Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm, chuyên gia dự báo gì về "bức tranh" nửa cuối năm?

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 02/07/2023 06:41 AM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai mặt hàng xuất chính là tôm và cá tra đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Bình luận 0

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), so với các tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang có sự hồi phục, tháng sau cao hơn so với tháng trước. Tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Vasep cho thấy, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với 2022.

Đối với xuất khẩu cá tra trong tháng 6 đạt khoảng 156 triệu USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với 2022.

Tổng 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Vasep, ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…

Còn theo Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 2023 của ngành thủy sản chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra đều giảm sâu.

Đánh giá của Bộ NNPTNT, sản xuất và xuất khẩu của ngành thủy sản đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm, chuyên gia dự báo gì về  "bức thanh" nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Theo Vasep, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Vasep

Ông Nguyễn Viết Hoài ở ấp Hiệp Tùng, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn (Cà Mau) nói với Dân Việt hồi cuối tháng 6: "Chưa bao giờ giá tôm nguyên liệu lại giảm sâu như thời điểm này. Để cắt lỗ nhiều hộ đã phải treo ao". Hiện, tôm thẻ loại 100 con/kg được thương lái mua chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng, giảm 30% so với tháng trước. Loại 30 - 40 con/kg giá cũng đồng loạt giảm 20%, xuống chỉ còn 105.000 - 115.000 đồng/kg. 

Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu tôm hiện nay, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho hay, kinh tế khó khăn khiến nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến lượng lớn tôm tồn kho, các đối tác hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam quá cao nên khó cạnh tranh với các "đối thủ" chính như Ecuador hay Ấn Độ.

Theo ông Quang, tỉ lệ nuôi tôm thành công ở nước ta bình quân chỉ dưới 40%, trong khi Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. "Muốn nuôi tôm có tỉ lệ thành công cao, yếu tố con giống và cách nuôi là quan trọng nhất. Nhà nước và ngành chuyên môn cần khuyến cáo người dân giảm mật độ nuôi. Khi giảm mật độ nuôi sẽ giảm rủi ro và áp lực lên môi trường", ông nói.

Dự báo về "bức tranh" của ngành thủy sản 6 tháng cuối năm, bà Lê Hằng cho rằng, thị trường sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội.

Bà Hằng cho hay, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao của Việt Nam. Bởi ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các FTA.

Đối với thị trường Mỹ đã "sáng dần lên". Theo bà Hằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong nửa đầu năm nay đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhìn nhận doanh số xuất khẩu từng tháng thì thị trường này đang có tín hiệu tốt dần lên. 

Dự báo trong quý 3, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ giải phóng hết lượng hàng tồn kho. Sang đến quý 4, khi lượng hàng tồn kho đã hết và vào mùa nhu cầu cao dịp cuối năm, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ lấy lại tiến độ đặt hàng từ Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem