Trung Quốc ngày càng trồng nhiều thanh long, Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu sang Úc, Newzealand

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 13/05/2022 06:16 AM (GMT+7)
Thời gian qua, quả thanh long chủ yếu xuất khẩu dạng trái tươi, đông lạnh sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Canada, Newzeland, Úc và một số nước Đông Nam Á. Trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng xuất khẩu.
Bình luận 0

Trung Quốc ngày càng trồng nhiều thanh long, tìm đường xuất khẩu sang Úc, Newzealand

Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) vừa phối hợp Sở Công Thương Long An phối hợp tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia và New Zeland. 

Tại Phiên tư vấn, bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, hiện nay, thanh long là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Long An đứng thứ 2 trong nước về diện tích trồng và sản lượng thu hoạch thanh long với khoảng 11.822ha, diện tích cho trái khoảng 11.000ha.

Ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, tỉnh Long An còn phát triển nhiều giống thanh long ruột đỏ, tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.

Trung Quốc ngày càng trồng nhiều thanh long, Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu sang Úc, Newzealand - Ảnh 1.

Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách "zero Covid" của Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trái thanh long Long An xuất khẩu chủ yếu dạng trái tươi, đông lạnh sang nhiều thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Canada, Newzeland, Úc, một số nước Đông Nam Á. Trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng xuất khẩu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây chính sách quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc có nhiều thay đổi, tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhất là diện tích trồng thanh long của Trung Quốc ngày càng tăng, khiến sản lượng nhập khẩu thanh long của nước này giảm mạnh.

Điều này đã gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người trồng thanh long, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khi giá thanh long giảm sâu, tiêu thụ chậm.

Ngoài tiêu thụ và xuất khẩu trái tươi, các doanh nghiệp tỉnh Long An đã chế biến sâu nhiều sản phẩm từ thanh long như thanh long sấy giòn, thanh long sấy dẻo, rượu vang thanh long, nước ép thanh long, bột thanh long hòa tan, siro thanh long,...

Thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu được bảo hộ tại 5 quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.

Tỉnh Long An có Hiệp hội thanh long Long An với trên 100 thành viên, có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau với số lượng lớn. Đặc biệt, tỉnh Long An có nhà máy Xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

"Đây chính là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trái thanh long sang các thị trường tiềm năng như Australia hay New Zeland" - bà Châu Thị Lệ khẳng định.

Trung Quốc ngày càng trồng nhiều thanh long, Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu sang Úc, Newzealand - Ảnh 3.

Thanh long là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Long An, với khoảng 11.822 ha, diệ n tích cho trái khoảng 11.000ha. Ảnh: baolongan

Theo Cục Xúc tiến thương mại, thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong những năm qua. Đến nay, thanh long của Việt Nam được xuất đi nhiều nước châu Á, châu Âu, trong đó có Australia, New Zealand. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long, nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần.

Hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. 

Đối với thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin: Thanh long tươi Việt Nam được nhập khẩu chính thức vào thị trường Australia từ năm 2017 với trị giá xuất khẩu gia tăng hàng năm.

Năm 2020, xuất khẩu thanh long sang Australia tăng 36% so với năm 2019, đạt 4,2 triệu USD. Trong khi đó, năm 2021 xuất khẩu thanh long sang Australia tăng 14% so với năm 2020, đạt 4,8 triệu USD. Con số này cao hơn mức tăng trưởng chung của thanh long xuất khẩu đi tất cả các thị trường năm 2021 là 8,5%.

"Đáng chú ý, bên cạnh các cửa hàng của người Việt, thanh long Việt đã được bày bán ở hệ thống siêu thị bán lẻ lớn của Australia. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thương mại Việt Nam-Australia vẫn tăng trưởng rất tốt, đóng góp vào đó có mặt hàng rau củ quả, trong đó có thanh long", bà Hường đánh giá.

Lưu ý các vấn đề khi xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường nêu rõ: Sản phẩm phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận an toàn sinh học; phải được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi; phải đảm bảo không có côn trùng trong cả bao bì đóng gói... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem