Chuyên gia nhận định thời điểm vàng để Việt Nam bứt phá trong xuất khẩu thủy sản
Chuyên gia nhận định thời điểm vàng để Việt Nam bứt phá trong xuất khẩu thủy sản
Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 13/07/2023 09:00 AM (GMT+7)
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã phục hồi khá tốt. Theo các chuyên gia trong ngành, đây là thời điểm để xuất khẩu thủy sản tăng tốc, bứt phá.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới 15/6/2023, xuất khẩu (XK) tôm sang Mỹ đạt 257 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022. XK tôm Việt Nam sang Mỹ bắt đầu xu hướng giảm từ nửa sau năm 2022. Nguyên nhân là lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, lựa chọn thực phẩm giá rẻ.
Tuy nhiên, theo bà Kim Thu - chuyên gia thị trường tôm của VASEP, nhìn nhận doanh số XK từng tháng thì dường như thị trường này đang có tín hiệu tốt dần lên. XK tôm sang Mỹ trong tháng 5/2023 đạt 68 triệu USD, mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Tuy vẫn còn tăng trưởng âm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây cũng là mức sụt giảm nhẹ nhất so với các tháng trước đó.
Thống kê về khối lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam cho thấy nhập khẩu tôm từ Việt Nam đã ghi nhận 3 tháng liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó, từ 2.423 tấn trong tháng 2/2023, đạt 2.845 tấn trong tháng 3 và tăng lên 3.665 tấn trong tháng 4.
Thống kê về khối lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam cho thấy, nhập khẩu tôm từ Việt Nam đã ghi nhận 3 tháng liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó, từ 2.423 tấn trong tháng 2/2023, đạt 2.845 tấn trong tháng 3 và tăng lên 3.665 tấn trong tháng 4. Nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ trong từng tháng cũng ghi nhận mức giảm ít hơn so với mức giảm nhập khẩu tôm chung của Mỹ. "Nếu xu hướng này tiếp tục thì thị trường Mỹ được nhận định sẽ có thể phục hồi sớm từ tháng 7"- chuyên gia của VASEP nói.
Tháng 4/2023, một số sản phẩm tôm của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ghi nhận tăng trưởng so với tháng 3/2023 như tôm nguyên liệu còn vỏ (shell-on) tăng 211% so với tháng 3/2023, tôm nguyên liệu lột vỏ (peeled) tăng 46%, tôm hấp (cooked) và tôm bao bột (breaded) tăng lần lượt 13% và 20%.
Thời điểm để tăng tốc xuất khẩu thủy sản
Nhận định về thị trường XK thủy sản, trong bài viết của mình đăng trên trang của VASEP, TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Fimex VN khẳng định, ánh sáng dần lóe lên trong bối cảnh đầy u ám từ cuối quý III năm trước kéo dài tới nay. Tín hiệu tích cực này diễn ra trong bối cảnh chưa có lợi thế rõ ràng. Tuy nhiên, đi vào thực tế sẽ dần nhận diện ra các yếu tố tạo nền cho sự phục hồi ban đầu.
Theo TS Hồ Quốc Lực, giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy, thấp ngoài mức dự tính của tất cả ai quan tâm con tôm nhà. Điều này dẫn đến sự mỏi mòn của người nuôi, sẽ không còn động lực cho thả nuôi vụ mùa mưa đầy trắc trở. Giá tôm thương phẩm trong nước giảm quá thấp là một nền tảng cho sự gia tăng tiêu thụ, xuất khẩu.
Tình hình tôm nuôi Ecuador cho sản lượng khả quan, tuy nhiên theo thông tin có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ.
Tình hình nuôi ở Ấn Độ cũng trong hoàn cảnh tương tự, dự kiến sản lượng tôm nuôi năm nay ở đây giảm 20-30% do người nuôi giảm thả giống. Giá tiêu thụ thế giới đã chạm đáy và ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, đây cũng là nền tảng để tăng tiêu thụ, XK.
Bình thường trước đây, đầu quý III là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ (riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn). Nhưng theo tình hình diễn tiến, sắp tới đây tôm thương phẩm ở các nước đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ. Đây cũng là một nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán tăng mua dự trữ vì theo quy luật cung cầu, sắp tới chắc chắn nhu cầu tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước. Nền tảng đáng lưu ý nữa là sắp tới sẽ là mùa tiêu thụ do có lễ hội (tháng 7 là Quốc khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…) và nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới. Giai đoạn này hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp. Hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm Việt Nam.
Quý III là thời điểm tăng tốc của ngành thủy sản nước ta nói chung, của con tôm nói riêng. "Qua khó khăn hôm nay, các doanh nghiệp thủy sản có nhiều việc cần phải quan tâm, hoàn thiện mình theo xu thế; phải có sự chuẩn bị mọi mặt cần thiết" - TS Hồ Quốc Lực nhận định.
Theo Chủ tịch HĐQT Fimex VN, có một hạn chế là giá thành tôm của Việt Nam quá cao. Qua đó mới thấy sự liên kết trong chuỗi ngành hàng để nhằm giảm giá thành là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, sự liên kết này cần thực chất mới có hiệu quả. Liên kết thực chất là biết chia sẻ giá trị chung tạo ra, cùng tồn tại cùng phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.