Trung “ruồi” ẵm Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất
Trung “ruồi” ẵm Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 20/05/2024 21:44 PM (GMT+7)
Diễn viên Trung "ruồi" được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024 vừa bế mạc vào tối nay (20/5) tại TP. Hải Phòng.
BTC, BGK đã trao Huy chương Vàng cho 4 vở diễn: Chú mèo dạy hải âu bay – Nhà hát Tuổi trẻ; Rồng thần trở lại – Nhà hát Kịch Việt Nam; Dế mèn phiêu lưu ký - Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng; Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm – Nhà hát Chèo Hà Nội.
3 vở diễn được trao Huy chương Bạc gồm: Tấm Cám "Bống bống bang bang" – Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Mặt trời quê hương – Đoàn Kịch nói Hải Phòng và Lá cờ thêu sáu chữ vàng – Sân khấu Sen Việt.
Có 25 diễn viên được trao Huy chương Vàng, 37 diễn viên được trao Huy chương Bạc. Trong đó, một số diễn viên được trao Huy chương Vàng như: NSƯT Kiều Minh Hiếu, Lê Hồng Quang, Lê Quang Đạo, Nguyễn Hồng Phúc (Nhà hát Kịch Việt Nam); Anh Tú, Phạm Trung Thạch, Hàn Trang, Ngô Lệ Quyên (Nhà hát Tuổi trẻ); Nguyễn Hà Trung (Trung ruồi), Đỗ Duy Nam (Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam)…
Ngoài ra, BTC cũng trao các giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc: Đào Duy Anh - Đạo diễn xuất sắc vở Chú mèo dạy hải âu bay (Nhà hát Tuổi trẻ); NSƯT Văn Trực - Hoạ sĩ xuất sắc vở Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm (Nhà hát Chèo Hà Nội); Tuấn Nghĩa - Nhạc sĩ xuất sắc vở Dế Mèn phiêu lưu ký (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng); Phùng Khải - Biên đạo múa xuất sắc vở Cây tre trăm đốt (Nhà hát Chèo Hà Nội); Đặng Thế Hiếu - Đạo diễn Âm Thanh xuất sắc vở Rồng thần trở lại (Nhà hát Kịch Việt Nam); Việt Tuấn - Thiết kế Ánh sáng xuất sắc vở Mặt trời quê hương (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) và NSƯT Thế Khiển - Hoạ sĩ tạo hình xuất sắc vở Dế Mèn phiêu lưu ký (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng).
Chia sẻ với Dân Việt, diễn viên Trung "ruồi" cho biết, anh vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi được trao Huy chương Vàng với vai Đại Ma Vương trong vở kịch thiếu nhi Giải cứu mặt trăng của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Đây là Huy chương đầu tiên kể từ khi bước chân vào nghiệp diễn xuất. Vì thế, nó sẽ là một dấu ấn của anh trong sự nghiệp và tiếp thêm động lực cho anh hăng say với nghề.
Chia sẻ với Dân Việt, Đỗ Duy Nam cho biết, đây là Huy chương Vàng thứ 2 trong sự nghiệp hoạt động sân khấu của anh. Huy chương Vàng đầu tiên của anh là trong vở Lời thề thứ 9 của cố tác giả Lưu Quang Vũ, thời kỳ anh còn công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ.
"Huy chương Vàng lần này có một dấu ấn rất đặc biệt đối với tôi sau nhiều năm trở thành diễn viên tự do. Vai chú Cuội trong vở kịch Giải cứu mặt trăng do NSND Tự Long dàn dựng cho Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam là một vai đúng với sở trường của tôi. Những vai diễn vừa hài hước, vừa hoạt náo là chất diễn của tôi. Khi tham gia vở này, chúng tôi đã có những ngày tháng tập luyện cùng nhau rất vui vẻ và hào hứng. Tôi được người anh Tự Long chỉ dạy cho nhiều thứ trong quá trình dựng vở", Duy Nam chia sẻ.
Trao đổi với Dân Việt, NSND Xuân Bắc – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan cho biết, các vở diễn tham gia Liên hoan lần này đều hướng đến nét đẹp Chân – Thiện – Mĩ để phù hợp với lứa tuổi và thị hiếu của các bạn thiếu niên, nhi đồng. Những câu chuyện trong các tác phẩm được kể bằng đặc trưng ngôn ngữ của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, vừa phong phú, vừa hấp dẫn đối tượng khán giả nhỏ tuổi.
