Trung Quốc vào tầm ngắm của NATO

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 09/12/2019 14:55 PM (GMT+7)
Quan hệ giữa các nước Phương Tây với Trung Quốc vì thế rồi đây sẽ trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn trước, sẽ cọ sát lợi ích nhiều hơn là đồng thuận quan điểm. Trung Quốc có thể bị thêm bất lợi và không thể không nhanh chóng tìm kiếm đối sách thích hợp. 
Bình luận 0

img

Cuộc gặp cấp cao thường niên là hoạt động quan trọng nhất của Nato trong năm. Sự kiện này năm nay được Nato tổ chức tại Anh và trên chương trình nghị sự còn có thêm cả những nghi lễ kỷ niệm 70 năm ngày NATO được thành lập.   

Đúng ra thì sinh nhật lần thứ 70 của Nato cách đây đã hơn nửa năm và Nato không làm lễ mừng sinh nhật riêng. Hội nghị cấp cao ở London vì thế càng thêm có ý nghĩa quan trọng đối với Nato.

Năm nay, Nato có không thiếu lý do để không thể mừng vui. Chưa khi nào nội bộ liên minh lại bị bất đồng quan điểm sâu sắc và rạn nứt rõ ràng như hiện tại. Không chỉ có tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn có thêm cả tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Pháp Emmanuel Macron mạnh tay táng cho Nato những cú đòn đau.

Không chỉ có giữa ông Erdogan và ông Trump mà còn cả giữa ông Trump và ông Macron cũng như giữa ông Erdogan với ông Macron cùng với lãnh đạo một vài thành viên Nato khác nữa ở châu Âu hiện đang có khúc mắc về đánh giá thực trạng hiện tại của và định hướng chiến lược cho Nato trong tương lai cũng như bất đồng quan điểm về chính sách của Nato đối với Syria và Nga. Diễn biến của sự kiện ở London cho thấy Nato chưa tìm ra được cách và lối dẫn thoát ra khỏi thực trạng này.

Để sự kiện trọng đại không bị thất bại, các thành viên Nato phải gạt bỏ bất đồng sang bên để có được tuyên bố chung. Nội dung trong đấy đa phần đều không mới lạ khi chỉ nhắc lại quan điểm chính thống lâu nay của Nato.

Cái mới duy nhất và cũng là điều đáng được chú ý đến nhất trong tuyên bố chung này là lần đàu tiên đề cập đến Trung Quốc. Lần đầu tiên, tiềm lực quân sự và mưu tính chiến lược quân sự của Trung Quốc bị Nato nhìn nhận như một mối đe doạ an ninh tiềm tàng. Nato coi Trung Quốc là thách thức về an ninh mà Nato phải ứng phó.

Cũng trong khía cạnh này, tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc với thế hệ công nghệ truyền thông 5G được nêu đích danh. Ở đây không chỉ đơn thuần có nhận thức mới và khác trước của Nato về Trung Quốc mà còn cả cách tiếp cận mới và khác trước của Nato về nguy cơ an ninh tiềm tàng đối với Nato.

Thực chất lo ngại của Nato là Trung Quốc càng ngày càng thách thức và đe doạ an ninh Nato thực tế hơn trên hai phương diện là tiềm lực quân sự và tiềm năng công nghệ cao. Nếu chỉ là thách thức và đe doạ an ninh bằng quân sự đối với Nato thì Trung Quốc hiện chưa bằng và không trực tiếp bằng Nga. Nhưng  cũng như thế trên phương diện công nghệ cao như có thể thấy trong chuyện tập đoàn Huawei và 5G của Trung Quốc thì Nga hiện lại chưa bằng Trung Quốc đối với Nato.

Trung Quốc bị Nato đưa vào tầm ngắm chủ yếu bởi những nguyên do sau đây.

Thứ nhất, Nato chính thức coi Nga là kẻ thù nhưng cục diện chính trị an ninh lâu nay ở châu Âu và trên thế giới đã định hình và ổn định đến mức sẽ không xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh giữa Nato và Nga nói chung hay giữa thành viên nào đấy của Nato với Nga. Nato khuếch trương và thổi phồng mối đe doạ an ninh từ Nga thế thôi chứ trong thâm tâm thừa biết sẽ không xảy ra xung khắc quân sự giữa hai bên. Trong khi đó, Trung Quốc không bị Nato coi là kẻ thù nhưng lại có tham vọng lớn về chính trị thế giới, rất kiên định quyết tâm thực hiện tham vọng ấy và có càng ngày càng thêm đủ tiềm lực thực tế để đạt được mục tiêu đề ra nên không cần ở gần Nato mà Trung Quốc vẫn có thể gây tổn hại cho những lợi ích chiến lược của Nato.

Thứ hai, xưa nay, Nato luôn cần có kẻ thù để biện minh cho sự ra đời, cần thể hiện là các thành viên bị đe doạ an ninh để có lý do duy trì sự tồn tại của liên minh. Đưa Trung Quốc vào tầm ngắm như thế có nghĩa là Nato bắt đầu mối đe doạ an ninh tiềm năng mới từ kẻ thù tiềm năng mới, không phải hay chưa phải là kẻ thù nhưng Nato đã phải đề phòng và đối phó. Bằng cách ấy, Nato vừa tăng được giá trị của nó đối với các thành viên vừa khai phá định hướng và lãnh địa hoạt động mới trong thời gian tới.

Thứ ba, sự nhìn nhận như thế của Nato về Trung Quốc rất phù hợp với quan điểm của chính quyền hiện tại ở Mỹ và của cá nhân ông Trump nên làm như vậy, Nato có thể vừa tranh thủ Mỹ vừa ràng buộc Mỹ vào Nato. Trong khi Nato cần Mỹ để đối phó với thách thức mới từ phía Trung Quốc thì Mỹ có thể sử dụng và tận dụng cả Nato cho cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc.

Quan hệ giữa các nước Phương Tây với Trung Quốc vì thế rồi đây sẽ trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn trước, sẽ cọ sát lợi ích nhiều hơn là đồng thuận quan điểm. Trung Quốc bị thêm bất lợi và không thể không nhanh chóng tìm kiếm đối sách thích hợp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem