã gần 30.000 đồng/kg nên người nuôi không có lời.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, kim ngạch cá tra năm nay giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Thị trường Mỹ là thị trường giảm nhanh, nhiều và liên tục. Thị trường Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu tốt lên. Trong tình thế kinh tế chung của thế giới thế này thì cũng cố gắng cầm cự để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Hòe dự báo, bức tranh của ngành thủy sản và cá tra 6 tháng cuối năm sẽ dần hồi phục khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho các dịp lễ hội cuối năm. Đây là tín hiệu dự báo cho việc giá cá tra sẽ có cải thiện trong những tháng tới.
Mục tiêu năm 2023, ngành cá tra dự kiến thả nuôi 5.600 ha; sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỉ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.