Theo NSND Xuân Bắc, mỗi tác phẩm đều có thông điệp giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền tải thông điệp tích cực một cách nhẹ nhàng, dí dỏm. Có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam, những bài học trong sách giáo khoa như: Cây tre trăm đốt, Tiếng đàn Thạch sanh, Nắm xôi kỳ diệu hay chuyện thằng Bờm, Dế mèn phiêu lưu ký, Tấm -Cám, Lời bà kể.
Các lối hát đồng dao, hò – vè, các làn điệu dân ca của dân tộc được đưa lên sân khấu một cách rất thú vị, tạo nên sự mới mẻ, tươi mát dưới góc nhìn trẻ thơ.
Có những vở diễn tái hiện lịch sử, các nhân vật anh hùng ở tuổi thiếu niên như vở diễn: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Mặt trời quê hương. Đây là hướng tiếp cận rất hiệu quả tới thiếu niên nhi đồng nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, tôn vinh ý chí quật cường – dũng cảm của những tấm gương thiếu niên anh hùng thông qua một tác phẩm sân khấu.
Các câu chuyện cổ tích trên thế giới, các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử được các em nhỏ yêu thích cũng được đưa lên sân khấu trong Liên hoan lần này như các vở diễn: Bầy chim thiên nga, Chú mèo dạy hải âu bay, Rồng thần trở lại, Giải cứu mặt trăng, Bộ quần áo mới của hoàng đế.
Các vở diễn được đầu tư công nghệ kỹ thuật mới, trò diễn bằng hình ảnh- lời lẽ trend quen thuộc với các bạn nhỏ đã tạo nên hiệu ứng tương tác sôi nổi, thậm chí bùng nổ giữa diễn viên và khán giả nhỏ tuổi trong mỗi buổi diễn, cả rạp diễn như hòa làm một, không còn khoảng cách làm nên một không khí vô cùng hưng phấn náo nhiệt.
Cũng có những vở diễn đề cập tới các vấn đề xã hội, về gia đình,về bạn bè,về bạo lực họcđường hay những vấn nạn nhức nhối đang diễn ra trong thực tế như vở diễn: Màu của ước mơ, Tiếng chuông cảnh tỉnh, Nước mắt tuổi thơ.
"Những câu chuyện tưởng như đã cũ giờ không còn cũ nữa. Những nhân vật chỉ có trong sách hay qua lời kể giờ đã được xuất hiện trên sân khấu dành cho thiếu nhi và chứng minh sức hút mãnh liệt của nghệ thuật biểu diễn với các khán giải nhỏ tuổi.
Các tác phẩm tham gia liên hoan lần này đến từ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nhưng đều cóđiểm chung là người làm thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, chắt lọc của mỗi đơn vị, mỗi nghệ sĩ trong từng vai diễn, trò diễn - kết hợp cùng các thành phần sáng tạo như: tác giả, đạo diễn âm nhạc, mỹ thuật, phục trang, âm thanh và ánh sáng", NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.
Theo NSND Xuân Bắc, bên cạnh những điểm sáng,Liên hoan còn có nhiều hạn chế. Cụ thể, các tác giả, tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi còn quá ít. Một số thành phần sáng tạo, diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm dự thi của mình.Cách diễn của một số nghệ sĩ khiến nhiều tác phẩm dự thi không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu thu hút trẻ nhỏ.
Nhiều đơn vị chưa thực sự phân biệt rõ giữa tác phẩm đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhidẫn đến vở diễn không thực sự thu hút khán giả nhỏ tuổi. Một số tác phẩm còn có kết cấu lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, câu chuyện thiếu mạch lạc, tình huống khôngphù hợp, nhạy cảm, rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong nhận thức của khán giả nhỏ.
Phát biểu tại bế mạc, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng nhấn mạnh, 17 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan lần này đã mang đến cho các em nhỏ một không khí nghệ thuật với nhiều tiếng cười, niềm vui, những bài học được đúc kết.
"Chúng tôi xin ghi nhận những nỗ lực, cố gắng từ các thành phần sáng tạo, các nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan, với sự lao động nghệ thuật miệt mài nghiêm túc, để mang đến cho các cháu thiếu niên, nhi đồng những tác phẩm lôi cuốn, đặc sắc.
Chúng tôi mong rằng, từ Liên hoan lần này, các nghệ sĩ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, sáng tạo ra nhiều tác phẩm ý nghĩa, chất lượng hơn nữa để phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng- những chủ nhân tương lai của đất nước, đồng thời xây dựng được đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu", NSND Trịnh Thúy Mùi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.